Phương pháp giáo dục của mẹ đơn thân có con lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 17

MỸ - Sau thành công của con gái lấy bằng tiến sĩ ở tuổi 17, bà Jimalita Tillman chia sẻ 4 nguyên tắc vàng trong phương pháp giáo dục.

Bà Jimalita Tillman nhận ra tài năng của Dorothy Jean Tillman II từ nhỏ. 7 tuổi, cô bé được giáo dục tại nhà (homeschooling). Lên 8 tuổi, nữ sinh được mẹ cho học trung học. Dorothy lấy bằng cao đẳng Tâm lý học ở tuổi lên 10. Dorothy nhận bằng cử nhân ở tuổi 12. Nữ sinh tiếp tục học thạc sĩ và nhận bằng năm 14 tuổi.

Năm 2023, Dorothy lấy bằng tiến sĩ Sức khỏe hành vi tích hợp tại Đại học Arizona (Mỹ) ở 17 tuổi. Hiện, nữ tiến sĩ điều hành Học Viện STEAM Dorothy Jeanius, chuyên cung cấp chương trình giáo dục về Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và Nghệ thuật cho thiếu niên da màu ở Chicago (Mỹ).

Dorothy Jean Tillman II (bên phải) và mẹ (bên trái). Ảnh: CNBC

Dorothy Jean Tillman II (bên phải) và mẹ (bên trái). Ảnh: CNBC

Trò chuyện với CNBC, mẹ Dorothy khiêm tốn nói rằng, thành tựu con gái đạt được không lớn. Là mẹ đơn thân, bà đã áp dụng quy tắc vàng để nuôi dưỡng tài năng của con. "Phương pháp giáo dục con khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến từng trẻ", bà Jimalita nói. Dưới đây là 4 nguyên tắc bà luôn tuân thủ tuyệt đối khi giáo dục con:

1. Cùng con đặt ra kỳ vọng

Bà Jimalita khuyên phụ huynh hãy cùng con xây dựng 'bản hợp đồng kỳ vọng', làm rõ yêu cầu liên quan đến học tập và giải trí. Ví dụ, trẻ chỉ xem tivi sau khi hoàn thành bài tập về nhà hoặc duy trì điểm số tốt mới được tham gia hoạt động ngoại khóa. Mẹ Dorothy lưu ý, thỏa thuận này cần rõ ràng, đặc biệt đối với những trẻ tài năng.

Nghiên cứu cho thấy, những trẻ tài năng cần đặt ra kỳ vọng và phải có trách nhiệm khi không đạt được. Các chuyên gia khuyến cáo, hãy để trẻ tham gia vào việc xây dựng các nguyên tắc đó. Điều này góp phần giúp trẻ nuôi dưỡng sự tự tin và động lực của bản thân. Đây là chìa khóa giúp trẻ thành công.

2. Dạy trẻ trách nhiệm

Nói đến trách nhiệm, bà Jimalita nhấn mạnh, bố mẹ là tấm gương sáng để con noi theo. "Hãy trách nhiệm với bản thân, thể hiện khía cạnh dễ bị tổn thương trước mặt con. Lúc này, phụ huynh sẽ có cơ hội dạy con cách chịu trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ của bản thân tốt nhất".

Bố mẹ nên thẳng thắn chia sẻ với con khi bản thân sai và cách khắc phục. Cách này giúp trẻ học được bài học về việc chịu trách nhiệm. Ví dụ, xin lỗi con khi bố mẹ mất bình tĩnh nổi nóng hoặc đón trẻ muộn. Theo nhà tâm lý học Cindy Graham, trẻ có xu hướng bắt chước người lớn nên cần cẩn thận mọi hành vi, cử chỉ và lời nói. Đây là cách làm gương cho trẻ hữu hiệu nhất.

3. Tự tin

Bà Jimalita cho rằng, ai cũng nên tự tin và kiên định. "Đơn giản là tin vào bản thân, nếu xảy ra chuyện sẽ có thể tự giải quyết". Với bà, bố mẹ hay trẻ đều cần tự tin. Đó là khi đối mặt với trở ngại hay gặp khó khăn.

Còn theo Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba, chưa cần xét đến nguồn gốc của lạc quan nhưng sự tích cực trẻ có thể học được từ bố mẹ. Điều này sẽ giúp trẻ tự tin hơn. "Trẻ tự tin thường nói: 'Con sẽ tiếp tục cố gắng", ngược lại: 'Tại sao con phải cố gắng?'", bà Michel nói thêm.

4. Không so sánh

Các nhà tâm lý học khuyên rằng, không nên dùng thành tích của người khác để thúc đẩy trẻ phát triển. Bởi mỗi trẻ sẽ có tốc độ phát triển khác nhau. Theo nhà nghiên cứu về nuôi dạy con Jennifer Breheny Wallace, việc so sánh liên tục sẽ phản tác dụng khiến trẻ cảm thấy bản thân thấp kém.

Trong quá trình dạy con, bà Jimalita khẳng định, không bao giờ so sánh thành tích của Dorothy với người khác. Qua đây, bà cũng hy vọng phụ huynh khác không so sánh con họ với Dorothy.

Với bà những câu nói như: "Con nên thế này hay xem bạn khác làm được gì?". Đều là sự so sánh khủng khiếp, có hại cho lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Theo bà, phương pháp giáo dục tốt nhất là bố mẹ hãy tìm cách để con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Thắm Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phuong-phap-giao-duc-cua-me-don-than-co-con-lay-bang-tien-si-o-tuoi-17-2298473.html
Zalo