Quá 60 tuổi, vì sao pháo đài bay B-52 chưa được 'nghỉ hưu'?

76 máy bay ném bom B-52 có tuổi đời hơn 60 năm sẽ được hiện đại hóa và nâng cấp lên phiên bản B-52J, hoàn thành vào năm 2028 với khoản ngân sách khổng lồ - một tham vọng mang tính chiến lược của người Mỹ. Điều gì khiến Mỹ đưa ra quyết định này và B-52 liệu có thực sự là biểu tượng huyền thoại của không quân Hoa Kỳ?

B-52J: Bản nâng cấp ‘tỷ đô’ hay nỗ lực duy trì biểu tượng của không quân Hoa Kỳ?

Mỹ vừa chính thức công bố rằng thời gian phục vụ của máy bay ném bom chiến lược B-52, với phiên bản B-52J, sẽ được kéo dài đến năm 2040 sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp với khoản ngân sách khổng lồ lên tới 11,9 tỷ USD.

Loại máy bay ném bom chiến lược B-52 đã có mặt trong biên chế không quân Mỹ từ năm 1955, và với quyết định mới, nó sẽ chạm mốc 85 năm phục vụ vào năm 2040, lớn hơn tuổi quân của bất kỳ một tướng lĩnh nào, phá vỡ mọi kỷ lục về thời gian hoạt động của một chiến đấu cơ trong không lực Hoa Kỳ. Nếu mọi việc thuận lợi, B-52 có thể đạt 100 năm phục vụ vào năm 2055, một cột mốc hiếm thấy trong lịch sử hàng không quân sự.

Tính đến thời điểm hiện tại, không quân Mỹ đang duy trì khoảng 76 chiếc máy bay B-52 trong biên chế hoạt động. Phần lớn trong số này đều thuộc phiên bản B-52H, là phiên bản nâng cấp hoàn thiện cuối cùng của dòng máy bay ném bom chiến lược B-52, tính đến năm 2024. Đây là kết quả của nhiều lần nâng cấp nhằm duy trì khả năng chiến đấu và đáp ứng các yêu cầu chiến tranh hiện đại của ‘Pháo đài bay’ B-52.

Mỹ đang thực hiện kế hoạch nâng cấp các máy bay B-52 này lên phiên bản B-52J, với nhiều cải tiến về hệ thống điện tử, động cơ, và khả năng tác chiến. Phiên bản B-52J được kỳ vọng sẽ duy trì hoạt động của dòng máy bay này ít nhất đến giữa thế kỷ XXI, đảm bảo phục vụ lâu dài trong lực lượng không quân chiến lược của Mỹ.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ sẽ được nâng cấp lên phiên bản B-52J với nhiều tính năng vượt trội.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ sẽ được nâng cấp lên phiên bản B-52J với nhiều tính năng vượt trội.

Những nỗ lực hiện đại hóa, đặc biệt là việc thay thế động cơ cũ bằng động cơ mới Rolls-Royce F130, sẽ giúp B-52 cải thiện hiệu suất hoạt động và khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Động cơ mới không chỉ giúp B-52 giảm tiêu thụ nhiên liệu tới 30%, mà còn tăng tầm bay, tạo ra lợi thế chiến lược khi máy bay có thể tiếp cận gần hơn các khu vực xa xôi mà không cần tiếp nhiên liệu giữa chừng.

Ngoài động cơ, B-52J sẽ được nâng cấp hệ thống điều khiển hiện đại với các công nghệ mới nhất, bao gồm cả các công nghệ điều khiển, tự động hóa, tác chiến điện tử, xử lý và hiển thị thông tin thông minh trên kính lái cùng nhiều vũ khí mới bao gồm cả các tên lửa siêu thanh với tốc độ đạt trên Mach 5, giúp Mỹ duy trì ưu thế áp chế hỏa lực trên chiến trường.

