Phúc thẩm vụ án Cục Đăng kiểm: Viện Kiểm sát đối đáp phần bào chữa của luật sư, bị cáo
Ngày 14/1, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục diễn ra với phần tranh luận giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư bào chữa.
Vụ án này liên quan đến bị cáo Đặng Việt Hà, Trần Kỳ Hình (hai cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) cùng 142 bị cáo khác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Trong quá trình tranh luận, các luật sư đã trình bày rằng nhiều bị cáo tại giai đoạn phúc thẩm đã tích cực, chủ động vận động gia đình nộp lại số tiền hưởng lợi hoặc khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, họ không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS).
Ngoài ra, các luật sư còn lập luận rằng, số tiền hối lộ mà các đăng kiểm viên nhận mỗi lần chỉ là vài trăm nghìn đồng, chưa đủ định lượng để cấu thành tội nhận hối lộ. Đồng thời, họ cho rằng việc vừa áp dụng tình tiết định khung "phạm tội hai lần trở lên" (khoản 2, Điều 354 BLHS) vừa coi đó là tình tiết tăng nặng tại điểm g, khoản 1, Điều 52 BLHS là không phù hợp.
Đối đáp lại, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM (Viện Kiểm sát) cho rằng, đây là vụ án đồng phạm có quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Làm mất niềm tin của người dân và thiệt hại đáng kể về nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo đã có sự thống nhất chủ trương về việc nhận và chia tiền từ các chủ xe. Tại mỗi trung tâm đăng kiểm, tiền thu được sẽ chia cho các cá nhân theo tỷ lệ đã được thỏa thuận từ trước.
Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát bác bỏ quan điểm cho rằng số tiền nhận mỗi lần không đủ để cấu thành tội nhận hối lộ. Đồng thời, Viện Kiểm sát cũng nêu: "Nếu số tiền đó không đủ định lượng, tại sao không có luật sư nào bào chữa theo hướng kêu oan cho các bị cáo?".
Về việc các bị cáo nộp lại số tiền hưởng lợi, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, đây là nghĩa vụ bắt buộc, không phải là tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 51 BLHS. Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá, Viện Kiểm sát đã ghi nhận và áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, Điều 51 BLHS (các tình tiết giảm nhẹ khác) đối với các bị cáo cung cấp chứng cứ chứng minh đã chủ động nộp tiền.
Liên quan đến tình tiết tăng nặng "phạm tội hai lần trở lên", đại diện Viện Kiểm sát cho biết, hầu hết các bị cáo bị truy tố theo khoản 4, Điều 354 BLHS, với định khung liên quan đến số tiền hoặc lợi ích vật chất từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên. Do đó, việc áp dụng tình tiết tăng nặng này là phù hợp với quy định pháp luật.
Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho nhóm bị cáo thuộc các trung tâm đăng kiểm khối D.
Trước đó, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét giảm hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù cho một số bị cáo. Trong đó, hai cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam là bị cáo Trần Kỳ Hình được đề nghị giảm từ 2-3 năm tù; bị cáo Đặng Việt Hà được đề nghị giảm từ 1-2 năm tù.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát cũng đề nghị cho 5 bị cáo được hưởng án treo; rút kháng nghị đối với 5 bị cáo bởi mức án sơ thẩm dành cho họ đã phù hợp với tính chất và hành vi phạm tội.
Tuy nhiên, đối với 13 bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát đề nghị tăng mức hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Theo Viện Kiểm sát, mức án sơ thẩm đối với nhóm bị cáo này chưa đủ nghiêm khắc để phản ánh đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Nhóm bị cáo này bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ, làm giả tài liệu, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước và làm suy yếu hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh rằng, mặc dù có những tình tiết giảm nhẹ, nhưng hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng. Việc lợi dụng chức vụ để trục lợi cá nhân không chỉ gây thiệt hại vật chất mà còn ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người dân vào hệ thống pháp luật.
Viện Kiểm sát cho rằng, đề nghị tăng hình phạt là cần thiết nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời thể hiện sự công bằng trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.