Phường Yên Sở: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Yên Sở nằm trên các tuyến đường giao thông như Tam Trinh, Nguyễn Khoái và đường Vành đai 3, có khả năng liên kết chặt chẽ với các khu vực trung tâm và các tỉnh thành lân cận.
Tên gọi phường Yên Sở là tên ghép của hai làng Yên Duyên và Sở Thượng, thuộc huyện Thanh Trì, được người dân địa phương đánh giá là một trong những tên đẹp, ý nghĩa.
Đất Yên Sở xưa là sở đồn điền, vừa rộng, vừa sở hữu nhiều hồ ao, có điều kiện phát triển thành làng mạc trù phú. Đây đồng thời là một khu căn cứ quân sự về đường thủy rất quan trọng để bảo vệ phía Nam Kinh thành Thăng Long trong những cuộc chiến tranh giữ nước. Do đó, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Yên Sở có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới; hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Yên Sở.
Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Yên Sở
Phường Yên Sở giáp các phường: Lĩnh Nam, Hoàng Liệt, Hoàng Mai và các xã: Đại Thanh, Thanh Trì của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 5,62 km²; quy mô dân số là 40.948 người.
Phường Yên Sở được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Yên Sở (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Trần Phú (quận Hoàng Mai); xã Tứ Hiệp, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì), trong đó:
Phường Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,07 km²; Quy mô dân số: 3 người.
Phường Hoàng Liệt (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,30 km²; Quy mô dân số: 23.941 người.
Phường Yên Sở (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 2,49 km²; Quy mô dân số: 6.375 người.
Phường Trần Phú (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 0,13 km²; Quy mô dân số: 233 người.
Thị trấn Văn Điển (Huyện Thanh Trì): Diện tích: 0,01 km²; Quy mô dân số: 35 người.
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Yên Sở
Phường Yên Sở nằm trên các tuyến đường giao thông như Tam Trinh, Nguyễn Khoái và đường Vành đai 3, phường Yên Sở có khả năng liên kết chặt chẽ với các khu vực trung tâm và các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 3 đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải cho giao thông nội đô, đồng thời cải thiện khả năng kết nối liên tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Phường Yên Sở là khu vực kết nối thuận lợi giữa trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Nam như Ninh Bình, Thanh Hóa..., đồng thời cũng là điểm trung chuyển giữa khu vực nội đô và các khu công nghiệp, logistics vùng ven.
Là nơi tọa lạc của công viên Yên Sở - công viên cây xanh đô thị quy mô lớn bậc nhất Thủ đô, đóng vai trò như “lá phổi xanh” phía Nam Hà Nội. Với quỹ đất lớn, dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa nhanh, Yên Sở là nơi có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư, phát triển thương mại - dịch vụ, bất động sản và logistics.
Đặc điểm kinh tế phường Yên Sở
Kinh tế Yên Sở chuyển dịch sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp. Nhiều khu vực vốn là đất nông nghiệp hoặc đất hoang hóa trước đây đã và đang được quy hoạch, xây dựng thành khu đô thị mới, khu dân cư và các công trình công cộng.
Dân số đông, cư dân đa dạng và tốc độ đô thị hóa cao khiến thương mại - dịch vụ trở thành lĩnh vực phát triển nhanh nhất tại Yên Sở. Khu vực ven đường Vành đai 3 và cầu Thanh Trì hình thành nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng và dịch vụ giải trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân đô thị mới.
Yên Sở cũng là địa bàn phát triển mạnh về bất động sản với sự hiện diện của các khu đô thị mới, hiện đại ở phía Nam Hà Nội như: Gelexia Riverside, Central Residence, The Dandelion Residence, khu đô thị Yên Duyên, khu đô thị Gamuda Garden,… Các dự án này không chỉ thay đổi diện mạo kinh tế địa phương mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành dịch vụ, thương mại, giáo dục và y tế,…
Yên Sở phát triển một số ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp như cơ khí nhỏ, xưởng in ấn, dịch vụ kỹ thuật, cơ sở sản xuất hàng gia dụng tại các khu dân cư cũ. Do có vị trí gần các trục giao thông lớn và hệ thống hạ tầng đang hoàn thiện, Yên Sở phát triển các ngành logistics, kho bãi, trung chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu kết nối nội đô và vùng ven.
Sản xuất nông nghiệp chủ yếu tập trung tại khu vực Tứ Hiệp và khu vực đất ven sông hoặc chưa giải tỏa. Người dân tại đây thường trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Yên Sở
Yên Sở có sự kết hợp giữa dân cư gốc sinh sống lâu đời tại khu vực làng Yên Sở cũ (trước đây thuộc xã Yên Sở, huyện Thanh Trì) với lượng lớn dân cư mới đến sinh sống tại các khu đô thị hiện đại như Gamuda Garden, Galia, Hateco,... Điều này tạo nên cơ cấu dân cư đa dạng về nguồn gốc, nghề nghiệp và trình độ học vấn tạo nên một xã hội có tính pha trộn giữa hiện đại và truyền thống, giữa người bản địa và người nhập cư. Với quá trình đô thị hóa nhanh và sự hiện diện của các khu đô thị hiện đại, tỷ lệ người dân có trình độ học vấn cao ngày càng tăng. Cư dân mới phần lớn làm việc trong các ngành nghề phi nông nghiệp như giáo viên, nhân viên văn phòng, kỹ sư, bác sĩ, chuyên gia, công nhân kỹ thuật,…
Là nơi có nhiều di tích lịch sử và các nơi thờ tự truyền thống gắn liền với tín ngưỡng của người dân nơi đây như chùa Yên Sở, đình Yên Sở, chùa Liên, chùa Từ, chùa Linh Đàm, đình Sở Thượng, đình Yên Duyên, chùa Long Quang Tự, Quang Minh, đình Ba Dân, đình Chung Thôn, Văn Điện,…
Ngày nay, phường còn duy trì tổ chức lễ hội bơi chải làng Yên Duyên (13 - 15/8 âm lịch), thể hiện khát vọng của con dân Việt Nam muốn vượt qua và chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt, chiến thắng mạch nước vũ bão của sông Hồng; lễ hội truyền thống Rằm tháng Hai âm lịch với các trò chơi dân gian như cờ người, chọi gà, lễ hội miếu gân tổ chức vào 16/8 âm lịch…
Về y tế: Phường Yên Sở nằm gần các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bưu điện, Viện Y học Phóng xạ và Ung bướu Quân đội, Viện Y học Cổ truyền Quân đội, Bệnh viện Đa khoa Thăng Long,… cùng trung tâm y tế và hệ thống các phòng khám tư nhân đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.
Về giáo dục: Phường Yên Sở luôn quan tâm, chú trọng phát triển hệ thống giáo dục các cấp, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, có nhiều thành tích trong dạy và học như: Trường Tiểu học và THCS Hoàng Liệt, Trường Tiểu học và THCS Tam Hiệp, Trường Tiểu học và THCS Yên Sở,… Ngoài ra có một số trường đại học trên địa bàn như: Học viện Khoa học Quân sự, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị,…
Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Yên Sở: số 8 ngõ 6 phố Bùi Huy Bích
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Yên Sở: đồng chí Nguyễn Minh Tâm
Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Yên Sở: đồng chí Vũ Tuấn Đạt
Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Sở: đồng chí Nguyễn Thái Sơn.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.