Tổng chi phí cho chương trình hiện đại hóa B-52J dự kiến lên đến 11,9 tỷ USD, dành cho việc cải tạo 76 máy bay B-52 còn lại trong kho vũ khí của Mỹ. Những thay đổi này không chỉ giúp tăng cường sức mạnh tấn công, kéo dài tuổi thọ hoạt động của B-52, mà còn đảm bảo rằng huyền thoại pháo đài bay này vẫn giữ vai trò quan trọng đối với chiến lược quân sự của Mỹ trong tương lai.

Sức mạnh của 'Pháo đài bay' B-52

B-52 được thiết kế bởi Boeing, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1952 và chính thức được biên chế trong không quân Mỹ vào năm 1955.

B-52 là loại máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ. Với hình dáng đặc trưng, cánh rộng và khả năng mang theo hàng loạt vũ khí đa dạng, bao gồm bom thông thường, bom hạt nhân và tên lửa hành trình, B-52 đã khẳng định vị thế của mình trong nhiều cuộc chiến tranh lớn.

B-52 nổi bật với thiết kế bốn động cơ, cánh rộng và thiết kế khí động học, cho phép máy bay hoạt động hiệu quả ở độ cao lớn. Đặc điểm này không chỉ mang lại hiệu suất tốt mà còn tạo ra khả năng chịu đựng, hoạt động trong điều kiện thời tiết và địa hình khắc nghiệt.

B52 có hình dáng đặc trưng, cánh rộng và khả năng mang theo hàng loạt vũ khí đa dạng.

B52 có hình dáng đặc trưng, cánh rộng và khả năng mang theo hàng loạt vũ khí đa dạng.

Phiên bản B-52H hiện tại có tầm bay khoảng 7.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu, giúp mở rộng khả năng tác chiến mà vẫn duy trì hiệu suất tối ưu. Đặc biệt, việc tiếp nhiên liệu trên không cho phép B-52 hoạt động hiệu quả ở khoảng cách xa mà vẫn duy trì khả năng tấn công mạnh mẽ.

B-52 cũng được trang bị hệ thống điện tử hiện đại, cho phép thực hiện các nhiệm vụ tác chiến hỗn hợp và điều hướng chính xác trong điều kiện chiến đấu phức tạp. Những yếu tố này giúp B-52 duy trì tính cạnh tranh và khả năng hoạt động trong môi trường chiến tranh hiện đại.

THÔNG SỐ KỸ THUẬT CỦA B-52H

B-52H Stratofortress là phiên bản cuối cùng của dòng máy bay ném bom chiến lược B-52, được phát triển bởi Boeing và hiện vẫn đang hoạt động trong không quân Mỹ.

• Kíp lái: 5 người (Chỉ huy, phi công, sĩ quan điều khiển hệ thống vũ khí, sĩ quan radar và kỹ thuật viên điện tử).

• Chiều dài: 48,5 m.

• Sải cánh: 56,4 m.

• Chiều cao: 12,4 m.

• Trọng lượng không tải: 83.250 kg.

• Trọng lượng cất cánh tối đa: 220.000 kg.

• Tốc độ tối đa: 1.046 km/h (Mach 0.86).

• Tầm bay tối đa: 14.080 km (có thể được mở rộng bằng tiếp nhiên liệu trên không).

• Trần bay tối đa: 15.000 m.

• Động cơ: 8 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF33-P-3/103, mỗi chiếc có lực đẩy 75,6 kN.

• Khả năng tải vũ khí: 31.500 kg, bao gồm bom hạt nhân, bom thông thường, tên lửa hành trình AGM-86 ALCM và AGM-129 ACM, cùng các loại vũ khí chính xác khác.

• Vũ khí phòng vệ: Hệ thống tác chiến điện tử tích hợp, tên lửa phòng không AIM-9 Sidewinder và các thiết bị gây nhiễu radar.

B-52H nổi bật với khả năng bay xa, tải trọng lớn, khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến lược như ném bom, tấn công hạt nhân và tác chiến điện tử.

Các chiến thuật tác chiến điển hình của 'Pháo đài bay B-52'

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự lớn trong suốt sáu thập kỷ hoạt động.

