'Phương Tây cũ' tan rã: EU tìm vị thế mới giữa căng thẳng với Mỹ

Khi liên minh truyền thống với Mỹ lung lay, EU đối mặt lựa chọn khó: tự chủ chiến lược hay tiếp tục dựa vào Washington? Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen tiết lộ 'sự thật mới' trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN

Trang tin châu Âu Euronews.com ngày 16/4 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng: "Phương Tây như chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa", trong bối cảnh mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xấu đi nhanh chóng.

Những căng thẳng leo thang, đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump áp đặt các mức thuế quan toàn diện mà Brussels chỉ trích là "không đáng tin cậy cũng như không hợp lý", đã buộc EU phải chủ động tìm kiếm các đồng minh và đối tác mới trên khắp thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn sâu rộng với tờ báo Đức Zeit, bà Leyen nhấn mạnh sự thay đổi trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu: "Thế giới đã trở thành một quả địa cầu về mặt địa chính trị, và ngày nay, mạng lưới hữu nghị của chúng tôi đã trải dài khắp toàn cầu", viện dẫn các cuộc điện đàm gần đây với đại diện từ Na Uy, Iceland, Canada, New Zealand, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Đáng chú ý, bà cũng đã có cuộc thảo luận với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, làm dấy lên những đồn đoán về sự tan băng trong quan hệ EU - Trung Quốc sau nhiều năm căng thẳng.

Bà Leyen khẳng định rằng, trong bối cảnh hiện tại, sự ổn định và đáng tin cậy của châu Âu đang trở thành một tài sản vô giá. "Mọi người đều yêu cầu tăng cường thương mại với châu Âu – và không chỉ là về quan hệ kinh tế mà còn là về việc thiết lập các quy tắc chung và về khả năng dự đoán. Châu Âu nổi tiếng về khả năng dự đoán và độ tin cậy, một lần nữa bắt đầu được coi là một điều gì đó rất có giá trị", bà nhận định.

Mặc dù tự nhận mình là "người bạn tuyệt vời" của nước Mỹ và là "người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương", bà Leyen không ngần ngại chỉ ra những thay đổi sâu sắc do chính quyền Trump gây ra, bao gồm các chính sách thương mại mang tính "phá hoại, sự coi thường hệ thống đa phương và sự chuyển hướng sang Nga". Những động thái này đã khiến các đồng minh truyền thống của Washington xa lánh. Khi được hỏi về việc liệu Mỹ hiện tại là bạn, từng là bạn hay đối thủ, bà Leyen tránh "những phân loại kiểu này" nhưng thừa nhận mối quan hệ "phức tạp" giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra với Nhà Trắng, bà Leyen xác nhận rằng cả hàng hóa sản xuất và dịch vụ kỹ thuật số của Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu trả đũa nếu không đạt được thỏa hiệp. Brussels hy vọng lệnh tạm dừng thuế quan 90 ngày sẽ mở đường cho một thỏa thuận, nhưng việc EU nhắm đến các dịch vụ giá trị cao của Thung lũng Silicon có nguy cơ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Trump, vốn đã nhiều lần phàn nàn về các quy định của EU đối với "Big Tech".

Bà Leyen khẳng định các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Meta và Apple hoàn toàn tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại, nhưng sự trùng hợp về thời gian đã tạo ra một bối cảnh đối đầu tiềm ẩn.

Trước bối cảnh căng thẳng với Mỹ, EU buộc phải xem xét lại quan hệ với các cường quốc khác. Trong khi châu Âu phải đối mặt với mức thuế trừng phạt 20% từ Mỹ, Trung Quốc thậm chí còn bị áp mức thuế lên tới 245%. Điều này đã thúc đẩy các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại toàn diện với Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo EU cho biết Ủy ban châu Âu sẽ "rất cảnh giác" để ngăn chặn làn sóng hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào châu Âu. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu châu Âu có nên "tin tưởng Trung Quốc" hay không, bà không bác bỏ khả năng xích lại gần nhau hơn, đặc biệt nếu các điều kiện tiếp cận thị trường Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Bà Leyen, người từng thúc đẩy chiến lược "giảm thiểu rủi ro" với Trung Quốc, gần đây đã có những phát ngôn mềm mỏng hơn về chính sách đối ngoại "giao dịch" có thể dẫn đến hợp tác "mang tính xây dựng" với các quốc gia không chia sẻ các giá trị cơ bản của EU. Trong bối cảnh Mỹ có vẻ không sẵn lòng tiếp tục viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine, châu Âu đang nỗ lực lấp đầy khoảng trống này. Các đồng minh phương Tây đã thành lập một "liên minh tự nguyện" để cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev.

Rõ ràng, "Phương Tây cũ" với sự gắn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Mỹ đang nhường chỗ cho một châu Âu tự chủ và linh hoạt hơn, buộc phải định hình lại vai trò của mình trên một sân khấu toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/phuong-tay-cu-tan-ra-eu-tim-vi-the-moi-giua-cang-thang-voi-my-20250417155645133.htm
Zalo