Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tỉnh Bình Dương

Thực hiện tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã tập trung lãnh đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo các mô hình định hướng của Trung ương.

Cụ thể, đề xuất: Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy, tên gọi: Ban Tuyên giáo - Dân vận Tỉnh ủy; chức năng: trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 05 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay để đảm bảo công tác chuyên môn không bị gián đoạn, sẽ nghiên cứu đưa những chức năng, nhiệm vụ tương đồng về bộ phận phù hợp; hợp nhất các bộ phận có chức năng tham mưu tổng hợp chung.

Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thống nhất chuyển Phòng khám - quản lý sức khỏe của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh để thành lập Khoa khám bệnh - quản lý sức khỏe cán bộ trực thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh và chuyển Phòng hành chính nhập vào phòng tương đồng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh; các Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng. Thành lập 02 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy gồm: Đảng bộ các cơ quan Đảng, đoàn thể, HĐND, tư pháp và Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh.

Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính, tên gọi: Sở Tài chính và Đầu tư phát triển (hoặc Sở Kinh tế phát triển); chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Đề xuất phương án giữ nguyên 10 phòng chuyên môn và 02 phòng chức năng dùng chung (Văn phòng, Thanh tra) với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay.

Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng, tên gọi: Sở Phát triển hạ tầng (hoặc Sở Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn). Chức năng: Trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Đề xuất phương án giữ nguyên 07 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay, chỉ hợp nhất các bộ phận có chức năng tham mưu tổng hợp chung (Văn phòng, Thanh tra).

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tên gọi: Sở Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường; chức năng: Trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 04 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay; hợp nhất Văn phòng và Thanh tra; giữ nguyên 07 Chi cục và 17 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, 01 Quỹ bảo vệ môi trường. Đơn vị mới sau khi hợp nhất tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ, tên gọi: Sở Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số (hoặc Sở Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông); chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ. Tổ chức bộ máy, nhân sự: Giữ nguyên 04 phòng chuyên môn với tên gọi và chức năng nhiệm vụ như hiện nay, hợp nhất Văn phòng và Thanh tra; đồng thời thành lập mới Phòng Kế hoạch - Tài chính để phục vụ công tác mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cho các cơ quan, đơn vị và các chức năng khác có liên quan; giữ nguyên 01 Chi cục và 06 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ, chuyển một số chức năng quản lý Nhà nước về Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; tên gọi: Sở Nội vụ và Lao động. Chức năng trên cơ sở hợp nhất chức năng 02 cơ quan Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; trong đó chuyển chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sang Sở Giáo dục và Đào tạo, chuyển chức năng quản lý Nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế. Tổ chức bộ máy: Chuyển nguyên trạng Phòng Giáo dục nghề nghiệp về Sở Giáo dục và Đào tạo; chuyển nguyên trạng Phòng Bảo trợ xã hội, Phòng Trẻ em - Phòng, chống tệ nạn xã hội về Sở Y tế để tiếp tục thực hiện chức năng; chuyển các bộ phận còn lại hợp nhất về Sở Nội vụ.

Đơn vị sự nghiệp: Chuyển nguyên trạng 03 đơn vị qua Sở Y tế: Cơ sở cai nghiện ma túy; Quỹ Bảo trợ trẻ em; Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội. Chuyển nguyên trạng 03 đơn vị sự nghiệp công lập qua Sở Giáo dục và Đào tạo: Trường Trung cấp Kinh tế; Trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa; Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp. Chuyển nguyên trạng 02 đơn vị về Sở Nội vụ và Lao động: Ban quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ; Trung tâm Dịch vụ việc làm.

Đối với tổ chức, bộ máy cấp huyện: Hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy huyện; dự kiến tên gọi là Ban Tuyên giáo - Dân vận cấp ủy cấp huyện. Sau khi hợp nhất Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận cấp ủy cấp huyện, dừng mô hình Trưởng ban Tuyên giáo cấp ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị cấp huyện, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện trước mắt chưa bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm chính trị cấp huyện, tạm thời phân công lãnh đạo phụ trách Trung tâm Chính trị cấp huyện.

Hợp nhất Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Phòng Nội vụ; dự kiến tên gọi là Phòng Nội vụ và Lao động. Hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Tài nguyên và Môi trường; dự kiến tên gọi là Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Đối với việc thành lập mới, chia tách, sáp nhập, kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng do Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định theo thẩm quyền theo hướng: Cấp ủy gồm các đồng chí lãnh đạo và 01 đồng chí làm công tác tổ chức của cơ quan đơn vị; Bí thư là người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị mới sau sáp nhập, Phó Bí thư là cấp phó trực tiếp. Ngoài ra có thể cơ cấu thêm một số đồng chí là Bí thư Chi bộ trực thuộc (đối với Đảng bộ cơ sở), người đứng đầu các đơn vị trực thuộc tham gia cấp ủy khóa mới.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phuong-an-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-tinh-binh-duong-119241218170427708.htm
Zalo