Premier League viết lại lịch sử
Manchester United từng là biểu tượng của sự thống trị, là đội bóng mà mọi đối thủ e ngại mỗi khi đối đầu. Nhưng giờ đây, họ chỉ còn là cái bóng của chính mình.

Thất bại 0-1 trước Tottenham không chỉ là trận thua thứ 12 sau 25 trận mùa này mà còn đánh dấu một cột mốc đáng quên: Manchester United đang đứng ở vị trí thứ 15, chỉ hơn nhóm xuống hạng ba bậc.
Nhưng câu chuyện này không chỉ nói về sự sa sút của “Quỷ đỏ”. Nó còn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thay đổi mang tính cách mạng của Premier League.
Manchester United - cuộc khủng hoảng không có điểm dừng
Thất bại của ManchesterUnited không đến từ một lý do duy nhất mà là sự kết hợp giữa những quyết định sai lầm kéo dài trong nhiều năm. Giới chủ yếu kém, chính sách chuyển nhượng hỗn loạn, thiếu một tầm nhìn chiến lược rõ ràng - tất cả đã đẩy đội bóng vào vòng xoáy khủng hoảng.
Dưới thời Ruben Amorim, CLB không những không tiến bộ mà còn cho thấy dấu hiệu tụt dốc nghiêm trọng. Tỷ lệ kiếm điểm trung bình của họ giảm từ 1,22 điểm/trận dưới thời Erik ten Hag xuống chỉ còn 1,00 điểm/trận.
"Tôi có quá nhiều vấn đề", Amorim thừa nhận sau trận thua trước Tottenham. Nhưng vấn đề lớn nhất có lẽ không nằm ở cá nhân ông, mà là ở thực tế rằng Premier League giờ đây không còn là sân chơi dễ dàng như trước.
Trong quá khứ, Premier League có một nhóm "Big Six" gần như không thể bị đe dọa: Man United, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal và Tottenham. Nhưng giờ đây, thế độc tôn đó đã bị xóa nhòa.
Lý do? Tiền bạc.
Sự bùng nổ doanh thu bản quyền truyền hình từ đầu thập niên 2010 thay đổi cục diện của giải đấu. Nếu như vào mùa 2012/13, tổng giá trị bản quyền truyền hình là 1,8 tỷ bảng, thì đến mùa 2016/17, con số đó đã vọt lên 5,1 tỷ bảng.
Khoản tiền khổng lồ này không chỉ giúp các CLB hàng đầu ngày càng mạnh hơn mà còn biến những đội bóng tầm trung thành những "đại gia" mới. Những đội bóng từng bị coi là "kẻ bám đuổi" giờ đây có đủ tiềm lực tài chính để chiêu mộ những ngôi sao mà trước đây chỉ có những CLB hàng đầu châu Âu mới có thể tiếp cận.

Ngay cả một đội bóng như Aston Villa giờ có thể quật ngã nhiều tên tuổi.
Năm 2012/13, Football Money League của Deloitte - danh sách xếp hạng 30 CLB có doanh thu cao nhất thế giới - chỉ có 8 đại diện từ Premier League. Hiện tại, con số đó đã tăng lên 14, với những cái tên như West Ham, Aston Villa, Brighton, Crystal Palace, Everton, Fulham và Wolves.
Hãy nhìn vào sự thay đổi của Aston Villa. Mùa 2012/13, bộ tứ hậu vệ của họ là Matt Lowton, Ciaran Clark, Nathan Baker và Joe Bennett. Hiện tại, họ sở hữu Matty Cash, Ezri Konsa, Pau Torres và Lucas Digne - những tuyển thủ quốc gia của Ba Lan, Anh, Tây Ban Nha và Pháp - cùng thủ thành vô địch World Cup 2022, Emiliano Martinez.
Tình trạng tương tự diễn ra ở West Ham, Newcastle, Brighton, và thậm chí cả Fulham.
West Ham của năm 2012/13 dựa vào những cái tên như Kevin Nolan, Mark Noble, Matt Jarvis, Carlton Cole và Andy Carroll. Nhưng bây giờ, họ có trong đội hình những cầu thủ từng khoác áo PSG, Ajax, Dortmund và cả đội tuyển Brazil. Và dù sở hữu đội hình mạnh hơn bao giờ hết, West Ham hiện chỉ xếp thứ 16 - điều đó cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt ở Premier League lúc này.
Không còn "vùng an toàn" cho các ông lớn
Trước đây, Man United hay bất kỳ đội nào trong nhóm Big Six có thể chơi dưới phong độ nhưng vẫn nằm trong nhóm dự cúp châu Âu. Nhưng bây giờ, điều đó không còn đúng nữa.
Hiện tại, 221 trong số 500 cầu thủ giá trị nhất thế giới theo Transfermarkt đang chơi bóng tại Anh - gần bằng tổng số cầu thủ của bốn giải đấu còn lại trong nhóm "Big Five" cộng lại (229).
Điều đó có nghĩa là những cầu thủ vốn dĩ sẽ đến AC Milan, AS Roma, hoặc thậm chí PSG, giờ đây lại chọn Brighton, Aston Villa hay Wolves làm bến đỗ.
Và khoảng cách giữa Big Six với phần còn lại đang thu hẹp. Trong quá khứ, nhóm Big Six sở hữu hầu hết cầu thủ đắt giá nhất giải đấu. Nhưng bây giờ, số lượng cầu thủ giá trị tại nhóm 14 CLB còn lại (gọi tắt là “Other 14”) đã là 113 - thậm chí còn nhiều hơn nhóm Big Six (108).
Brighton có 15 cầu thủ trong danh sách này, Brentford có 9, Bournemouth có 8, Wolves có 7 - nhưng Wolves vẫn đang phải vật lộn với cuộc đua trụ hạng.

Brighton cũng rất khó bị đánh bại mùa này.
Man United từng có một vị thế không thể lay chuyển. Nhưng họ không còn giữ được lợi thế đó nữa. Hiện tại, trên bảng xếp hạng sức mạnh toàn cầu của Opta, Man United đã tụt xuống vị trí 35. Điều đáng chú ý là có tới 12 CLB Premier League xếp trên họ - con số vượt xa những gì La Liga hay Bundesliga có thể làm được.
Nếu Man United chơi tại La Liga, họ có thể chỉ xếp sau 5 đội. Nếu ở Bundesliga, họ có thể chỉ xếp dưới Bayern Munich và Dortmund. Nhưng ở Premier League, họ bị bỏ lại bởi hàng loạt đối thủ.
Sự suy tàn của “Quỷ đỏ” không chỉ đến từ nội tại đội bóng mà còn bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của giải đấu. Trong khi Man United lạc lối với những chính sách sai lầm, những đội bóng tầm trung khác đã tận dụng nguồn tài chính dồi dào để phát triển theo đúng hướng.
Giờ đây, Premier League không còn là sân chơi của riêng Big Six. Mỗi trận đấu đều là một cuộc chiến thực sự, nơi mà những đội bóng như Aston Villa, Brighton hay West Ham có thể đánh bại bất kỳ ai.
Manchester United không còn dễ dàng góp mặt trong top 4, và nếu không có sự thay đổi triệt để, họ có thể còn lún sâu hơn nữa. Bởi lẽ, trong thế giới mới của Premier League, không có chỗ cho sự lạc hậu.
Top 10 bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử MU Dù MU đã chi những khoản tiền khổng lồ cho các bản hợp đồng đình đám như Paul Pogba, Antony hay Jadon Sancho, hầu hết không đáp ứng được kỳ vọng.