'Quả ngọt' từ sự chắt chiu

Từ sự chắt chiu, dành dụm trong khoảng thời gian tuổi trẻ, đến khi hết tuổi lao động, nhiều người đã hái 'quả ngọt' từ cuốn sổ bảo hiểm xã hội (BHXH).

 Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến với lao động tự do

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến với lao động tự do

An yên tuổi già

Sau nhiều năm công tác ở một nhà máy may tại Khu công nghiệp Phú Bài, tháng 9/2024, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân, trú tại phường Thủy Châu (Hương Thủy) nghỉ hưu theo chế độ, gác lại đằng sau những công việc thường nhật để trở về chăm lo gia đình, chăm sóc con cháu và càng yên tâm hơn khi hàng tháng, chị được nhận khoản lương hưu gần 2,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Cách đây 3 năm, chị đã có quyết định đúng đắn khi đóng BHXH tự nguyện thêm 3 năm 8 tháng còn thiếu để đủ thời gian 20 năm theo quy định của Nhà nước, chứ nhất định không làm thủ tục hưởng BHXH một lần như một số đồng nghiệp. “Thời điểm đó, gia đình gặp khó khăn nên tôi cân nhắc giữa việc tham gia tiếp BHXH tự nguyện để đủ thời gian nhận lương hưu hay nhận BHXH một lần để lấy số tiền trên 120 triệu đồng giải quyết các khó khăn trước mắt. Song, sau khi tham khảo người thân và cán bộ phòng nhân sự của nhà máy, tôi quyết định vay mượn để tham gia BHXH tự nguyện, hiện đã nhận lương hưu tròn 3 tháng, đồng thời được tặng thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe, nên tôi an yên tuổi già”, chị Vân chia sẻ.

Từng có ý định rút BHXH một lần sau khi sức khỏe yếu phải xin về hưu sớm, nhưng khi được nhân viên thu BHXH giải thích, khuyên nên đóng tiếp BHXH tự nguyện để về già có lương hưu, chị Trần Thị Trúc, công nhân vệ sinh môi trường ở quận Thuận Hóa đã tham gia với mức 880.000 đồng/tháng. Sau 5 năm 2 tháng tham gia BHXH tự nguyện cùng với thời gian tham gia BHXH bắt buộc ở đơn vị, giờ đây mỗi tháng chị Trúc nhận hơn 2,3 triệu đồng, là “trái ngọt” sau quá trình chắt chiu, dành dụm để có “của để dành”.

Chính sách BHXH tự nguyện ngày càng gần gũi, được người dân tin tưởng và lựa chọn tham gia, đặc biệt là với lao động tự do không có điều kiện tham gia BHXH bắt buộc. Chính sách này càng có ý nghĩa hơn đối với những trường hợp từng tham gia BHXH bắt buộc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng để hưởng lương hưu.

Tăng cường phối hợp 3 bên

Năm 2024, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt trên 31.650 người, tăng 5.733 người (tăng 22,11%) so với cuối năm 2023, đạt 101,31% so với chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam. Mặc dù số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng, song so với chỉ tiêu giao của BHXH Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo Phó Giám đốc BHXH thành phố Huế, bà Bùi Thị Thu Lý, khu vực lao động phi chính thức là “dư địa” lớn, quan trọng nhất trong phát triển BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, đặc thù của khu vực này là thu nhập của người lao động thấp, bấp bênh đang là một rào cản, thách thức không nhỏ. Do đó, BHXH thành phố sẽ tập trung xây dựng niềm tin trong Nhân dân đối với chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng qua việc tập trung đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định số 1676 của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý là tăng cường vai trò của các đơn vị theo quy chế phối hợp 3 bên đã ký kết, gồm: cơ quan BHXH, UBND các xã, phường, thị trấn và Tổ chức dịch vụ thu tổ chức các hội nghị khách hàng, tuyên truyền theo nhóm nhỏ. Cùng với đó, thông qua các hoạt động truyền thông sẽ giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó, tạo sự đồng thuận, chủ động tham gia.

Bà Lý nhấn mạnh, để thu hút người lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện, BHXH thành phố tiếp tục tăng cường công tác tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong đó, chú trọng việc gắn trách nhiệm của tổ chức cơ sở đảng, cấp ủy, người đứng đầu cũng như đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp, đặc biệt là công tác tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện đến từng người dân. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện các kế hoạch, chương trình phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đã được ký kết trong năm 2024.

Nhiệm vụ quan trọng nữa là phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN thành phố ký kết và triển khai chương trình phối hợp tổ chức hội nghị khách hàng, tuyên truyền nhóm nhỏ và giao chỉ tiêu đến từng hội nông dân, phụ nữ cấp huyện để phát triển người tham gia. Đồng thời, phối hợp với Ban Tôn giáo tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến bà con đang sinh hoạt tại các nhóm đạo để vận động phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đưa chính sách bảo hiểm đến gần hơn với người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài, ảnh: Khánh Thư

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/qua-ngot-tu-su-chat-chiu-150902.html
Zalo