QĐND Việt Nam là một đội quân rất kỷ luật, chuyên nghiệp và có năng lực
'Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam, những người đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước là một đội quân rất kỷ luật, chuyên nghiệp và có năng lực'.
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc trong thế kỷ 20 đã tạo nên bản lĩnh cũng như kinh nghiệm chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những phẩm chất đó đang được chiến sĩ Gìn giữ hòa bình Việt Nam thể hiện trong các sứ mệnh quốc tế của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Đây là nhận xét của ông Kamal Malhotra, nguyên Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam về đóng góp của Quân đội nhân dân Việt Nam vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
PV: Quân đội nhân dân Việt Nam đang tham gia rất tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ tại châu Phi. Với cương vị là người đứng đầu LHQ tại Việt Nam trong nhiều năm, chắc hẳn ông đã được chứng kiến và đóng góp vào công việc này. Xin ông chia sẻ ấn tượng của mình về sự tham gia của Việt Nam?
Ông Kamal Malhotra: Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm rưỡi làm người đứng đầu LHQ tại Việt Nam từ 2017- 2021, tôi tham gia rất nhiều vào việc đẩy mạnh đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. Điều này Tổng Bí thư Tô Lâm, người khi đó là Đại tướng, Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đều biết. Nỗ lực của Việt Nam thành công ở hai mức độ.
Một là Việt Nam đã trở thành nước đóng góp chính cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan. Và cũng thông qua một bệnh viện dã chiến, nơi Việt Nam cung cấp bác sĩ, điều dưỡng cho một bệnh viện ở Nam Sudan. Điều này được thực hiện theo cơ chế luân phiên.
Tôi nghĩ đây là một câu chuyện kỳ diệu bởi một đất nước từng phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20, giờ lại hoàn tất một vòng tròn để đóng góp vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ trên toàn cầu. Tôi hoàn toàn ủng hộ công việc này.
Chúng ta đã bàn thảo nhiều về việc này. Giờ đây, Việt Nam còn cử cả các sĩ quan cảnh sát tham gia vào phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ. Một điều nữa là lần đầu tiên Việt Nam cử cán bộ làm việc tại trụ sở cơ quan chuyên trách gìn giữ hòa bình của LHQ tại New York. Theo tôi biết, hiện có 4 hoặc 5 người Việt Nam là thành viên của cơ quan này. Điều đó rất quan trọng, bởi vì đó là nơi bạn có thể tác động đến toàn bộ định hướng của chính sách gìn giữ hòa bình. Việt Nam cũng đã cử người tham gia vào vị trí cố vấn quân sự cho phái bộ tại Cộng hòa Trung Phi. Đó là một số quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là những đóng góp chính mà tôi biết cho tới khi tôi đã rời Việt Nam vào cuối năm 2021. Tôi nhận thấy rằng từ chỗ chưa có gì, Việt Nam đã gia tăng đáng kể những đóng góp vào công việc chung của LHQ trong suốt quãng thời gian tôi làm việc tại đất nước các bạn.
PV: Như ông vừa nói, các quân nhân Việt Nam đang tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở nhiều vị trí khác nhau. Ông nhận định như thế nào về chất lượng công việc và sự chuẩn bị của họ cho sứ mệnh này?
Ông Kamal Malhotra: Tôi nghĩ đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ là rất đáng khen ngợi, với kết quả có chất lượng cao. Tôi nghĩ mọi người đều biết rằng Quân đội nhân dân Việt Nam, những người đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước là một đội quân đội rất kỷ luật, chuyên nghiệp và có năng lực. Vì vậy, không có bất kỳ ý kiến phản đối hay chê trách nào với những gì Việt Nam đã đóng góp. Chắc chắn LHQ rất vui mừng với sự đóng góp của Việt Nam.
PV: Việt Nam đang đóng góp trên các lĩnh vực chuyên môn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của LHQ như quân y, công binh… Theo ông, liệu có những lĩnh vực nào khác mà Việt Nam có thể tham gia trong thời gian tới?
Ông Kamal Malhotra: Tôi nghĩ công binh là một lĩnh vực quan trọng để Việt Nam tham gia. Nhưng sẽ có thách thức lớn nếu Việt Nam muốn tạo ra điểm nhấn, tạo ra ảnh hưởng. Đó là các bạn phải vượt lên việc cung cấp nhân lực cho bệnh viện dã chiến, đội công binh hay các cố vấn quân sự.
Việt Nam phải cung cấp số lượng binh lính lớn hơn nhiều, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Điều cần thiết là ảnh hưởng của Việt Nam trong tổng thể chính sách gìn giữ hòa bình toàn cầu chỉ có thể gia tăng, khi Việt Nam triển khai một số lượng lớn hơn binh lính trên thực địa.
Nên tôi nghĩ đó là thách thức, bởi sự hiện diện của Việt Nam chủ yếu ở các đơn vị chuyên biệt tương đối nhỏ ở một khu vực này hay khu vực khác. Cố vấn quân sự, bệnh viện dã chiến và các đơn vị công binh là nỗ lực của Việt Nam, nhưng điều thực sự quan trọng là về cơ bản Việt Nam sẽ phải gia tăng số lượng binh lính tham gia. Trong trường hợp các sĩ quan cảnh sát, Việt Nam cũng cần chuyển từ việc tham gia với từng cá nhân sang thành nhóm cảnh sát.
PV: Ông từng đề cập, Quân đội nhân dân Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm tích lũy qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này có thể phục vụ cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ. Vậy Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể áp dụng những gì trong thực tiễn gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, thưa ông?
Ông Kamal Malhotra: Việt Nam đã trải qua lịch sử đầy biến động với nhiều cuộc chiến tranh trong thế kỷ 20. Điều quan trọng nhất là thế hệ những người lớn tuổi ở Việt Nam đã trải qua chiến tranh và họ hiểu về xung đột vũ trang. Bởi thế, khi tham gia vào sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, Việt Nam rõ ràng có lợi thế lớn khi thực sự hiểu được bản chất của chiến tranh. Khi bạn đi gìn giữ hòa bình, bạn cần phải hiểu về xung đột trước tiên.
Hiện tại, rất nhiều chiến sĩ Việt Nam tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình còn trẻ, chưa từng tham gia phục vụ trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nhưng ít nhất, Quân đội nhân dân Việt Nam có một lịch sử vẻ vang, điều mà các chiến sĩ trẻ có thể tiếp nối.
Tôi nghĩ một điều ý nghĩa khác mà Việt Nam đang đóng góp là việc có nhiều nữ quân nhân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình. LHQ khuyến khích điều này. Thực tế, LHQ cố gắng nâng tỷ lệ nữ quân nhân tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình lên 15%. Và đây chính là đóng góp quan trọng của Việt Nam.
Tôi đã gặp nhiều nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam khi họ lên đường tới Nam Sudan. Tôi thấy rất vui về đóng góp thực sự ý nghĩa này của Việt Nam. Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội, tôi được chứng kiến những đóng góp lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong các cuộc chiến tranh mà đất nước các bạn trải qua. Và vì thế, họ cũng mang tới những bài học đã trải qua cho công việc gìn giữ hòa bình trên thế giới.
PV: Xin cảm ơn ông.