Phường đấu giá đất vượt thẩm quyền, người mua chịu thiệt suốt 30 năm
Một phường ở Đắk Lắk tổ chức đấu giá đất vượt thẩm quyền, khiến người mua trúng đấu giá chịu thiệt suốt 30 năm qua.
Trao đổi với PLO, một lãnh đạo Phòng Kinh tế- hạ tầng và đô thị TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đang phối hợp giải quyết các vấn đề tồn đọng tại dự án chợ khối 10 phường Tân Lập cũ, nay thuộc phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột.
Phường tổ chức đấu giá đất vượt thẩm quyền
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản yêu cầu UBND TP Buôn Ma Thuột tổ chức họp dân, xác định nhu cầu, nguyện vọng của những người đang sử dụng ki ốt tại chợ khối 10, phường Tân Lập cũ, nay là tổ dân phố 9, phường Tân An.

Sau khi trúng đấu giá đất, người dân sinh sống trong dự án chợ dở dang. Ảnh: T.T
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu UBND TP Buôn Ma Thuột kiểm tra, xác định thẩm quyền của UBND phường Tân Lập cũ trong việc tổ chức bán đấu giá ki ốt, các lô đất thuộc khu vực chợ nói trên. Trường hợp UBND phường Tân Lập cũ bán đấu giá, cấp đất trái thẩm quyền thì phải xử lý dứt điểm.
Sau khi xử lý dứt điểm những vấn đề trên, UBND TP Buôn Ma Thuột tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk các vấn đề liên quan để cấp tỉnh xem xét, giải quyết.
Theo hồ sơ, năm 1991, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi 2.000 m2 đất của Xí nghiệp Cà phê Đắk Lắk, giao UBND phường Tân Lập, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là UBND phường Tân An, TP, Buôn Ma Thuột) xây dựng chợ.
Tuy nhiên, năm 1994, UBND phường Tân Lập chia khu đất nói trên thành 21 lô và tổ chức đấu giá.
Sau khi đấu trúng đấu giá đất, người dân nộp vàng, tiền đầy đủ. Tháng 3-1994, ông Nguyễn Đắc Lực, Chủ tịch UBND phường Tân Lập thời điểm đó, ký quyết định giao đất cho những người trúng đấu giá.

Người dân bỏ gần 10 cây vàng đấu giá đất từ 30 năm trước. Ảnh: T.T
Đến tháng 11-1994, các hộ gia đình trúng đấu giá được chính quyền địa phương mời họp, thông báo thu hồi quyết định cấp đất nói trên. Lý do: chủ tịch UBND cấp phường không đủ thẩm quyền để đấu giá đất, cấp đất.
Đến tháng 6-1995, UBND TP Buôn Ma Thuột quyết định thu hồi toàn bộ số tiền gần 185 triệu đồng liên quan đến việc bán đấu giá khu đất nói trên để bổ sung vào ngân sách.
Người dân chịu thiệt 30 năm qua
Theo bà Nguyễn Thị Biếc, năm 1994, bà bỏ ra 10 cây vàng để đấu giá đất tại dự án chợ, mong muốn có nơi kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế. Thế nhưng, dự án chợ chẳng nên hình hài, vài ki ốt được xây dựng rồi bỏ hoang.

Dãy ki ốt lụp xụp, hoang tàn trong khu chợ. Ảnh: T.T
Theo bà Biếc, suốt 30 năm qua, bà cùng các hộ dân trong dự án liên tục gửi đơn, yêu cầu chính quyền địa phương xem xét, thay đổi quy hoạch đất chợ thành đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho những người trúng đấu giá nhưng chưa được.
"Hồi đó, chúng tôi bỏ ra một số tiền rất lớn để mua đất nhằm kinh doanh, buôn bán. Thế nhưng, chợ không thành chợ, chúng tôi phải chôn chân nơi đây suốt 30 năm, thiệt thòi đủ đường"- bà Biếc than thở.
Theo ghi nhận của PV, khu chợ phường Tân An có nhiều khoảng đất trống, cây mọc um tùm. Trong lòng chợ, một số ki ốt được xây dựng từ lâu nay đã bỏ hoang, tường gạch, mái tôn ngả màu theo năm tháng…
Theo ông Nguyễn Đồng Đăng, Phó chủ tịch UBND phường Tân An, thời gian qua, chính quyền địa phương nhận nhiều ý kiến của người dân về việc cấp sổ hồng tại dự án chợ nêu trên.
Cũng theo ông Đăng, dự án chợ nói trên hiện có khoảng 20 căn nhà, ki ốt được xây dựng. Nhiều căn nhà chật hẹp, có hai đến ba thế hệ người dân cùng sinh sống nhưng không được cơi nới, xây dựng thêm; thậm chí, có căn nhà đã xuống cấp, rất bất cập.

Một dãy ki ốt xây dựng rồi bỏ hoang tại dự án. Ảnh: T.T
“Người dân kiến nghị, đòi quyền lợi nhưng khu đất trên đang là quy hoạch đất chợ, chưa thể cấp sổ hồng. Khi nào dự án chấm dứt, quy hoạch chợ được thay bằng quy hoạch đất ở thì mới đủ điều kiện cấp sổ hồng. Chúng tôi đang phối hợp UBND TP Buôn Ma Thuột kiến nghị tỉnh xem xét, xử lý các vướng mắc liên quan dự án”- ông Đăng nói.