PTSC vị thế người tiên phong

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và tiềm năng phát triển, Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hàng đầu trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi (ĐGNK) khu vực Đông Nam Á. Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) đang đóng vai trò tiên phong trong việc khai thác và phát triển lĩnh vực này, khẳng định vị thế của mình qua các dự án chiến lược và sự hợp tác quốc tế.

Công trường chế tạo chân đế ĐGNK tại Cảng PTSC

Công trường chế tạo chân đế ĐGNK tại Cảng PTSC

Cơ hội và thách thức

Theo dự báo toàn cầu, ngành công nghiệp ĐGNK có thể tạo ra khoảng 275.000 việc làm trong giai đoạn xây dựng và 22.000 việc làm trong giai đoạn vận hành và bảo dưỡng. Tính đến năm 2030, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi. Trong đó, nhiều nguồn nhân lực sẽ được chuyển giao từ ngành Dầu khí, một lĩnh vực đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

ĐGNK không chỉ mang lại cơ hội việc làm mà còn thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng liên quan, bao gồm tàu biển, cáp, cảng và nhà máy chế tạo. Việc nâng cấp hạ tầng tại cảng để phục vụ ngành ĐGNK không chỉ giúp cải thiện khả năng xuất nhập khẩu mà còn có thể phục vụ cho các ngành năng lượng khác, bao gồm dầu khí và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, sự phát triển của ĐGNK cũng đi kèm với không ít thách thức. Đầu tiên, ngành công nghiệp này đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng và công nghệ, từ việc chế tạo các cấu kiện như chân đế và turbine đến việc lắp đặt và bảo trì. Để đáp ứng yêu cầu này, các doanh nghiệp cần phải thay đổi từ quy trình sản xuất đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt, đồng thời nâng cao năng lực kỹ thuật và quản lý.

Thêm vào đó, Việt Nam hiện vẫn chưa có cơ chế rõ ràng cho các dự án ĐGNK, điều này gây khó khăn cho việc triển khai và thu hút đầu tư. Để phát triển bền vững, cần phải có các chính sách và quy hoạch cụ thể, bao gồm các quy định về môi trường, đầu tư và phát triển công nghệ.

PTSC và đối tác Sembcorp tổ chức trao thầu Gói thầu Đo gió, thủy văn và Khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore

PTSC và đối tác Sembcorp tổ chức trao thầu Gói thầu Đo gió, thủy văn và Khảo sát nghiên cứu địa chất, Dự án Xuất khẩu năng lượng tái tạo ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore

PTSC khẳng định vị thế dẫn đầu

Là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) - PTSC đang là doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong việc phát triển ĐGNK tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, PTSC đã nhanh chóng có những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm nhiều đơn hàng lớn cho các khách hàng quốc tế như sản xuất 33 chân đế trụ turbine điện gió cho khách hàng Orsted (Đan Mạch) và 10 trạm biến áp cho các dự án ĐGNK ở châu Âu và châu Á. Để thực hiện các dự án này, PTSC đã phải thay đổi từ quy trình sản xuất đơn chiếc sang quy trình sản xuất hàng loạt.

Phó Tổng Giám đốc PTSC Trần Hồ Bắc cho biết, việc chuyển từ sản xuất đơn chiếc sang sản xuất hàng loạt không chỉ làm giảm thời gian chế tạo mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất. Để đạt được điều này, PTSC đã đầu tư mạnh mẽ vào kỹ thuật, nguồn nhân lực và cải tiến cơ sở vật chất. Doanh thu từ ĐGNK đã chiếm 1/3 tổng doanh thu của doanh nghiệp. Điều này không chỉ chứng tỏ sự thành công và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của PTSC trong ngành này mà còn phản ánh cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Trần Hồ Bắc cũng nhấn mạnh rằng, PTSC hoàn toàn tự tin vào khả năng kết hợp với các doanh nghiệp khác trong nước để xây dựng chuỗi cung ứng nội địa cho ngành công nghiệp ĐGNK. Đặc biệt, với công nghệ turbine hiện tại có công suất khoảng 14 MW/turbine, một dự án ĐGNK có công suất khoảng 1 GW sẽ cần đến hơn 70 chân đế, mỗi chân đế nặng 2.500-3.000 tấn. Việc xây dựng chuỗi cung ứng và kết nối các doanh nghiệp để thực hiện các khâu chế tạo là rất quan trọng.