Chiến dịch Flaming Dart (1965):Là một phần trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. B-52 tham gia vào Chiến dịch Flaming Dart, tấn công các căn cứ quân sự của miền Bắc Việt Nam nhằm trả đũa cho các cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ tại Pleiku.

Chiến dịch Rolling Thunder (1965):Từ tháng 3/1965 đến tháng 11/1968, B-52 thực hiện hàng loạt phi vụ không kích dữ dội nhằm vào các mục tiêu quân sự tại miền Bắc Việt Nam với mục đích gây áp lực lên Hà Nội. Hơn 643.000 tấn bom được Mỹ thả xuống Việt Nam, nhưng người Mỹ đã không đạt được kết quả chiến lược như mong đợi.

Chiến dịch Arc Light (1965): Từ tháng 6/1965 đến tháng 8/1973, Arc Light là một trong những chiến dịch sử dụng B-52 lớn nhất trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Hơn 126.000 phi vụ ném bom B-52 đã được thực hiện nhằm vào khu vực dãy Trường Sơn, biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.

Chiến dịch Linebacker I và II (1972):Trong hai chiến dịch này, B-52 đã thực hiện hàng nghìn cuộc không kích xuống Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc Việt Nam. Đặc biệt với Chiến dịch Linebacker II vào tháng 12/1972, còn được gọi là "Cuộc dội bom Giáng sinh", là một trong những chiến dịch không kích lớn nhất của B-52 với mục tiêu được Mỹ tuyên bố là “đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Chỉ tính riêng trong 12 ngày, B-52 của Mỹ đã thực hiện 729 phi vụ tấn công với khoảng 15.000 tấn bom được thả xuống Việt Nam. Kết thúc chiến dịch, Mỹ thiệt hại 34 chiếc B-52 - những pháo đài bay được cho là bất khả chiến bại.

Một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen trong Chiến dịch Linebacker II của Mỹ nhằm vào Việt Nam năm 1972.

Một máy bay ném bom B-52 cất cánh từ Căn cứ Không quân Andersen trong Chiến dịch Linebacker II của Mỹ nhằm vào Việt Nam năm 1972.

Chiến dịch El Dorado Canyon (1986): B-52 không trực tiếp tham gia cuộc không kích vào Libya, nhưng được triển khai trong các cuộc tập trận chiến lược nhằm cảnh báo các quốc gia có hành vi đe dọa lợi ích của Mỹ.

Chiến dịch Desert Storm (1991): B-52 đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng của Iraq. Máy bay B-52 xuất kích từ các căn cứ xa như đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, thực hiện 1.620 phi vụ tấn công và thả hàng loạt bom vào vào Iraq nhằm tiêu hao lực lượng và cắt đứt các các tuyến hậu cần.

Chiến dịch Enduring Freedom (2001):Sau sự kiện khủng bố 11/9, B-52 được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Taliban và Al-Qaeda tại Afghanistan. Các cuộc không kích sử dụng bom dẫn đường chính xác, phá hủy các vị trí chiến lược của Taliban.

Chiến dịch Iraqi Freedom (2003):Trong cuộc tấn công vào Iraq năm 2003, B-52 tiếp tục đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt các vị trí quân sự, kho vũ khí và các cơ sở chỉ huy của chính quyền Saddam Hussein. B-52 góp phần làm suy yếu khả năng phòng thủ của quân đội Iraq, mở đường cho các lực lượng mặt đất tiến vào Baghdad.

Chiến dịch Odyssey Dawn (2011): Trong cuộc can thiệp quân sự của NATO tại Libya, B-52 được sử dụng để thực thi vùng cấm bay và tấn công các mục tiêu quân sự của chính quyền Gaddafi. B-52 đã góp phần phá hủy hệ thống phòng không của Libya và làm suy yếu lực lượng của Gaddafi.

Chiến dịch chống ISIS (2014 - 2019): B-52 được sử dụng trong các chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tại Iraq và Syria. Máy bay này thực hiện nhiệm vụ tấn công các cơ sở chiến lược, như nhà máy dầu, kho vũ khí và các trung tâm chỉ huy của ISIS, giúp làm suy yếu khả năng tài chính và quân sự của tổ chức này.

