Chạm bạc - nghề thủ công gắn với bản sắc đồng bào Nùng
Giữa những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ ở Hoàng Su Phì, tỉnh Tuyên Quang (trước đây là tỉnh Hà Giang), nghề chạm bạc truyền thống của đồng bào Nùng tại xã Pờ Ly Ngài vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Không chỉ là sinh kế, nghề còn là biểu tượng văn hóa, gắn liền với tín ngưỡng, tổ tiên và niềm tự hào về cội nguồn.

Nghệ nhân Nùng Văn Sính kiểm tra dây bạc lớn sau khi hoàn thiện công đoạn chế tác tại Pờ Ly Ngài.
Theo các nghệ nhân cao tuổi ở Pờ Ly Ngài, của người Nùng nơi đây có từ rất lâu đời. Trong số những thợ bậc thầy ở Pờ Ly Ngài, ông Nùng Văn Sính, năm nay gần 69 tuổi, là một trong số ít nghệ nhân còn gắn bó trọn đời với nghề. Từ năm 13 tuổi, ông đã được cha truyền dạy từng thao tác cơ bản, từ nấu bạc, đổ khuôn, rèn chi tiết cho đến chạm hoa văn.
Nghề xưa giữa núi cao
Khác với nhiều vùng, thợ bạc ở đây tự tay làm dụng cụ lao động, từ đục, búa, kéo, cho đến khuôn gỗ. Quan niệm rằng chỉ khi chính tay người thợ chế tác công cụ thì mới hiểu “ý bạc”, mới truyền được hồn vào từng chi tiết. Bạc được nấu bằng nồi đất, nung bằng than nghiến và gỗ táo, loại gỗ cháy lâu, giữ lửa đều. Để nắm được bí kíp "nhìn lửa", phân biệt độ chín của bạc, người thợ cần hàng chục năm kinh nghiệm.
Từ bạc thỏi, người thợ phải tự ước lượng chính xác lượng bạc cần dùng. Sau khi nung chảy, bạc được đổ vào khuôn gỗ đã phết mỡ để tạo độ bóng. Mỗi món đồ bạc, dù là chiếc nhẫn nhỏ, đều trải qua hàng chục công đoạn thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.

Bạc khắc họa hình cá, họa tiết thường thấy trong các bộ trang sức của đồng bào Nùng, mang ý nghĩa sinh sôi, no đủ.
Hoa văn bạc Nùng không phải là những đường nét đơn giản. Chúng là lớp lớp họa tiết chồng lên nhau, uốn lượn, mô phỏng hình tượng cá, chim, hoa lá, trăng, mây..., mỗi hình đều mang một tích truyện, một biểu tượng văn hóa.
Chạm bạc là nghề chỉ truyền cho con trai. Để trở thành một người thợ bạc lành nghề, thanh niên Nùng ở Pờ Ly Ngài phải rèn luyện tối thiểu ba năm. Anh Nùng Giáo Minh, 39 tuổi, là đời thứ ba trong gia đình làm bạc. Anh kể: “Lúc mới học, cái khó nhất là làm nóng bạc đúng độ, đổ khuôn không bị vỡ, khắc hoa văn không lệch tay. Cha tôi dạy rất nghiêm. Giờ tôi đã làm được gần như đủ 12 món trang sức bạc truyền thống”.
cho rằng, để được công nhận là nghệ nhân, một thợ bạc phải chế tác đủ mười hai món bạc: từ xà tích, vòng cổ, vòng tay, trâm cài tóc, khuyên tai, đến nhẫn, cúc áo, khuy khăn, đai lưng, mỗi món có tên gọi, hình dáng, ý nghĩa riêng.
Bạc - bản sắc hiện hữu trong đời sống đồng bào Nùng

Phụ nữ Nùng trong trang phục truyền thống, với các món trang sức bạc đặc trưng sử dụng trong đời sống và nghi lễ.
Trên nền vải chàm đen hoặc xanh đậm, những món bạc trắng lấp lánh tạo nên vẻ đẹp rạng rỡ, sang trọng và đầy tự hào. Với phụ nữ Nùng, bạc không chỉ làm đẹp mà còn có tác dụng trừ tà, tránh gió, bảo vệ sức khỏe và mang lại may mắn.
Ngoài ra, bạc còn là thước đo sự giàu có. Gia đình nào sở hữu nhiều bạc, đồng nghĩa với sự sung túc. Vì vậy, bạc không chỉ được đeo trong ngày cưới, lễ hội, mà còn là của hồi môn quý giá mẹ truyền cho con gái.
Dẫu nghề bạc chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhưng hiện nay việc duy trì không hề dễ. Một số thanh niên trẻ rời bản đi làm thuê, ít người còn mặn mà với nghề cha ông để lại. Nghề bạc đòi hỏi tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, lại thu nhập không cao nếu không có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đồng bào Nùng trao đổi trang sức bạc tại chợ phiên vùng cao Hoàng Su Phì.
Tại các , không khó để bắt gặp những người phụ nữ Nùng mặc trang phục truyền thống với bạc lấp lánh, mang theo sản phẩm bạc ra trao đổi, giới thiệu. Những món đồ bạc từ Pờ Ly Ngài khác biệt ở hoa văn sắc nét, tạo hình phong phú, phản ánh đời sống văn hóa của người vùng cao. Đó có thể là chiếc vòng tay khắc hình chim én mùa xuân, hay xà tích chạm họa tiết trăng non và mây gió, gửi gắm khát vọng sinh sôi, vững bền của người vùng cao.
Theo thống kê của địa phương, dân tộc Nùng chiếm hơn 24% dân số của huyện Hoàng Su Phì (khi còn cấp huyện), và Pờ Ly Ngài là một trong những cái nôi giữ được nghề bạc thủ công lâu đời nhất của cộng đồng. Với quan niệm “không đeo bạc, người Nùng không biết tổ tiên”, sản phẩm bạc đã trở thành vật thiêng, nối liền hiện tại với quá khứ, từ lễ cưới, đám ma đến các nghi lễ tín ngưỡng.
Giữa dòng chảy hiện đại, nghề chạm bạc ở Pờ Ly Ngài vẫn tồn tại, minh chứng cho sự khéo léo, kiên trì và lòng tự tôn dân tộc của người Nùng. Mỗi sản phẩm bạc ra đời không chỉ là kết tinh của bàn tay khéo léo mà còn là kết quả của tình yêu với nghề, với quê hương và cội nguồn.
Và trong một buổi chiều lộng gió ở Pờ Ly Ngài, vẫn có những ánh lửa đỏ trong lò đất nung, và người nghệ nhân già vẫn cần mẫn bên bàn chạm bạc, như một lời khẳng định: hồn nghề vẫn lấp lánh giữa non cao.
Xà tích – món trang sức truyền thống được chạm khắc công phu, thường đeo ở cổ phụ nữ Nùng trong dịp lễ cưới và nghi lễ tổ tiên.