Phường Chợ Lớn - trung tâm thương mại sầm uất ở TP.HCM
Không gian sống, tín ngưỡng, ẩm thực cùng phong tục của người Hoa vẫn hiện hữu rõ nét tại phường Chợ Lớn, nơi vừa được sáp nhập từ 4 phường của quận 5 cũ.

Phường Chợ Lớn nay đã chính thức tái xuất trên bản đồ hành chính TP.HCM sau nhiều năm vắng bóng. Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 phường 11, 12, 13 và 14 của quận 5 cũ.

Bản đồ phường Chợ Lớn. Đồ họa: Đại Bùi.

Phường có diện tích khoảng 1,67 km2, dân số gần 85.000 người, nằm dọc các tuyến đường huyết mạch như Hồng Bàng, Trần Hưng Đạo, Hải Thượng Lãn Ông. Trung tâm hành chính công của phường Chợ Lớn được bố trí tại số 525-527 đường Hồng Bàng. Ảnh: Khương Nguyễn.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, ông Tùng (70 tuổi), tiểu thương lâu năm bán đồ gia dụng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, không giấu được niềm vui khi tên gọi Chợ Lớn được khôi phục. "Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Từ xưa người dân đã quen gọi nơi đây là Chợ Lớn, giờ cái tên ấy đã chính thức trở lại, tôi mừng lắm", ông nói.

Tên gọi "Chợ Lớn" bắt nguồn từ một khu chợ do cộng đồng người Hoa lập nên vào cuối thế kỷ 18 bên rạch Bãi Sậy, khu vực nay là chợ Bình Tây. Người Hoa gọi nơi đây là "Đại Phố", nghĩa là phố lớn hay chợ lớn. Dần dần, Chợ Lớn trở thành một địa danh chính thức, gắn liền với cộng đồng Hoa kiều và phát triển thành trung tâm buôn bán sầm uất nhất miền Nam.

Trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, tên Chợ Lớn từng biến mất khỏi bản đồ, nhưng chưa bao giờ mất đi dấu ấn riêng. Nhắc đến Chợ Lớn, người ta vẫn hình dung về một trung tâm văn hóa, thương mại đặc trưng của người Hoa giữa lòng TP.HCM.

Không chỉ là một địa danh hành chính, phường Chợ Lớn còn được ví như "bảo tàng sống" của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam. Khu vực này nổi bật với những dãy nhà liền kề, cư xá cổ kính, tường gạch cũ kỹ cùng các bảng hiệu song ngữ Việt - Hoa...

Đặc biệt, dạo quanh các tuyến đường trong khu vực, dễ dàng bắt gặp một "hỗn hợp hương" đặc trưng, được pha trộn giữ mùi thuốc bắc, mùi gỗ trầm, nhang khói từ chùa chiền và cả mùi ẩm thực của người Hoa.

Thực tế, tại đây, nhiều hội quán, đình, miếu như chùa Ông (Hội quán Nghĩa An), miếu Bà Thiên Hậu, chùa Tam Sơn... vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, tiếp tục là nơi sinh hoạt tâm linh quan trọng của cộng đồng.


Trong ảnh là miếu Bà Thiên Hậu, còn gọi là Hội quán Tuệ Thành hay Chùa Bà Chợ Lớn - một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa tại TP.HCM. Chùa được xây theo kiến trúc hình Ấn đặc trưng, gồm 4 ngôi nhà liên kết, xen giữa các dãy là giếng trời giúp lấy sáng và thoát khói hương.

Ẩm thực cũng là một điểm nhấn đặc sắc của khu vực. Những hàng quán lâu đời bán mì vịt tiềm, hoành thánh, xá xíu, bánh bao, chè hoa cúc, đậu hũ thạch... tạo nên bản sắc riêng biệt, khó tìm thấy ở nơi khác tại TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Mai.

Từ lịch sử định cư lâu đời của cộng đồng người Hoa, nơi đây hình thành nên các tuyến phố chuyên doanh mang đậm dấu ấn ngành nghề truyền thống, như phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, phố lồng đèn Lương Nhữ Học, phố vải Soái Kình Lâm...

Phường Chợ Lớn cũng là nơi tập trung nhiều chợ truyền thống nhất TP.HCM, thậm chí có thể xem là nhiều nhất cả nước.

Các chợ nổi tiếng ở khu vực này có thể kể đến như chợ Đồng Khánh, chợ Kim Biên, chợ Đại Quang Minh, chợ Tân Thành, chợ Vật Tư, chợ Phùng Hưng, chợ Xã Tây, chợ Hà Tôn Quyền, chợ vật liệu xây dựng...

Bên cạnh giá trị văn hóa và thương mại, phường Chợ Lớn còn là nơi tập trung nhiều cơ sở y tế lớn của TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Trong đó, Bệnh viện Hùng Vương tiền thân là Nhà Bảo sanh Chợ Lớn; còn Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những bệnh viện lớn và uy tín nhất cả nước - trước đây có tên Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn).

Về lĩnh vực bất động sản, đáng chú ý tại khu vực này là dự án Thuận Kiều Plaza trên đường Hồng Bàng. Dự án từng có số phận long đong, sau đó được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát mua lại và "lột xác" với tên gọi The Garden Mall. Trong thời kỳ dịch Covid-19, nơi đây còn được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến.

Theo UBND TP.HCM, việc sáp nhập 4 phường cũ để thành lập phường Chợ Lớn xuất phát từ sự liền kề địa lý và nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và cộng đồng dân cư. Đây cũng là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển và nâng tầm đô thị trong tương lai.

Với sự trở lại chính thức trên bản đồ hành chính, phường Chợ Lớn được kỳ vọng sẽ phát huy thế mạnh về du lịch văn hóa, thương mại truyền thống và ẩm thực đường phố - những giá trị từng làm nên danh tiếng "Chợ Lớn" bao năm qua.