Phương Tây gia tăng viện trợ cho Ukraine, Nga đưa ra cảnh báo

Mỹ vừa thông báo sẽ cung cấp thêm gói viện trợ quân sự trị giá 425 triệu USD cho Ukraine và một số nước châu Âu cũng có động thái tương tự. Trong phản ứng đầu tiên, Nga đã ngay lập tức đưa ra 'cảnh báo đỏ' sau những động thái trên.

“Cảnh báo đỏ” của Nga

Trong tuyên bố ngày 1/11 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, gói viện trợ này “sẽ cung cấp cho Ukraine các vũ khí bổ sung để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của Kiev, bao gồm các hệ thống phòng không, đạn rocket, đạn pháo, xe bọc thép và các vũ khí chống tăng”. Gói viện trợ sẽ được rút từ kho dự trữ của quân đội Mỹ cũng bao gồm các vũ khí không đối đất, thiết bị y tế, thiết bị nổ và phụ tùng thay thế.

Ukraine tiếp nhận các tên lửa FGM-148 Javelin được chuyển tới sân bay Boryspil ở Kiev.

Ukraine tiếp nhận các tên lửa FGM-148 Javelin được chuyển tới sân bay Boryspil ở Kiev.

Tuyên bố cho biết thêm Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực... để đáp ứng các yêu cầu cấp bách trên chiến trường của Ukraine. Trong khi đó, Norway cũng vừa công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 118,8 triệu USD cho Ukraine, tập trung vào việc mua vũ khí và bảo trì máy bay chiến đấu F-16 sắp được bàn giao. Dự kiến khoản tài trợ trên sẽ được thông qua qua cơ chế JUMPSTART.

Về phần mình, Anh và Đức đang lên kế hoạch hợp tác trang bị hệ thống tên lửa Brimstone hoặc Marte ER cho trực thăng Sea King của Ukraine. Trước đó, để nâng cao năng lực không quân của Ukraine, Đức đã cam kết cung cấp 6 trực thăng Sea King Mk41 vào tháng 1, trong khi Anh sẽ chuyển giao thêm 3 chiếc nữa. Đáp lại những động thái trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1/11 cảnh báo: “Họ đang tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine, với ngày càng nhiều vũ khí hiện đại. Mỹ và các nước phương Tây đang cản trở sự phát triển của chúng tôi. Điều này chỉ khiến quan hệ giữa chúng tôi với họ đang bên bờ vực của cuộc xung đột quân sự trực tiếp”.

Trước việc Mỹ và các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine, Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng, những động thái này sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường và sẽ chỉ làm kéo dài cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giới chức Nga cũng nhiều lần cảnh báo động thái này có thể khiến Mỹ và các nước phương Tây trở thành một bên trong cuộc xung đột trực tiếp với Nga.

Theo quan điểm của Moscow, sự chung sống hòa bình giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chỉ có thể đạt được nếu các bên công nhận các lợi ích quốc gia cơ bản của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố Moscow sẵn sàng khôi phục mối quan hệ chính thức với Washington nếu Mỹ bắt đầu tôn trọng các nước khác và tìm kiếm sự thỏa hiệp thay vì giải quyết vấn đề của họ bằng các biện pháp trừng phạt và sức mạnh quân sự.

Quan điểm này cũng đã được Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh trong phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra vừa qua: “Chúng tôi không rời xa đối thoại với phương Tây. Vào tháng 7, theo đề xuất của Nga, đã có một cuộc tranh luận công khai tại Hội đồng Bảo an về chủ đề xây dựng một trật tự thế giới công bằng hơn, bền vững hơn. Chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là phải tiếp tục thảo luận tại LHQ cũng như các diễn đàn khác”.

Cũng liên quan tới vấn đề này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/11 tuyên bố: “Tình hình ở tiền tuyến rất rõ ràng và hiển nhiên. Mọi người trong nước đều có thể thấy điều đó và các quốc gia phương Tây cũng đang lưu ý đến diễn biến của các sự kiện”. Ông nhấn mạnh “xu hướng hiện tại đang khiến chính quyền Kiev khá lo lắng” và sự lo lắng này là lý do khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi Mỹ cung cấp cho Kiev tên lửa tầm xa Tomahawk. Ông nói thêm rằng, động thái trên nhằm hợp pháp hóa sự tham gia của phương Tây vào các hoạt động quân sự và đây là một yếu tố khác đang diễn ra.

Người phát ngôn Điện Kremlin lưu ý: “Rõ ràng, tất cả các “kế hoạch hòa bình” và “kế hoạch chiến thắng” - dù có bảo mật hay không - về cơ bản đều là những nỗ lực của Kiev nhằm lôi kéo các nước phương Tây tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột và hợp pháp hóa sự tham gia đó”, và rằng: “Đây là mục tiêu cuối cùng của những động thái này và đó là cách chúng tôi nhận thức về nó”.