Chiến dịch Inherent Resolve (2015 - nay): Trong chiến dịch này, B-52 tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các cuộc không kích nhằm vào lực lượng khủng bố tại Iraq và Syria. Với khả năng thả bom chính xác, B-52 đã tiêu diệt các mục tiêu lớn, từ đó hỗ trợ các lực lượng mặt đất thực hiện nhiệm vụ.

Các hoạt động răn đe chiến lược:Ngoài các chiến dịch cụ thể, B-52 cũng thường xuyên tham gia vào các hoạt động tuần tra răn đe chiến lược, bay trên không phận quốc tế để thể hiện sức mạnh của Mỹ trước các đối thủ tiềm năng.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Cheongju (Hàn Quốc) ngày 17/10/2023.

Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ hạ cánh xuống căn cứ không quân ở Cheongju (Hàn Quốc) ngày 17/10/2023.

Dựa trên đặc tính kỹ thuật, thực tiễn tham chiến của B-52 trong nhiều thập kỷ qua cũng như những yêu cầu của chiến tranh hiện đại, các chuyên gia quân sự đã nhận diện và phân loại một số chiến thuật tác chiến điển hình của loại máy bay ném bom chiến lược này như sau:

Không kích tầm xa:B-52 được thiết kế để thực hiện các cuộc không kích tầm xa, vượt qua hàng ngàn km để tấn công mục tiêu. Chiến thuật này từng được không quân Mỹ áp dụng tại các chiến dịch như Rolling Thunder và Linebacker II trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Vào những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX, những chiếc B-52 của không quân Mỹ đã xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam hoặc một số quốc gia Đông Nam Á để ném bom các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Sức mạnh tầm xa này giúp Mỹ duy trì áp lực liên tục và mạnh mẽ trên chiến trường để phục vụ cho các mục đích chiến lược theo những toan tính của người Mỹ.

Không kích diện rộng: Một trong những chiến thuật đặc trưng của B-52 là thực hiện các đợt ném bom rải thảm (carpet bombing). Khi đó, B-52 sẽ thả một lượng bom rất lớn trong một khu vực rộng và khoảng thời gian ngắn, gây bất ngờ cho đối phương. Đây là chiến thuật được sử dụng để phá hủy các cơ sở quân sự, công nghiệp và các vùng tập trung quân sự lớn của đối phương. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, B-52 của không quân Mỹ đã thả hàng ngàn tấn bom với kỳ vọng làm suy yếu lực lượng và tinh thần chiến đấu của người Việt, đồng thời khẳng định B-52 là một cỗ máy chiến tranh mạnh mẽ mang tính biểu tượng và chiến lược của không quân Mỹ trước toàn thế giới.

Răn đe hạt nhân: B-52 đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược răn đe hạt nhân của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Pháo đài bay này được thiết kế để mang các loại bom hạt nhân, có khả năng bay tầm xa và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa hoặc phủ đầu. Chiến thuật này chủ yếu nhằm duy trì sự sẵn sàng đáp trả hạt nhân, tạo ra một lá chắn răn đe nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân từ các đối thủ tiềm tàng, các cường quốc hạt nhân khác.

Tấn công chính xác với tên lửa hành trình: B-52 có khả năng mang theo các loại tên lửa hành trình như AGM-86, cho phép không quân Mỹ tấn công các mục tiêu chiến lược với độ chính xác cao từ khoảng cách xa. Đây là chiến thuật được sử dụng trong các chiến dịch quân sự hiện đại như Desert Storm năm 1991 ở Iraq, khi đó B-52 đã tấn công các cơ sở phòng không và chỉ huy của Iraq từ khoảng cách an toàn.

