Phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam. Phú Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác hợp lý tiềm năng, lợi thế và tăng cường tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái biển.

Đại diện các đơn vị tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực cửa biển Đà Diễn (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC
Tái tạo nguồn lợi thủy sản
Phú Yên là tỉnh ven biển miền Trung, có nhiều đầm, vịnh, bãi rạn, ghềnh đá san hô, thảm cỏ biển… Hệ động thực vật vùng đất ngập nước và vùng biển ven bờ ở Phú Yên rất đa dạng, phong phú với nhiều loài thủy sản quý, có giá trị kinh tế cao. Khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với sinh kế của cư dân ven biển, cung cấp ngư trường và mặt nước cho hoạt động khai thác, nuôi trồng, là tiềm năng phục vụ du lịch sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Thời gian qua, ngư dân đã phát triển nghề nuôi tôm nước lợ, tôm hùm, cá biển và các loài thủy hải sản khác ở vùng biển ven bờ, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định cho ngư dân ven biển. Tuy nhiên, vùng biển ven bờ trên địa bàn tỉnh đang chịu nhiều áp lực bởi việc khai thác bất hợp lý gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Nhiều khu vực hệ sinh thái biển ven bờ bị phá hủy do các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nuôi, đặc biệt tại các đầm, vịnh đang ở mức báo động.
Theo UBND huyện Tuy An, từ lâu nguồn lợi thủy sản ở đầm Ô Loan là nguồn mưu sinh chính của người dân sinh sống ven đầm. Trước đây, mỗi năm người dân có thể khai thác khoảng 400 tấn thủy sản các loại ở đầm này, đặc biệt là các loài nhuyễn thể được xem là đặc sản của Phú Yên như sò huyết, hàu, điệp... Tuy nhiên, việc người dân tự ý lấn chiếm mặt nước của đầm để nuôi trồng thủy sản và sử dụng một số ngư cụ mang tính hủy diệt để khai thác đã làm nguồn lợi thủy sản ở đầm này bị suy giảm.
Hằng năm, Phú Yên đều tổ chức thả giống ra các vùng nước tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các bãi sinh sản, nơi tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản, với mục tiêu tối thiểu 10% số lượng loài thủy sản trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được phục hồi, tái tạo.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Tri Phương
Ông Lê Văn Hải ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) cho hay: Trước đây, nguồn lợi thủy sản ở đầm Ô Loan rất phong phú và dồi dào, nhiều loài thủy sản là đặc sản có giá trị kinh tế rất cao. Ngư dân ven đầm sử dụng các ngư cụ truyền thống khai thác không bao giờ cạn kiệt, nhiều hộ dân sinh sống và thu nhập chính từ nguồn lợi thủy sản của đầm này. Mấy năm gần đây, người dân rất ủng hộ việc chính quyền địa phương kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm mặt nước, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản ở đầm Ô Loan. Chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, chọn những giống thủy sản đặc hữu của đầm để thả tái tạo nguồn lợi…
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Môi trường), hằng năm tỉnh đều vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, kết hợp với chính quyền địa phương để tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản là hành động đẹp, là hoạt động cần thiết và cũng là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Biển bạc của ta do Nhân dân ta làm chủ”.
"Ngành Thủy sản Phú Yên kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư ven biển nâng cao ý thức trách nhiệm hơn nữa, tích cực tham gia bảo vệ môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản, tăng cường bảo vệ ngư trường. Ngư dân tham gia khai thác thủy sản có trách nhiệm, khai thác đúng thời vụ, đúng kích thước mắt lưới và hướng đến khai thác xa bờ mang tính bền vững, không khai thác đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt, hủy hoại môi trường…", ông Đào Quang Minh nói.

Địa phương ra quân thu giữ và xử lý những ngư cụ đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An). Ảnh: ANH NGỌC
Hình thành khu bảo tồn biển
Vùng biển Phú Yên rất đa dạng sinh học, trong đó phải kể đến các rạn san hô, thảm cỏ biển và một số hệ sinh thái đặc thù ven biển mà lâu nay tỉnh đã và đang nghiên cứu, tổ chức bảo vệ. Hiện Phú Yên triển khai kế hoạch, đưa ra những giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ, bổ sung sinh kế cho cộng đồng ngư dân, thành lập khu bảo vệ biển như bảo vệ bãi đẻ, bãi sinh trưởng, rạn san hô, cỏ biển… Mục tiêu của tỉnh là tăng cường bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển thủy sản bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, năm nay địa phương rất vui mừng được Sở Nông nghiệp và Môi trường chọn khu vực cửa biển Đà Diễn để thả hơn 1 triệu con tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
“Thời gian qua, TP Tuy Hòa triển khai quyết liệt và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng ngư cụ cấm như xung điện, lưới giã cào… để khai thác thủy sản. Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn tàu cá “ba không” tham gia khai thác thủy hải sản. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân tham gia bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tham gia khai thác có trách nhiệm, không khai thác bất hợp pháp”, ông Nguyễn Quốc Thắng đưa ra giải pháp.
Thời gian qua, Phú Yên có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo tồn thiên nhiên, nhất là bảo vệ nguồn lợi ven bờ. Ngoài nỗ lực của cộng đồng dân cư và từng người dân, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó có việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư để cùng nhau gìn giữ, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tái tạo nguồn lợi là một trong những nội dung rất quan trọng trong quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Phú Yên đã triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản. Một trong những hoạt động quan trọng đó là tỉnh đang tổ chức điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm; đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản ven bờ và vùng lộng; đồng thời nắm bắt thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản ven bờ tại các địa phương ven biển.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết thêm, Phú Yên cũng đang hình thành một số khu bảo tồn biển, thực hiện đồng quản lý các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và tổ chức quản lý vùng cấm khai thác trên địa bàn. Tỉnh thường xuyên thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, phục hồi một số hệ sinh thái biển như cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan và các đảo. Phú Yên cũng hướng tới thả rạn nhân tạo, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản ở một số khu vực có điều kiện thuận lợi.