Quả 'lạ' ở miền Bắc nhìn giống bưởi, dân hái về dùng thay mỡ lợn, dầu ăn

Được xem như đặc sản 'trời ban' ở một số tỉnh miền Bắc, loại quả này có phần hạt tươm dầu, béo ngậy, được bà con địa phương tận dụng làm thực phẩm, thay thế mỡ lợn khi nấu ăn.

Cây đài hái (còn có tên khác là du qua, dây mỡ lợn, then hái, dây sén, mác kịnh) mọc tự nhiên trong rừng, được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên…

Ngoài lá và thân dùng làm dược liệu, quả của loại cây này được bà con địa phương tận dụng làm thức ăn, xem như đặc sản “trời ban” vì mùi vị thơm ngon, béo ngậy.

Đài hái là cây thân leo, quả to tròn, cỡ như quả bưởi. Ảnh: Mai Tây Bắc

Đài hái là cây thân leo, quả to tròn, cỡ như quả bưởi. Ảnh: Mai Tây Bắc

Quả đài hái có kích thước tương đối lớn, nặng 0,8-1kg, vẻ ngoài khá giống quả bí với lớp vỏ cứng màu xanh. Bên trong quả có phần thịt trắng, mềm như cùi bưởi, bòng và nhiều hạt to, chứa ngập dầu.

Hạt của loại quả này khá to, kích cỡ chừng 3 đầu ngón tay người lớn chụm lại và vỏ dày, cứng. Khi quả chín, còn tươi thì hạt có lớp vỏ màu vàng hơi ngả nâu, giống hạt mít. Khi quả già, hạt rơi rụng xuống đất, màu nâu đậm như mắc ca.

Hạt của quả đài hái. Ảnh: Tây Bắc TV

“Chỉ có hạt của quả đài hái là có thể sử dụng làm thức ăn. Hạt đài hái chứa rất nhiều dầu, tỷ lệ có thể đạt tới 60-65%. Khi tách vỏ, hạt có nhân màu trắng, ăn bùi bùi. Nếu làm chín, hạt tiết ra phần dầu hơi đặc, màu vàng nhạt, không mùi, không vị nhưng béo ngậy gần giống mỡ lợn.

Bởi vậy mà ở nhiều địa phương, người ta còn gọi đài hái là quả mỡ lợn, dùng làm thực phẩm thay thế mỡ lợn và dầu ăn”, anh Văn Linh, “thợ rừng” ở huyện Bát Xát, Lào Cai, cho biết.

Người ta gọt quả đài hái như gọt bưởi để lấy phần hạt nâu bên trong. Nhân của hạt này chứa nhiều dầu nên được tận dụng làm thực phẩm thay thế dầu ăn, mỡ lợn. Ảnh: Linh Bọ Ngựa

Người đàn ông có nhiều năm kinh nghiệm “săn” sản vật trong rừng cho biết, mùa quả đài hái thường bắt đầu từ khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch và kéo dài đến tháng 1, tháng 2 năm sau. Các tháng khác, quả đài hái khó tìm hơn.

Thời điểm này, bà con ở vùng núi cao lại rủ nhau vào rừng, tìm quả đài hái về chế biến món ăn hoặc đem bán.

“Nếu đi rừng mà gặp được quả đài hái là rất may mắn vì số lượng không nhiều, phải đi nhiều chỗ mới tìm thấy 1 cây. Mỗi cây thường có 2-3 quả.

Ngoài quả tươi ở trên cây, người ta cũng lượm nhặt hạt từ những quả chín già bị rơi rụng quanh gốc”, anh Linh chia sẻ thêm.

Hạt của quả đài hái có thể đem xào, đồ xôi hoặc nấu canh, nấu cháo... Ảnh: Mai Tây Bắc

Muốn chế biến quả đài hái thành thức ăn, người ta phải gọt hết lớp vỏ cứng và cùi để lấy hạt. Mỗi quả có khoảng 6-8 hạt, tùy kích cỡ, màu ngả nâu.

Tiếp đến, hạt được tách vỏ để lấy phần nhân trắng bên trong. Phần nhân này thái nhỏ thành các lát mỏng, đem xào cho tiết ra dầu rồi chế biến tùy ý.

Ngoài sử dụng như một loại rau xào hay thay thế dầu ăn, mỡ lợn, người địa phương còn dùng phần nhân của quả đài hái để đồ xôi, nấu canh hoặc băm nhuyễn nấu cháo.

Mỗi món lại có hương vị thơm ngon riêng, người già hay trẻ nhỏ đều có thể thưởng thức.

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/qua-dac-san-la-o-mien-bac-nhin-giong-buoi-dan-hai-ve-dung-thay-mo-lon-dau-an-2395891.html
Zalo