Hỗ trợ trên không: Ngoài các cuộc tấn công chiến lược, B-52 còn có vai trò trong các nhiệm vụ yểm trợ trên không cho bộ binh và các lực lượng hiệp đồng tác chiến trên mặt đất. Trong các chiến dịch ở Afghanistan và Iraq, B-52 đã tiến hành áp chế hỏa lực mạnh để hỗ trợ lực lượng mặt đất, tiêu diệt các vị trí phòng thủ hoặc các căn cứ của đối phương.

Ném bom ban đêm:B-52 thường sử dụng chiến thuật ném bom ban đêm để gây bất ngờ và giảm thiểu khả năng phát hiện từ các hệ thống phòng không của đối phương. Đặc biệt trong các chiến dịch như Linebacker II, pháo đài bay B-52 thường xuyên hoạt động ban đêm để né tránh radar và các mối đe dọa từ lực lượng phòng không của Việt Nam.

Chiến thuật tấn công phối hợp theo đội hình:Pháo đài bay B-52 thường hoạt động theo đội hình gồm nhiều loại tiêm kích và cường kích khác nhau cùng phối hợp để tối ưu hóa hiệu quả liên lạc, trinh sát và tấn công. Chiến thuật này sẽ tăng khả năng gây thiệt hại lớn cho đối phương và giảm thiểu rủi ro bị bắn hạ từ hệ thống phòng không, đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ tấn công vào các khu vực có hệ thống phòng thủ mạnh.

Nhờ các chiến thuật đa dạng và khả năng nâng cấp liên tục, B-52 đã chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong các chiến dịch quân sự của Mỹ, đồng thời giữ vững vai trò răn đe hạt nhân cũng như duy trì sự hiện diện quân sự chiến lược của Mỹ tại nhiều khu vực trong suốt nhiều thập kỷ.

Máy bay B-52 thường không hoạt động đơn độc, mà có cả phi đội hộ tống hàng chục máy bay chiến thuật theo kèm.

Máy bay B-52 thường không hoạt động đơn độc, mà có cả phi đội hộ tống hàng chục máy bay chiến thuật theo kèm.

Bài học với người Mỹ từ sự thất bại của B-52 trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam

Máy bay ném bom chiến lược B-52, dù nổi tiếng với sức mạnh áp chế hỏa lực và khả năng tác chiến tầm xa, nhưng đã gặp phải nhiều thách thức lớn và thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ. Dù B-52 từng đóng vai trò quan trọng với không quân Mỹ trong việc đánh phá các mục tiêu tại miền Bắc Việt Nam, đặc biệt trong các chiến dịch lớn như Linebacker II, nhưng sự thất bại của nó trên nhiều phương diện đã để lại dấu ấn đậm nét về những điểm yếu của pháo đài bay B-52 trong lịch sử chiến tranh.

Chiến dịch Linebacker II (1972) là một trong những chiến dịch ném bom lớn nhất sử dụng B-52 của Mỹ tại Việt Nam. Mục tiêu của chiến dịch là phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự và công nghiệp của miền Bắc Việt Nam, buộc Hà Nội phải chấp nhận các điều khoản đám phán có lợi cho Mỹ.

Tuy nhiên, kết quả của chiến dịch này không đạt được như kỳ vọng của người Mỹ. Dù B-52 đã thả hàng ngàn tấn bom xuống Hà Nội và Hải Phòng nhưng thiệt hại về cơ sở hạ tầng không đủ để thay đổi tình hình chiến sự một cách rõ rệt. Ngược lại, hệ thống phòng không của Việt Nam, đặc biệt là các tên lửa phòng không SAM-2, đã gây thiệt hại nặng nề cho các máy bay B-52 - biểu tượng bất khả chiến bại của không quân Hoa Kỳ. Đã có tổng cộng 34 máy bay B-52 bị bắn (16 chiếc rơi tại chỗ) chỉ trong 12 ngày đêm. Số lượng lớn máy bay B-52 bị bắn rơi cho thấy sự thất bại của Mỹ khi quá đề cao sức mạnh của B-52 trên chiến trường.

"Lưới lửa" phòng không của Việt Nam đã hạ gục nhiều B-52 của Mỹ.

