Phút 'sinh tử' trong lũ dữ
Ngày 10/9, nước dâng nhanh và chảy xiết đổ vào Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái).
Nhìn trang thiết bị chưa kịp chuyển lên tầng 2 bị nước dần nhấn chìm, các cô giáo đã ở lại chuyển đồ trong đêm. Pin điện thoại hết, lương thực cạn dần, chỉ có con nước là ngày một dâng cao… phút giây trong sinh tử để cứu trường, cứu lớp khiến các cô không thể nào quên.
Hơn 24 giờ mắc kẹt
Nhìn lên những vệt nước còn đọng lại trên các vách tường lớp học, cô Đinh Thị Thu Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học vẫn không thể quên giây phút con nước dâng cao lên tận tầng 2 và phút giây hãi hùng trong khi cứu trường, cứu lớp của các cô giáo nhà trường.
Ngày 9/9, nước bắt đầu tràn vào Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Lúc này, nhờ sự giúp đỡ của lực lượng công an, một phần các trang thiết bị của nhà trường đã được di chuyển lên tầng 2. Khi nước lũ dâng cao, nhìn những bộ bàn ghế và tài sản của nhà trường chưa được đưa lên nơi an toàn, ban lãnh đạo và các cô giáo ở lại trường không khỏi lo lắng. 4 cô giáo trực trường tranh thủ khuân vác những thứ cần thiết lên tầng 2 mà buổi chiều chưa mang lên được.
Sáng hôm sau, nước ngày một dâng cao. Điện thoại của các cô lần lượt hết pin. Chỉ duy nhất chiếc điện thoại của cô Đinh Thị Thu Phương còn 10% pin. 10% pin này cũng là hy vọng duy nhất trong lúc đó để các cô liên lạc xem có ai đó cứu về hay không. Mặt khác, trước khi mất liên lạc, các cô đều nghe tin nhà mình bị ngập nên ai cũng mang tâm trạng hoang mang, lo lắng không biết người nhà mình ra sao. Ngay cả khi những người bên ngoài biết tin, động viên nhưng các cô cũng không thể thoát khỏi tâm trạng lo sợ.
“Khi đó nước chảy xiết, không ai dám vào vì nước còn xoáy, ca nô sợ không đảm bảo vì rác đã tràn vào quá nhiều. Nhà trường vẫn còn tầng 3, nhưng nước cứ ngày một dâng cao lại mạnh nên chúng tôi rất lo lắng. Khi ấy, cũng vừa mới có vụ lật thuyền nên cũng không ai dám vào”, cô Phương nhớ lại và cho biết thêm, “2 giờ chiều ngày 11/9, sau 24 giờ trong trường và bị cô lập bởi dòng nước dữ, lương thực là mấy gói mì tôm cũng đã cạn, không có người cứu, các cô giáo sẽ không còn gì để ăn uống nữa.
May mắn có 3 chiến sĩ cơ động đi đường tắt bằng phao vào vườn nhà dân, rẽ vào các tán lá bàng tầng 2 để đưa các cô giáo xuống. Trong 4 người ở lại có 1 cô giáo dạy bơi là cô Đỗ Thị Thúy. Tôi và 2 cô hiệu phó ngồi phao, còn cô Thúy và các chiến sĩ vừa bơi vừa đẩy phao. Chúng tôi rất sợ hãi vì phao chọc vào vật gì trên đường di chuyển là thủng và chúng tôi sẽ bị nước cuốn trôi…”.
Lúc ấy, 7 người lần theo từng gốc cây, các cô giáo từ trên phao thấy cây gì thì kéo để trợ lực, những người ở dưới đẩy phao ngược nước lũ để ra ngoài. Khi thoát khỏi khu vực của trường, chỉ còn 20 - 30m nữa thì đến bờ rào người dân, các chiến sĩ đưa từng cô theo bờ rào, khiêng từng người sang nơi an toàn. “Quãng đường đi bộ ra chỉ 50 - 60m nhưng khi nước lũ rất gian nan, cảm tưởng nó xa vài cây số. Phải đến khi thực sự an toàn, tất cả chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, cô Phương cho biết.
