Phục hồi vận động sau chấn thương cột sống bằng y học cổ truyền
Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh vừa điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H, 50 tuổi, phường Thanh Miếu, TP. Việt Trì bị chấn thương cột sống.
Người bệnh bị tai nạn giao thông, chấn thương cột sống, vỡ L1 mất vững, liệt tủy không hoàn toàn, đã được phẫu thuật cố định cột sống bằng nẹp vít qua cuống. Trong suốt 3 tháng sau phẫu thuật, người bệnh không tự đi lại được, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ trợ giúp của người thân. Với mong ước tìm lại vận động, người bệnh được người nhà đưa vào Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng điều trị.
Tại đây, người bệnh được điều trị kết hợp y học cổ truyền và phục hồi chức năng như: Điện châm, điện xung, điều trị bằng laser công suất thấp nội mạch, điều trị bằng Parafin, xoa bóp áp lực hơi, xoa bóp bấm huyệt bằng tay, tập vận động có trợ giúp, thủy châm, ngâm thuốc y học cổ truyền... Sau 3 đợt điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh ổn định, tự đi lại được, sinh hoạt cá nhân chủ động.
BSCKI. Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Lão - Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: “Sau chấn thương cột sống, người bệnh có thể bị giảm hoặc mất vận động chủ động hai chân, bị rối loạn trương lực cơ gây co rút, co cứng, teo cơ hay cứng khớp. Việc phục hồi chức năng vận động là điều cần thiết và rất quan trọng. Can thiệp phục hồi chức năng càng sớm thì khả năng phục hồi vận động càng cao. Tập luyện phục hồi chức năng sau chấn thương có thể tăng cường sự ổn định của khớp, cải thiện sự trao đổi chất và dinh dưỡng của các mô vết thương, đẩy nhanh quá trình cân bằng chuyển hóa năng lượng của cơ thể, ngăn tăng cân và rút ngắn thời gian phục hồi sau chấn thương”.
Thời gian qua, nhờ tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, nhận chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh đã phục hồi chức thành công cho nhiều trường hợp bị cứng khớp, tai biến, đột quỵ, liệt nửa người... giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.