Phường Xuân Phương: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Xuân Phương được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường: Phương Canh, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tây Mỗ, Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm); Minh Khai, Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm); và xã Vân Canh (huyện Hoài Đức).
Lý do lấy tên phường mới là Xuân Phương bởi Xuân Phương là một phường thuộc quân Nam Từ Liêm hiện nay. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Xuân Phương phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Xuân Phương.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Xuân Phương
Phường Xuân Phương giáp các phường: Từ Liêm, Tây Mỗ, Tây Tựu, Phú Diễn, Đại Mỗ và các xã: Hoài Đức, Sơn Đồng của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 10,81 km²; Quy mô dân số là 104.947 người.
Phường Đại Mỗ (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 0,40 km²; Quy mô dân số: 27.445 người
Phường Phương Canh (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 2,42 km²; Quy mô dân số: 18.958 người
Phường Tây Mỗ (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 3,30 km²; Quy mô dân số: 34.255 người
Phường Xuân Phương (Quận Nam Từ Liêm): Diện tích: 2,93 km²; Quy mô dân số: 16.198 người
Phường Minh Khai (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 0,61 km²; Quy mô dân số: 300 người
Phường Phúc Diễn (Quận Bắc Từ Liêm): Diện tích: 1,00 km²; Quy mô dân số: 7.791 người
Xã Vân Canh (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 0,15 km²
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Xuân Phương
Phường Xuân Phương giáp sông Nhuệ, nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Với vị trí giáp ranh trực tiếp các phường trọng điểm và các khu đô thị phát triển nhanh, hệ thống giao thông được hưởng lợi từ các tuyến đường lớn như đường vành đai 3, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32 và các trục giao thông quan trọng khác, phường có nhiều thuận lợi cho việc lưu thông nội thành và kết nối vùng; có tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ; thuận lợi trong việc phát triển các khu đô thị mới, trung tâm giáo dục, y tế và các tiện ích xã hội.
Xuân Phương đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và mở rộng không gian đô thị của Hà Nội ra phía Tây Bắc, góp phần nâng cao vị thế của phường trong quy hoạch phát triển đô thị và giao thông của Thành phố.
Đặc điểm kinh tế phường Xuân Phương
Phường Xuân Phương sở hữu đặc điểm kinh tế đa dạng và năng động. Các ngành kinh tế chủ lực của phường tập trung vào thương mại dịch vụ, bất động sản đô thị và các ngành nghề công nghiệp nhẹ.
Nhờ vị trí thuận lợi, gần các trục giao thông chính như đại lộ Thăng Long và đường vành đai 3, phường Xuân Phương thu hút nhiều dự án phát triển khu đô thị mới, khu thương mại hiện đại và các trung tâm dịch vụ đa dạng, tạo ra nguồn thu lớn và nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Đồng thời, khu vực này cũng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và sản xuất quy mô nhỏ, đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và góp phần làm tăng giá trị kinh tế vùng. Phường Xuân Phương với quy mô lớn hơn và cơ cấu kinh tế phong phú hơn, đã và đang trở thành một động lực phát triển kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Hà Nội và vùng phụ cận.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Xuân Phương
Phường Xuân Phương có đặc điểm văn hóa - xã hội đa dạng và giàu bản sắc. Khu vực này không chỉ sở hữu các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn được bảo tồn nhiều di tích lịch sử quan trọng, góp phần lưu giữ dấu ấn lịch sử của vùng đất.
Trong đó, các đình làng, đền chùa cổ như đình Phương Canh là những điểm nhấn văn hóa tiêu biểu, thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống mang đậm nét tín ngưỡng dân gian và truyền thống lịch sử lâu đời. Bên cạnh đó, phường Xuân Phương còn phát triển mạnh các hoạt động văn hóa, giáo dục và xã hội hiện đại, với nhiều trung tâm giáo dục, cơ sở y tế, công viên cây xanh và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần của người dân.
Về giáo dục, trên địa bàn phường có trường Cao đẳng FPT Polytechnic, Cao đẳng Việt Mỹ Hà Nội. Phường có đầy đủ hệ thống trường học các cấp học phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ của học sinh địa phương. Các trường học từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Một số trường tiêu biểu trên địa bàn: Trường Mầm non Xuân Phương, Trường Mầm non Phương Canh; Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Trường Tiểu học Xuân Phương, Trường Tiểu học Phương Canh; Trường THCS Nam Từ Liêm, Trường THCS Xuân Phương, Trường THCS Phương Canh; Trường THPT Xuân Phương, Trường THPT Korea Global school,...
Về y tế, phường có Bệnh viện Đại học Phenikaa, có hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân địa phương.
● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Xuân Phương: Số 28 đường Foresa 4B, KĐT Xuân Phương
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Xuân Phương: đồng chí Lâm Quang Thao
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Xuân Phương: đồng chí Nguyễn Quốc Nam
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Xuân Phương: đồng chí Đỗ Thiện Đức.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây