Phục dựng không gian làng quê xưa qua những mô hình mi-ni

Từ những nguyên liệu xi măng, cát, sắt, thép... qua đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, anh Nguyễn Thế Tuyền, xã Xuân Thành (Xuân Trường) đã thực hiện được niềm đam mê phục dựng không gian làng quê xưa qua những mô hình mi-ni.

Sinh ra ở vùng quê thuần nông nên ngay từ khi còn nhỏ trong tâm trí anh Tuyền đã in đậm hình ảnh cây đa, giếng nước, sân đình... Do điều kiện kinh tế gia đình, anh đã bươn trải qua nhiều công việc như cắt tóc, trồng hoa, cây cảnh... Năm 2022, tình cờ trong một lần xem lại những bức ảnh về ngôi nhà cũ của ông bà nội, anh nảy ra ý tưởng muốn mô phỏng lại bằng mô hình mi-ni để lưu giữ lại hình ảnh về ngôi nhà gắn với tuổi thơ. Cùng với sự giúp đỡ, tư vấn của ông ngoại là kiến trúc sư, anh mày mò, nghiên cứu, lên ý tưởng, chia tỷ lệ để thiết kế mô hình. Sản phẩm đầu tay của anh là dùng toàn bộ nhựa fomex để thiết kế ra các chi tiết của ngôi nhà, sân vườn, giếng nước, hàng rào... Do chưa có kinh nghiệm trong thiết kế, anh tìm hiểu thêm trên mạng xã hội, học hỏi những người thợ xây dựng xung quanh để hiểu hơn về cách chia tỷ lệ phù hợp giữa các chi tiết, nghiên cứu chất liệu phù hợp hơn. Sau 3 tháng nghiên cứu, mô hình mô phỏng ngôi nhà cũ của ông bà nội anh Tuyền thành hình, cũng là lúc anh nhận ra mình đam mê với những mô hình nhà cổ mi-ni này. Anh tiếp tục nghiên cứu thiết kế các mô hình mô phỏng mẫu nhà phổ biến những năm 80 trên các vùng miền ở Việt Nam, đặc biệt là vùng Bắc Bộ với nhà 3 gian 2 trái, giếng nước, bếp, mái ngói đỏ, cấu trúc cột chèo, sân vườn rộng, hàng rào... Những mô hình đầu anh thiết kế theo kích thước trung bình 68cmx48cm, chủ yếu dùng nhựa fomex.

Anh Nguyễn Thế Tuyền, xã Xuân Thành (Xuân Trường) với những mô hình phục dựng không gian làng quê xưa.

Anh Nguyễn Thế Tuyền, xã Xuân Thành (Xuân Trường) với những mô hình phục dựng không gian làng quê xưa.

Khi đăng các sản phẩm đầu tay lên facebook, zalo, anh nhận được sự quan tâm của bạn bè và nhiều người dùng mạng xã hội về sản phẩm của mình. Anh bắt đầu nhận các đơn hàng đầu tiên. Bên cạnh các khách hàng quan tâm các mẫu nhà cổ truyền thống, nhiều khách hàng còn yêu cầu phục dựng lại những ngôi nhà cũ của họ dựa trên hình ảnh, tư liệu để làm kỷ niệm. Từ những yêu cầu của khách hàng, anh Tuyền có cơ hội được thiết kế nhiều mẫu nhà cổ khác nhau. Anh nghiên cứu thêm các chất liệu khác để những ngôi nhà mi-ni có độ bền cao, có tính chân thực hơn như: cát, xi măng, sơn, sắt, thép, gỗ... Trước mỗi yêu cầu của khách hàng, anh dành thời gian nghiên cứu kiến trúc của ngôi nhà thông qua tài liệu, hình ảnh khách hàng cung cấp; khảo sát thực tế hiện trạng ngôi nhà thật nếu còn; chia sẻ, trò chuyện với khách hàng để hiểu về ngôi nhà chi tiết hơn.

Để thiết kế các mô hình, những người thợ cũng phải qua các công đoạn như: lên bản vẽ chi tiết, tính tỷ lệ của mô hình so với tỷ lệ ngôi nhà thật, làm móng, chia tỷ lệ công năng sử dụng của ngôi nhà, sau đó xây từng viên gạch, úp từng viên ngói, trát xi măng, sơn tường, lắp nội thất và các vật dụng trong ngôi nhà... Hiện nay, các mô hình anh thường thiết kế trên diện tích 1mx1,2m; tỷ lệ 1/24 so với tỷ lệ ngôi nhà thật. Đây là kích thước phù hợp để chia tỷ lệ các khuôn viên, công năng sử dụng trong ngôi nhà và lắp được nội thất, tiểu cảnh. Anh Tuyền chia sẻ, việc xây dựng ngôi nhà mi-ni có những nét tương đồng nhưng cũng có phần khó hơn so với xây nhà ở, cần phải tập trung cao độ và thật tỉ mỉ vì các chi tiết tiểu cảnh rất nhỏ, phải làm hoàn toàn thủ công từng chi tiết, việc hoàn thiện cần nhiều thời gian, công sức. Thời gian đầu anh cũng gặp nhiều khó khăn khi làm các chi tiết của ngôi nhà, nhiều lần phải bỏ đi các sản phẩm không đạt chất lượng về chất liệu, tỷ lệ; các mô hình mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Sau một thời gian vừa làm vừa tự nghiên cứu, học hỏi, mày mò, anh có nhiều kinh nghiệm hơn khi nhận các yêu cầu của khách hàng. Các mô hình nhà cổ của anh dần có tính chân thực hơn, màu sắc, chất liệu tương đương với ngôi nhà thật, được khách hàng yêu thích.

Sau gần 4 năm “bén duyên” với nghề phục dựng những ngôi nhà cổ mi-ni, từ lúc chỉ có một mình tự học hỏi, nghiên cứu, mày mò, thiết kế, đến nay xưởng sản xuất của anh Tuyền có hơn 10 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 8-10 triệu đồng/người/tháng. Đa phần những người thợ khi bắt đầu đều chưa từng có kinh nghiệm với các sản phẩm mi-ni thủ công, nhưng anh Tuyền đều hướng dẫn tỉ mỉ, chi tiết để mọi người nắm bắt được công việc. Bên cạnh đó, để tăng sản lượng, ngoài các chi tiết phải thực hiện hoàn toàn thủ công, anh còn đầu tư thêm một số máy móc để sản xuất các chi tiết với màu sắc sắc nét, chân thật hơn. Hiện, xưởng của anh Tuyền ngoài sản xuất các mẫu nhà cổ mi-ni truyền thống với giá trung bình từ 5-8 triệu đồng/mô hình, anh còn nhận các đơn hàng phục dựng nhà cổ, các di tích lịch sử - văn hóa có mức giá từ 10 triệu đồng trở lên. Mỗi tháng, trung bình xưởng của anh sản xuất khoảng 10 sản phẩm; các sản phẩm được vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Anh Tuyền chia sẻ thêm, mỗi ngôi nhà gắn với câu chuyện, kỷ niệm của từng khách hàng, vì vậy mỗi một sản phẩm mang lại cho anh những cảm xúc và kỷ niệm khác nhau khi thực hiện. Anh Tuyền cho biết, anh nhớ nhất sản phẩm có kích thước lớn nhất anh từng thực hiện là mẫu làng quê Bắc Bộ xưa do khách hàng yêu cầu với kích thước 2m x 2m; sử dụng các chất liệu bê tông, sắt, thép, gạch ngói, xi măng, đất nung... Sản phẩm được hoàn thành trong 1 tháng, khách hàng rất hài lòng vì độ chân thực, nét hoài cổ phảng phất trong từng chi tiết. Bên cạnh đó, anh Tuyền cũng chia sẻ về đơn hàng có số lượng nhiều nhất là mẫu nhà sàn Bác Hồ. Để mang lại sự gần gũi, chân thật, ngoài các chất liệu cơ bản, anh sử dụng gỗ dổi để thiết kế sản phẩm, có độ chân thật như ngôi nhà sàn Bác từng ở.

“Tôi có một tình yêu mãnh liệt và lòng trân trọng đối với kiến trúc truyền thống của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng với nét đặc trưng từ lối xây dựng cổ kính, chất liệu độc đáo, rất hài hòa với thiên nhiên. Những ngôi nhà còn lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ mà sau này có thể không có được”. Anh Tuyền chia sẻ. Thời gian tới, anh dự định sẽ thiết kế những mô hình mô phỏng các Khu Di tích lịch sử - văn hóa trên cả nước để lưu giữ những nét cổ kính, xưa cũ của từng công trình trước khi được trùng tu, nâng cấp. Những việc anh Tuyền đang làm không chỉ giúp anh có kinh tế ổn định mà còn lan tỏa tình yêu với quê hương, đất nước, trân trọng, lưu giữ những kỉ niệm xưa cũ đến thế hệ trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202411/phuc-dung-khong-gian-lang-que-xua-qua-nhung-mo-hinh-mi-ni-a0c148b/
Zalo