"Lưới lửa" phòng không của Việt Nam đã hạ gục nhiều B-52 của Mỹ.

B-52 vốn được thiết kế cho các cuộc chiến tranh tổng lực, với khả năng mang theo một lượng bom khổng lồ để tấn công các mục tiêu lớn và cố định. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, mô hình tác chiến này gặp nhiều hạn chế. Để đối phó với chiến thuật ném bom rải thảm trên quy mô lớn của B-52, Việt Nam sử dụng chiến thuật phân tán lực lượng dựa trên hệ thống hầm ngầm và địa hình phức tạp để tránh các cuộc không kích trực diện. Điều này khiến B-52, dù mang theo lượng bom lớn nhưng khó có thể đánh trúng các mục tiêu di động hoặc các mục tiêu được ngụy trang kỹ lưỡng.

Việc không thể đáp ứng linh hoạt với tình hình và thực địa chiến trường đã làm giảm hiệu quả chiến đấu của B-52 trong các chiến dịch của không quân Mỹ. Các khu vực bị ném bom dù chịu thiệt hại nặng, nhưng các mục tiêu chiến lược không bị vô hiệu hóa, từ đó làm giảm tác động tổng thể của chiến dịch.

Số lượng lớn máy bay B-52 bị bắn hạ trong Chiến dịch Linebacker II là một đòn giáng mạnh vào uy tín của không quân Mỹ, gây tổn thất lớn về nhân sự, trang thiết bị, gây thiệt hại nặng về kinh tế với người Mỹ. Đối với loại máy bay chiến lược như B-52, việc bị tổn thất với tỷ lệ cao, hậu quả sẽ không chỉ đơn giản là vấn đề về chi phí, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của quân đội, tâm lý của người dân Mỹ. Sự kiện này cũng góp phần hạ bệ biểu tượng bất khả chiến bại của pháo đài bay B-52 vốn được coi là niềm tự hào của không quân Hoa Kỳ.

Điều này đã đặt ra câu hỏi về những điểm mờ đằng sau sức mạnh của B-52 trong các cuộc chiến, khi mà đối phương có hệ thống phòng không hiệu quả hoặc các chiến thuật tác chiến độc đáo, khác với các giáo trình vốn được giảng dạy trong các trường sĩ quan quân sự của Mỹ. Sự yếu kém trong việc dự đoán và đối phó với điều kiện thực tế cũng như các kỹ thuật, chiến thuật tác chiến của lực lượng phòng không - không quân Việt Nam đã dẫn đến những tổn thất không thể lường trước với người Mỹ, làm lộ ra điểm yếu của B-52 trong các chiến dịch không kích kéo dài.

Mặc dù B-52 đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức ép quân sự lên miền Bắc Việt Nam, nhưng kết quả cuối cùng của các chiến dịch tấn công B-52 vẫn không nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ. Chiến dịch Linebacker II được kỳ vọng sẽ buộc Việt Nam chấp nhận các điều khoản đám phán có lợi cho Mỹ, nhưng điều này đã không xảy ra trên thực tế. Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết sau Chiến dịch Linebacker II, chỉ tạm ngưng chiến sự, và Mỹ vẫn phải rút quân mà không đạt được thắng lợi toàn diện.

Thất bại trong việc sử dụng uy lực B-52 để thay đổi cục diện chiến trường của Mỹ là một minh chứng rõ ràng cho việc không thể áp dụng hiệu quả hỏa lực áp chế của vũ khí hiện đại vào một cuộc chiến tranh mang nhiều điểm đặc thù và các chiến thuật tác chiến khác biệt của đối thủ. Dù mang trong mình rất nhiều sức mạnh hủy diệt, B-52 đã không thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã để lại nhiều bài học cho không quân Mỹ về cách sử dụng B-52 trong các cuộc xung đột hiện đại sau này. Việc phụ thuộc quá nhiều vào khả năng không kích cũng như các tính năng hiện đại của B-52, bỏ qua yếu tố chiến tranh du kích, địa hình cũng như các chiến thuật tấn công và phòng thủ khác biệt của không quân Việt Nam đã khiến Mỹ gặp thất bại lớn trên chiến trường.