Trong một nỗ lực khác, PTSC không chỉ tham gia cung ứng dịch vụ mà còn đang tích cực tìm kiếm cơ hội trở thành nhà đầu tư và phát triển dự án. Doanh nghiệp đang thiết lập mối quan hệ với các nhà đầu tư và nhà phát triển uy tín trên toàn cầu, đồng thời hợp tác với các tổ chức tài chính lớn để tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư.

Một dự án nổi bật trong kế hoạch của PTSC là hợp tác với Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) của Singapore, trở thành nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép triển khai đầy đủ các hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển phục vụ dự án ĐGNK xuất khẩu điện sang Singapore. Vào cuối tháng 8-2024 vừa qua, PTSC và SCU đã tổ chức lễ trao thầu gói thầu đo gió, thủy văn và khảo sát nghiên cứu địa chất cho dự án này.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, dự án này phản ánh sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như trong việc thực hiện Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước sẽ đạt khoảng 6.000 MW và có thể tăng thêm tùy vào sự phát triển công nghệ và chi phí truyền tải hợp lý. Đến năm 2050, tổng công suất ĐGNK dự kiến đạt 70.000-91.500 MW.

Tuy nhiên, mục tiêu trên cũng đã đề ra rất nhiều bài toán khó cho Việt Nam khi hiện nay nước ta vẫn chưa có bất kỳ dự án ĐGNK nào do chưa có cơ chế phù hợp; do đó rất cần nhanh chóng luật hóa lĩnh vực này, có quy hoạch, lộ trình rõ ràng, phù hợp, nhất là về quy mô công suất để các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư phù hợp. “Chỉ khi nhìn thấy lộ trình rõ ràng, chính sách nhất quán, dài hạn, không giật cục thì các nhà đầu tư mới đầu tư bởi vốn cho ĐGNK lớn mà không có lợi nhuận ngay”, Phó Tổng Giám đốc PTSC nhận định.

Việc tham gia đầu tư phát triển dự án ĐGNK sẽ là mắt xích cuối cùng hoàn thiện chuỗi giá trị từ khảo sát, thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng của một dự án ĐGNK mà PTSC có năng lực vượt trội. Mặc dù vậy, sự cạnh tranh cũng hết sức khốc liệt. Mới đây, Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Singapore (EMA) đã cấp phép có điều kiện cho Tập đoàn Keppel đầu tư đường cáp ngầm đề xuất khẩu điện từ Campuchia qua Singapore. Có thể thấy, mặc dù Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về ĐGNK và có nhiều lợi thế so với các nước Đông Nam Á khác trong việc xuất khẩu điện sạch sang Singapore, nhưng nếu chúng ta không nhanh chóng triển khai thì các cơ hội sẽ trôi qua và áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực sẽ ngày càng lớn.

Với nguồn lực dồi dào và cam kết mạnh mẽ, PTSC hy vọng sẽ tiếp tục đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Không chỉ hướng đến mục tiêu “Trọn giải pháp - Vẹn niềm tin” với các đối tác, khách hàng, chiến lược của PTSC còn góp phần mạnh mẽ hiện thực hóa định hướng của Petrovietnam trong việc trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia, giữ vai trò tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

PTSC nhanh chóng có những bước tiến đầu tiên vào chuỗi cung ứng ĐGNK toàn cầu, bao gồm nhiều đơn hàng lớn cho các khách hàng quốc tế. Để thực hiện, PTSC đã phải thay đổi từ quy trình sản xuất đơn chiếc sang quy trình sản xuất hàng loạt, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và dây chuyền sản xuất.

Trúc Lâm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/ptsc-vi-the-nguoi-tien-phong-718006.html
Zalo