Phúc thẩm vụ án Thuduc House: Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt với nhiều lý do

Trả lời tại tòa, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt với lý do như đóng thêm tiền khắc phục hậu quả, có hồ sơ bệnh án đang điều trị bệnh, bằng khen của các cơ quan, tổ chức…

Ngày 22/4, TAND Cấp cao tại TAND TP.HCM tổ chức xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của 43/67 bị cáo và kháng cáo của 4 cá nhân, tổ chức, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Tại tòa có 42 bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt (trong đó có bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - cựu phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) và một bị cáo xin miễn trách nhiệm hình sự là ông Nguyễn Hữu Đức - cựu phó trưởng Phòng Thanh tra kiểm tra số 8, Cục Thuế TP.HCM.

Phiên tòa phúc thẩm.

Phiên tòa phúc thẩm.

Các bị cáo làm việc cho ông Trịnh Tiến Dũng (đã trốn truy nã) thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm quy kết. Tuy nhiên, các bị cáo đề nghị hội đồng xét xử xem xét, đánh giá lại vai trò, vị trí của mình, các bị cáo chỉ làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ông Dũng mà không hưởng lợi gì từ hành vi phạm tội.

Tương tự, bị cáo Lưu Thị Ngát (người đưa hối lộ 7 tỷ đồng cho ba cán bộ Chi cục Thuế) bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nội dung bản án sơ thẩm nêu, để các công ty ma được hoạt động, Ngát đã móc nối, đưa hối lộ cho cán bộ Chi cục thuế quận 1, quận 3 và quận 5, TP.HCM (gồm: Đào Thị Nga, Nguyễn Phương Nam và Ngô Huỳnh Lũy) để Nga, Nam và Lũy tạo điều kiện cho các công ty ma hoạt động bán hóa đơn GTGT, kê khai khống hàng hóa đầu vào để được khấu trừ thuế.

Khai tại tòa, bị cáo Ngát cho biết thành lập các công ty ma theo chỉ đạo của người tên Đặng Ngọc Phú, thành lập xong cũng không biết các công ty này có hoạt động hay không và cũng không xuất hóa đơn cho Thuduc House hay Công ty Sài Gòn Tây Nam.

Bị cáo Ngát xin giảm nhẹ hình phạt và nói chỉ làm thuê cho Phú. Bị cáo Ngát cũng nói bản thân không được hưởng lợi gì nên xin được xem xét lại phần trách nhiệm dân sự phải bồi hoàn khoảng 18 tỷ đồng cho Thuduc House.

Phiên xử kéo dài đến chiều cùng ngày thì kết thúc sau khi hội đồng xét xử đã hỏi xong một số bị cáo về nội dung kháng cáo, căn cứ và tình tiết giảm nhẹ mới. Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục xét hỏi bà Hạnh cùng một số bị cáo khác và những người liên quan vào phiên xử ngày mai.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Trong 4 người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo, có 2 cá nhân là bà Nguyễn Thị Hồng Oanh (chị vợ của ông Dũng) và ông Lê Trọng Đại (42 tuổi, ngụ quận 3).

Bà Oanh bị cấp sơ thẩm kê biên 4 bất động sản đứng tên bà vì cho rằng quá trình điều tra có cơ sở xác định các tài sản này có nguồn gốc hoặc liên quan đến ông Dũng. Trong khi đó, ông Đại kháng cáo nội dung liên quan đến trách nhiệm về số tiền 116,6 tỷ đồng mà cấp sơ thẩm buộc ông phải nộp lại.

Cụ thể, tại phần nhận định và quyết định trong bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP.HCM nêu: "giao Cục Thi hành dân sự TP.HCM thu hồi số tiền 116,6 tỷ đồng từ ông Lê Trọng Đại để chuyển về tài khoản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục C03) để đảm bảo cho việc xử lý khi bắt được Trịnh Tiến Dũng".

Ông Đại cho rằng phần nhận định và quyết định trên của bản án sơ thẩm là không đúng và không phù hợp với quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Đại và bà Nguyễn Thị Thơm.

Theo kháng cáo, ông Lê Trọng Đại cho rằng được Tòa án nhân dân TP.HCM triệu tập tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vì lý do khách quan phải giải quyết công việc đột xuất của gia đình tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, vào ngày 26/5/2023, ông Lê Trọng Đại đã làm đơn xin vắng mặt gửi hội đồng xét xử sơ thẩm.

Trong quá trình xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát không tiến hành xét hỏi và kết luận của đại diện Viện kiểm sát không yêu cầu ông Lê Trọng Đại phải nộp số tiền trên 116,6 tỷ trên vào tài khoản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Nhưng hội đồng xét xử lại nhận định và quyết định như như trên.

Mặt khác, theo ông Đại, trong quá trình điều tra, với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ông Đại và vợ là bà Nguyễn Thị Thơm đã được cơ quan điều tra mời và lập các biên bản làm việc về mối quan hệ giao dịch vay mượn tiền với ông Trịnh Tiến Dũng.

Theo ông Đại, bản án sơ thẩm cũng đã nêu rõ phần kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tại xác định "không đủ căn cứ để xử lý đối với Lê Trọng Đại về tội vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới".

Tại cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu: liên quan đến nội dung giao dịch của ông Đại và ông Dũng là "tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ".

"Mặc dù tôi không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhưng việc tách vụ án (nếu có) để tiếp tục làm rõ, thì không có căn cứ để hội đồng xét xử yêu cầu cơ quan thi hành án buộc tôi phải nộp số tiền nói trên vào tài khoản của cơ quan điều tra. Việc nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm nêu trên không chỉ vượt quá phạm vi xét xử sơ thẩm do Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tách ra, không xem xét hành vi và bản chất giao dịch nói trên trong vụ án này, mà còn không chỉ ra được căn cứ để yêu cầu tôi nộp số tiền trên 116,6 tỉ đồng vào tài khoản của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an", đơn kháng cáo của ông Đại nêu.

Theo đơn kháng cáo, số tiền trên là do ông Dũng vay và trả lại cho ông và đây là giao dịch dân sự. Từ đó, ông Đại kháng cáo yêu cầu hủy bỏ phần nhận định và quyết định liên quan đến số tiền 116,6 tỷ đổng trong bản án sơ thẩm.

Việt Dũng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phuc-tham-vu-an-thuduc-house-cac-bi-cao-xin-giam-nhe-hinh-phat-voi-nhieu-ly-do-d213542.html
Zalo