Sau khi bước ra khỏi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã thực hiện nhiều cải tiến đối với B-52, bao gồm việc nâng cấp hệ thống điện tử, tăng cường khả năng tác chiến đa dạng và các chiến thuật phối hợp tác chiến theo đội hình. Tuy nhiên, bài học lớn nhất có lẽ là về cách đánh giá và thích nghi với tình hình chiến trường thực tế, đặc biệt trong các cuộc chiến phi đối xứng, nơi sức mạnh không chỉ nằm ở vũ khí mà còn ở chiến thuật và sự linh hoạt của lực lượng chiến đấu cũng như hệ thống vũ khí - khí tài.

Và những bài học từ thất bại của không quân Mỹ tại Việt Nam đã góp phần định hình lại cách mà Mỹ sử dụng B-52 trong các chiến dịch quân sự sau này.

Vai trò chiến lược của B-52J và tham vọng của người Mỹ

B-52 đang đóng vai trò quan trọng trong lực lượng không quân Mỹ, là xương sống của chiến lược không kích tầm xa và răn đe hạt nhân. Với khả năng mang theo lượng bom khổng lồ và trang bị vũ khí hiện đại, B-52 có thể thực hiện các cuộc tấn công chiến lược quy mô lớn nhằm vào các vị trí trọng yếu của đối phương.

B-52 không chỉ đóng vai trò chiến đấu hoặc răn đe hạt nhân mà việc triển khai loại máy bay này tại các điểm nóng trên thế giới còn góp phần khẳng định chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ cũng như tham vọng đảm bảo sự ổn định toàn cầu theo cách hiểu của người Mỹ.

Pháo đài bay B-52 có thể mang theo một lượng lớn các loại vũ khí tấn công nguy hiểm.

Pháo đài bay B-52 có thể mang theo một lượng lớn các loại vũ khí tấn công nguy hiểm.

Mặc dù đã có hơn 60 năm phục vụ trong quân đội Mỹ, B-52 vẫn được coi là một trong những công cụ tác chiến mạnh mẽ nhất của không quân Hoa Kỳ nhờ vào các chương trình nâng cấp định kỳ, giúp máy bay này duy trì khả năng chiến đấu trong các điều kiện chiến tranh hiện đại. B-52 chưa thể 'nghỉ hưu' dù đã quá 60 tuổi. Vai trò của B-52 đang được người Mỹ kỳ vọng sẽ tiếp tục được duy trì đến năm 2040, thậm chí xa hơn nữa, thể hiện tham vọng lớn của Mỹ trong việc duy trì ưu thế quân sự trên không.

Mỹ không chỉ dừng lại ở việc nâng cấp dòng máy bay B-52 mà còn đặt tham vọng lớn hơn với phiên bản B-52J, nhằm duy trì sức mạnh không quân chiến lược đến giữa thế kỷ XXI. Sự nâng cấp này hướng đến việc cải thiện khả năng hoạt động, hiệu quả chiến đấu, và tương thích với các yêu cầu của chiến tranh hiện đại trong tương lai.

Gia tăng sức mạnh chiến đấu và duy trì tầm ảnh hưởng

B-52 đã là một phần không thể thiếu của không quân Mỹ suốt hơn 60 năm. Phiên bản B-52J được kỳ vọng sẽ đưa sức mạnh này lên một tầm cao mới. Với chương trình hiện đại hóa trị giá 11,9 tỷ USD, Mỹ muốn đảm bảo rằng B-52J không chỉ tiếp tục phục vụ trong quân đội mà còn đủ sức đối đầu với các thách thức trong các cuộc xung đột hiện đại, bao gồm cả việc đối đầu với hệ thống phòng không tiên tiến từ các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc. Việc trang bị động cơ mới, cùng hệ thống cảm biến và vũ khí tối tân, giúp máy bay có khả năng bay xa hơn, ở tầm cao hơn và có thể mang nhiều vũ khí mạnh mẽ hơn, bao gồm cả các loại vũ khí hạt nhân và vũ khí tấn công chính xác cao.

