Phương Tây toan tính gì khi dỡ bỏ trừng phạt Syria?

Việc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt với Syria có thể xem như một 'củ cà rốt' nhằm thúc đẩy chính quyền chuyển tiếp hoặc ít nhất là kéo Syria ra khỏi quỹ đạo quá gần với các đối thủ địa chính trị của phương Tây.

Sau hơn một thập kỷ chìm trong nội chiến và chịu sự cô lập toàn diện về kinh tế, Syria đang đứng trước một bước ngoặt mới. Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (20/5) đã chính thức tuyên bố xóa bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria, chỉ một tuần sau động thái tương tự từ phía Mỹ.

Động thái liên tiếp này không chỉ đánh dấu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của phương Tây, mà còn mở ra hy vọng phục hồi cho quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, đằng sau sự “cởi mở” bất ngờ này là những câu hỏi lớn: Tại sao phương Tây lại chuyển hướng chính sách vào thời điểm hiện tại? Và liệu đây có phải là hành động nhân đạo thuần túy, hay còn hàm chứa những toan tính địa chính trị và lợi ích kinh tế sâu xa?

Bộ Ngoại giao Syria gọi quyết định của EU là “một chương mới” trong quan hệ giữa Syria và châu Âu, dựa trên nền tảng thịnh vượng chung và tôn trọng lẫn nhau. Theo tuyên bố từ phía Syria, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ mở cửa cho dòng vốn đầu tư quốc tế và tạo điều kiện cho quá trình tái thiết nền kinh tế đang kiệt quệ.

Nhiều người dân Syria cũng bày tỏ sự lạc quan trước quyết định của EU.

Ông Elian Mabardi, người dân Syria bày tỏ: "Việc các nước như Mỹ, châu Âu hay bất kỳ quốc gia nào dỡ bỏ lệnh trừng phạt, thì đó là điều tốt cho người dân Syria và cả thế giới Ả Rập. Chúng tôi có niềm tin và hy vọng rằng, mọi thứ sẽ sớm tốt đẹp trở lại".

Tuy nhiên, đằng sau sự "cởi mở" bất ngờ của phương Tây là những câu hỏi lớn về động cơ. Theo các nhà phân tích, việc phương Tây, đặc biệt là Mỹ và EU đồng loạt tháo gỡ các biện pháp trừng phạt đối với Syria không thể tách rời khỏi bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở Trung Đông.

Khi cuộc xung đột Israel - Hamas leo thang và ảnh hưởng lan rộng đến toàn khu vực, các cường quốc phương Tây buộc phải tái định hình lại chính sách đối ngoại để ổn định khu vực. Trong bối cảnh đó, Syria, dù chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các lực lượng thân với chính quyền cựu Tổng thống Bashar al-Assad, lại trở thành một điểm tựa chiến lược tiềm năng để giảm thiểu ảnh hưởng của Iran và Nga tại Trung Đông.

Việc dỡ bỏ trừng phạt có thể xem như một "củ cà rốt" nhằm thúc đẩy chính quyền chuyển tiếp, hoặc ít nhất là kéo Syria ra khỏi quỹ đạo quá gần với các đối thủ địa chính trị của phương Tây.

Bà Kaja Kallas, đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU cũng xác nhận tính chất có điều kiện của quyết định này: "Chúng tôi vẫn giữ các lệnh trừng phạt liên quan đến chính quyền cựu Tổng thống Basha al-Assad và vi phạm nhân quyền. Việc dỡ bỏ này có điều kiện, có thể đảo ngược và phụ thuộc vào tiến độ phục hồi phù hợp của Syria".

Một yếu tố khác không thể bỏ qua là yếu tố kinh tế. Syria hiện được coi là "thị trường tái thiết nghìn tỷ đô", với nhu cầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng, năng lượng, y tế, tài chính và giao thông sau hơn một thập kỷ bị tàn phá.

Việc dỡ bỏ trừng phạt mở đường cho các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ tiếp cận thị trường đầu tư béo bở này trước khi bị Trung Quốc, Nga hay các quốc gia vùng Vịnh chiếm lĩnh hoàn toàn. Động thái này cũng đồng thời tạo đòn bẩy thúc đẩy các tập đoàn phương Tây quay lại Trung Đông - nơi đang chứng kiến làn sóng tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ từ Ả rập Xê út đến UAE.

Do đó, con đường phục hồi của Syria sẽ không dễ dàng. Tương lai của Syria phụ thuộc vào việc liệu quốc gia này có thể tận dụng được cơ hội quốc tế hay không và liệu cộng đồng quốc tế có sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ cho quá trình tái thiết lâu dài của đất nước này.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cho biết: "Chúng tôi lo ngại rằng, nếu không được hỗ trợ đầy đủ, chính quyền chuyển tiếp Syria có thể chỉ còn vài tuần trước khi nước này bước vào một cuộc nội chiến toàn diện mới, với quy mô lớn hơn trước".

Dữ liệu từ Liên hợp quốc cho thấy, cuộc nội chiến kéo dài gần 14 năm đã gây thiệt hại ít nhất 800 tỷ USD GDP cho Syria. Từ năm 2011 đến 2022, GDP của quốc gia này giảm từ 67,5 tỷ USD xuống còn 23,6 tỷ USD. Quá trình tái thiết ước tính cần đến hàng trăm tỷ USD.

Ngọc Mai

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/phuong-tay-toan-tinh-gi-khi-do-bo-trung-phat-syria-333383.htm
Zalo