'Quả ngọt' từ học nghề
Lựa chọn học nghề, nhiều người ở Hải Dương đã có được kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, gặt hái thành công trong sự nghiệp.
Lựa chọn phù hợp
Tốt nghiệp THPT năm 2011,anh Đỗ Văn Tín quê ở tỉnh Bắc Ninh đủ điểm đỗ vào đại học nhưng anh đã lựa chọn vào học tại Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Trái với suy nghĩ của không ít người coi trọng học đại học thì anh Tín cho rằng học trường nghề cũng rất tốt bởi phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và nghề dược cũng là đam mê của anh.
“Không học đại học mà lựa chọn một trường nghề ở Hải Dương, không ít người tiếc cho tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng, theo đuổi đam mê thì dù học ở đâu cũng được miễn là phù hợp điều kiện của mình. Quan điểm của tôi là phải xác định rõ ràng lựa chọn của bản thân, đầu tư thỏa đáng và học tập nghiêm túc”, anh Tín cho hay.
Tháng 6/2018, anh Phạm Xuân Sơn ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Lúc ấy, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, anh Sơn xác định nếu không tiếp tục học tập sẽ rất khó có việc làm với thu nhập ổn định. Cầm trên tay giấy chứng nhận học nghề miễn phí của bộ đội xuất ngũ, anh Sơn quyết định đăng ký học nghề lái xe tại Trường Cao đẳng Nghề số 20 Bộ Quốc phòng (địa điểm đào tạo tại TP Hải Dương).
“Thời điểm đó, tôi học nghề không chỉ được miễn học phí theo diện bộ đội xuất ngũ mà trường học gần nhà, tôi có thể đi về trong ngày, không phải ở trọ nên chi phí rất ít. Học xong tôi lại có việc làm ngay, có thể đỡ đần về kinh tế cho gia đình”, anh Sơn chia sẻ.
Có thể thấy rằng, tư duy học nghề chỉ là bước đường cùng khi không đỗ được vào đại học là không đúng. Thực tế cho thấy, học các trường nghề cũng là những lựa chọn phù hợp với nhiều người. Hiện có nhiều trường nghề để người học lựa chọn mà không phải đi học xa nhà tốn kém. Thời gian học ở các trường nghề cũng không dài như đại học. Các trường nghề đang có nhiều ngành học phù hợp nhu cầu việc làm của thị trường…
Thành công
Rời trường nghề, bằng kinh nghiệm học được và quyết tâm của bản thân, nhiều người đã lập thân, lập nghiệp thành công. Năm 2014, anh Tín tốt nghiệp Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương. Qua một thời gian bươn chải làm trình dược viên, rồi mở hiệu thuốc tại quê nhà Bắc Ninh, năm 2020 anh Tín mở Công ty TNHH Dược mỹ phẩm Santafa (trụ sở chính ở TP Hà Nội).
Là một người quản lý công ty, anh Tín gặp không ít khó khăn. Do đó, ngoài kiến thức được học tại trường, anh Tín vừa phải học hỏi thêm, vừa nghiên cứu sản phẩm và tìm đầu ra, mở rộng thị trường. Hiện hệ thống Santafa của anh Tín đã có cơ sở tại Hà Nội, Bắc Ninh và TP Hồ Chí Minh và một nhà máy sản xuất lĩnh vực y tế ở Bắc Ninh. Hệ thống công ty phát triển với trên 45 sản phẩm chủ lực, mỗi năm bán ra khoảng 1 triệu sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 300 nhân viên với mức thu nhập từ 10 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Tốt nghiệp khóa K4 Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương năm 2008, anh Phạm Văn Thông quê ở xã An Sơn (Nam Sách)bắt đầu vào làm việc tại Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (Nam Sách). Ban đầu anh Thông được công ty nhận vào làm công nhân trực tiếp tại xưởng. Tuy nhiên, do được đào tạo bài bản tại trường nên anh Thông có kỹ năng xử lý tình huống tốt, nắm vững các kiến thức nghề nghiệp để áp dụng trong thực tiễn công việc. Do đó, anh đã đạt được nhiều thành tích cao, hoàn thành xuất sắc công việc. Lãnh đạo công ty đã để ý đến người thợ tài hoa và bổ nhiệm anh chức Trưởng phòng Kỹ thuật, với mức lương cao.
Mới đây, anh Phạm Xuân Sơn được lựa chọn là gương thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện Tứ Kỳ dự Đại hội Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Hải Dương. Kết quả anh Sơn có được ngày hôm nay một phần do nền móng vững chắc ở trong quân ngũ và học nghề thành công. Cuối năm 2018, sau khi có bằng lái xe, anh Sơn đi lái xe chở hàng cho một công ty ở Hải Phòng. Những chuyến đi với nhiều hiểu biết đã thôi thúc anh Sơn phát triển kinh tế ở quê nhà. Anh mở cửa hàng hoa tươi, cây cảnh cho vợ bán. Còn mình đi làm cho một công ty ở thị trấn Tứ Kỳ và phát triển thêm công việc nuôi rươi ở địa phương. Từ hai bàn tay trắng, đến nay vợ chồng anh Sơn đã có nguồn thu nhập khá. Kinh tế vững vàng cũng là một trong những điều kiện giúp anh Sơn làm Bí thư Chi đoàn thôn Thanh Kỳ (xã An Thanh), thúc đẩy hoạt động Đoàn ở cơ sở.
Thực tế, có rất nhiều người tốt nghiệp trường nghề có công việc ổn định và thu nhập cao. Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có khoảng 90% số học sinh, sinh viên học các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm, thu nhập ổn định.
Hiện nay, tại Hải Dương có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, với quy mô tuyển sinh 34.600 học sinh, sinh viên/năm. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã gắn kết đào tạo với trên 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 100% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lựa chọn chương trình đào tạo, đánh giá, cập nhật chương trình đào tạo và công khai chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra theo quy định. Tỉnh Hải Dương cũng đang xem xét xây dựng mức hỗ trợ học phí đối với người học nghề trên địa bàn.