Vực dậy tinh thần khắc phục gian khó
Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với thành phố Yên Bái trong đó có Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Tuy nhiên với sự chủ động trong công tác chỉ đạo và xây dựng các phương án phòng, chống bão lũ nên nhà trường đã thực hiện tốt công tác phòng chống bão lũ, khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Cô Đinh Thị Thu Phương thông tin: Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đã chủ động ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu bão. Toàn bộ 49 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 1.300 học sinh đã được tuyên truyền, thông tin cụ thể nhằm phòng, chống và tránh bão đảm bảo an toàn. Trước tình hình mực nước dâng lên rất nhanh, tập thể cán bộ nhà trường, cha mẹ học sinh cùng các chiến sĩ cảnh sát cơ động chạy đua với lũ để kịp thời di chuyển toàn bộ hồ sơ, bàn ghế học sinh và thiết bị dạy học tiếp tục lên vị trí cao hơn để giảm thiểu thiệt hại.
Không yên tâm trước diễn biến quá nhanh của nước lũ, ban lãnh đạo nhà trường đã trực tại trường để chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời ứng phó. Đến 19 giờ ngày 11/9, thấy nước bắt đầu rút, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng cha mẹ học sinh với sự giúp đỡ của các chiến sĩ cảnh sát cơ động đã chèo thuyền từ ngoài vào trong trường để tiến hành rửa tường, đẩy bùn ra theo nước rút.
Với tinh thần khẩn trương, không quản mệt mỏi khó khăn, đến 3 giờ sáng ngày 12/9, toàn bộ bùn trong các lớp học đã được đẩy ra ngoài. Trên các khuôn mặt mệt mỏi và thiếu ngủ vẫn ánh lên sự hân hoan khi sức mạnh của tinh thần đoàn kết, tình yêu với học trò thân yêu đã chiến thắng bão lũ.
Mặc dù, nhà của các thầy cô cũng đang bị ngập, song nước rút thầy cô nhanh chóng có mặt cùng với sự hỗ trợ từ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Yên Bái, UBND thành phố Yên Bái, UBND phường Nguyễn Thái Học, Phòng GD& ĐT thành phố Yên Bái, các đơn vị kết nghĩa từ huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, các trường bạn trong thành phố Yên Bái, công ty đũa xuất khẩu Ngọc Ánh và cha mẹ học sinh đã nhanh chóng dọn dẹp, vệ sinh trường lớp, khử khuẩn, kiểm tra, sửa chữa hệ thống điện, cơ sở vật chất, trang thiết bị tại nhà trường để đảm bảo vệ sinh, an toàn đón học sinh đi học trở lại.
Trong những ngày mưa bão, ngập lụt, lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô giáo vẫn luôn ứng trực, hoàn thành nhiệm vụ theo dõi tình hình của học sinh và gia đình học sinh để giúp đỡ các em nhà bị ngập lụt, sạt lở, mất sách vở để động viên, hỗ trợ giúp các em yên tâm tới trường.
Với các biện pháp chủ động, khẩn trương kịp thời phòng, chống bão lũ nên Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đã không bị động trước thiên tai, bão lũ. Điều đó khẳng định tinh thần nỗ lực vượt qua thách thức của tập thể CBGVNV nhà trường. Ngày 16/9 học sinh đã được đến trường học.
“Đêm ở lại trường, cả 4 chúng tôi đều không ai ngủ được. Ai cũng chập chờn, thao thức. Trước khi điện thoại kiệt pin, có những cuộc gọi vào hỏi thăm nhưng các cô chỉ nói được “hết pin rồi”. Đèn pin cũng hết, pin điện thoại của tôi khi đó cũng chỉ còn 2%… Trước đó, ở trường có anh bảo vệ khi khuân vác đồ nóng nên cởi trần. Đến khi không có áo mặc đã phải vớt tạm cái áo ren phụ nữ dưới nước để mặc vào cho đỡ lạnh, nhìn rất tội nghiệp”, cô Đinh Thị Thu Phương chia sẻ.