Hiệu quả về chi phí vận hành và kéo dài tuổi thọ hoạt động

Một trong những mục tiêu chính của Mỹ khi nâng cấp B-52J là giảm chi phí bảo trì và vận hành. B-52 vốn nổi tiếng với tuổi thọ vượt trội. Phiên bản J sẽ được trang bị động cơ hiện đại Rolls-Royce F130, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm tần suất bảo dưỡng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì lực lượng không quân mạnh mẽ mà không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn cho việc phát triển các dòng máy bay ném bom chiến lược mới. Ngoài ra, tuổi thọ của máy bay dự kiến kéo dài đến năm 2050, tạo ra giá trị sử dụng dài hạn cho lực lượng không quân Mỹ.

Khả năng tác chiến và phối hợp đa dạng

Phiên bản nâng cấp B-52J sẽ được tích hợp các hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, giúp nó tương thích với nhiều loại nhiệm vụ hiện đại. Mỹ kỳ vọng rằng máy bay này sẽ không chỉ tiếp tục là biểu tượng của sức mạnh răn đe hạt nhân chiến lược mà còn đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ tấn công không đối đất, không đối hải và thậm chí là tham gia vào các chiến dịch hiệp đồng tác chiến. Điều này mở rộng đáng kể khả năng tham chiến của B-52, giúp nó có thể đáp ứng nhu cầu linh hoạt của nhiều loại chiến trường, từ chiến tranh truyền thống đến các mối đe dọa hiện đại như hệ thống phòng không tiên tiến và môi trường chiến đấu phức tạp.

Một trong những mục tiêu của Mỹ khi nâng cấp B-52J là đảm bảo sự tương thích và phối hợp chặt chẽ với các hệ thống chiến đấu hiện đại khác, bao gồm F-35 và các máy bay không người lái (UAV). Hệ thống thông tin liên lạc và chiến thuật mới trên B-52J sẽ cho phép nó tích hợp vào các mạng lưới chiến đấu được liên kết dữ liệu hiện đại được xử lý bằng trí tuệ nhân tạo, tạo điều kiện cho việc chỉ huy và kiểm soát các cuộc tấn công phức tạp. Bằng cách này, B-52J sẽ không chỉ là một phương tiện tấn công hàng không mà còn có vai trò như là một trung tâm chỉ huy chiến thuật, điều phối nhiều loại vũ khí và lực lượng phối hợp tác chiến khác nhau trên không và cả dưới mặt đất.

Răn đe chiến lược và duy trì ưu thế toàn cầu

Cuối cùng, tham vọng lớn nhất của Mỹ khi nâng cấp B-52J là duy trì vị thế cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực không quân chiến lược. Việc nâng cấp này giúp Mỹ tiếp tục duy trì khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ trong bối cảnh căng thẳng quốc tế ngày càng leo thang. Khả năng bay tầm xa, mang theo vũ khí hủy diệt, và thực hiện các nhiệm vụ chiến lược quan trọng giúp Mỹ duy trì lợi thế chiến lược trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.

Tóm lại, tham vọng của Mỹ với việc nâng cấp B-52J không chỉ là nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn là đặt nền móng xây dựng một lực lượng không quân tương lai mạnh mẽ, đủ sức đối phó với các thách thức hiện đại. Phiên bản B-52J không chỉ là một cải tiến về công nghệ mà còn là biểu tượng của tầm nhìn dài hạn trong chiến lược quân sự của Mỹ.

Nếu bạn quan tâm tới thông tin về các loại vũ khí quân sự, hãy theo dõi thêm các bài viết phân tích chuyên sâu của Đài Hà Nội bằng cách bấm VÀO ĐÂY

Dương Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/qua-60-tuoi-vi-sao-phao-dai-bay-b-52-chua-duoc-nghi-huu-269247.htm
Zalo