Triển vọng mờ nhạt

Kế hoạch chiến thắng do nhà lãnh đạo Ukraine đề xuất bao gồm năm điểm với ba phụ lục được bảo mật, gồm: lời mời Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức, tăng quy mô cung cấp vũ khí của phương Tây, dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí chống các mục tiêu bên trong nước Nga, NATO triển khai năng lực răn đe chiến lược tại Ukraine, đầu tư của phương Tây vào nền kinh tế Ukraine và đóng góp của Ukraine vào an ninh châu Âu trong tương lai khi chiến tranh kết thúc. Theo nhận định của giới phân tích, xét về mặt quân sự, ba yêu cầu đầu tiên trong kế hoạch chiến thắng của Ukraine là quan trọng nhất. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, chúng hoàn toàn không có triển vọng khi cuộc tranh cãi ngoại giao trong tháng qua là chứng minh rõ ràng.

Trong khi đó, xác nhận duy nhất cho đến nay từ Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot về kế hoạch này cũng chỉ là sự xác nhận có điều kiện. Trong chuyến thăm Kiev vào ngày 19/10, ông Jean-Noel Barrot bày tỏ hy vọng kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Volodymyr Zelensky sẽ đạt được tiến triển và tập hợp được số lượng đông nhất có thể các quốc gia ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như đang bị nhiều đối tác chủ chốt của ông Volodymyr Zelensky phớt lờ.

Thực tế đã cho thấy, tại châu Âu, chỉ có Đức cam kết hỗ trợ quân sự thêm 1,5 tỷ USD, khoản này sẽ được cung cấp chung với Bỉ, Đan Mạch và Norway. Các cuộc họp ở London, Paris và Rome không đưa ra cam kết mới hữu hình nào cho Kiev. Hơn nữa, một cuộc họp rất được mong đợi vào ngày 12/10 của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine gồm 57 quốc gia phương Tây (còn được gọi là nhóm Ramstein) đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hủy chuyến thăm Đức do siêu bão Milton.

Cuộc họp sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào tháng 11. Chuyến thăm Đức được lên lịch lại của ông Joe Biden cuối cùng đã diễn ra vào ngày 18/10. Sau đó, nhà lãnh đạo Mỹ cùng người đồng cấp Pháp, Thủ tướng Đức và Thủ tướng Anh đã tổ chức một cuộc họp. Tất cả các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ Ukraine, nhưng không đưa ra cam kết viện trợ bổ sung đáng kể nào cho Kiev.

Tổng thống Ukraine không được mời tham dự cuộc họp nêu trên song ông đã có cơ hội phát biểu trước các nguyên thủ quốc gia, quan chức chính phủ trong Liên minh châu Âu (EU) và các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại các cuộc họp ở Brussels vào ngày 17/10. Tuy nhiên, không có cuộc họp nào đưa ra kết quả báo hiệu bước thay đổi cần thiết trong sự ủng hộ của phương Tây nhằm xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến với Nga, theo hướng có lợi cho Ukraine. Liên quan tới vấn đề NATO, ông Volodymyr Zelensky tin rằng, lời mời chính thức gia nhập NATO là “cách duy nhất” để Ukraine có thể tồn tại sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Nhưng yêu cầu quan trọng của Ukraine vẫn còn vượt xa những gì các thành viên của liên minh có thể đáp ứng.

Tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã nhiều lần né tránh các câu hỏi liên quan đến vấn đề này tại cuộc họp báo hôm 18/10. Ông lưu ý tư cách thành viên của Ukraine “là điều chúng tôi đang tiếp tục tranh luận”. Những cam kết từ các đồng minh phương Tây cũng được nhắc lại trong cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Quốc phòng thuộc nhóm G7. Song vấn đề không phải là những cam kết này không chân thành hay chúng sẽ không thành hiện thực, mà là liệu chúng có đến được Ukraine kịp thời hay không?

Phương Tây ngày càng mệt mỏi đối với việc ủng hộ Ukraine sau 2 năm rưỡi xung đột với Nga - một phần là do tốc độ chậm chạp trong việc đưa ra các cam kết bổ sung và thực hiện các cam kết hiện có. Ngoài ra, còn có sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 và các vấn đề mà Đức, Pháp và Anh phải đối mặt trong nước. Tất cả đều chỉ ra thực tế rằng các đối tác chính của ông Volodymyr Zelensky có thể đã không còn ủng hộ ông nữa.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuong-tay-gia-tang-vien-tro-cho-ukraine-nga-dua-ra-canh-bao--i749128/
Zalo