Phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên- thổi hồn sức sống di sản Hoàng Thành Thăng Long

Trong kỳ họp thứ 46 diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, UNESCO đã chính thức thông qua đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Ðây là minh chứng khẳng định hướng đi đúng đắn của Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung trong bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản này.

Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Sự đồng thuận của UNESCO mở ra một giai đoạn mới trong phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, với điểm nhấn là hạ giải một số hạng mục công trình để tiến tới phục dựng không gian Ðiện Kính Thiên.

Khẳng định giá trị của một di sản hiếm có

Hiếm có di sản nào mà những giá trị còn ẩn giấu thậm chí còn lớn hơn cả những giá trị đã biết như Hoàng thành Thăng Long. Bởi thế, nhiệm vụ vừa nghiên cứu, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị của khu di sản văn hóa thế giới này là hết sức đặc biệt.

Hoàng thành Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ

Hoàng thành Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ

Theo các tài liệu lịch sử, Hoàng thành Thăng Long không chỉ là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ. Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Đây là Hoàng cung của nhiều triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc, Lê Trung Hưng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, sau khi đánh bại quân Minh và buộc chúng phải rút về nước vào năm 1427, đến ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, ban bố đại xá thiên hạ.

Ngày 15 tháng Tám năm Đinh Hợi, niên hiệu Quang Thuận thứ 8 (1467) vua Lê Thánh Tông cho dựng lan can bằng đá ở điện Kính Thiên. PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nhận định: “Điện Kính Thiên thời Lê là công trình quan trọng nhất của kinh đô Thăng Long cả về quy hoạch kinh đô lẫn kiến trúc, nghệ thuật và tâm linh”.

Năm 1816, trước tình hình điện Kính Thiên bị xuống cấp, vua Gia Long đã cho hạ giải tòa điện Kính Thiên xuống, sau đó cho dựng cung Long Thiên trên nền điện Kính Thiên do nhà Lê xây dựng trước đó. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, TP Hà Nội đã phối hợp các cơ quan thực hiện nghiêm túc 8 cam kết của Chính phủ với UNESCO, thực hiện nghiên cứu khoa học, bảo tồn sự an toàn của di sản, các giải pháp phát huy giá trị... Những cuộc khai quật giúp các nhà khoa học không chỉ khẳng định đây là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ.

Các nhà khoa học khẳng định, bảo tồn di sản không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích - di vật và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, chuyên gia quốc tế và Việt Nam… Những vấn đề về phát huy giá trị di sản, nghiên cứu xây dựng bảo tàng tại chỗ và đưa giáo dục di sản trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế tiếp. Cùng với việc Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO thông qua mở ra việc khơi thông trục Hoàng đạo, tiến tới khôi phục không gian và chính điện Kính Thiên - vốn được nhiều chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo trong những năm gần đây.

Điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816 vua Gia Long cho xây dựng cung điện mới ngay tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay chính là thềm bậc đá chạm rồng.

Từ năm 2011 đến nay, đã có hàng chục cuộc khai quật khảo cổ diễn ra xung quanh Điện Kính Thiên, đã cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học tin cậy cho việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ, đặc biệt là tòa chính Điện Kính Thiên. Dựa trên các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, Viện Nghiên cứu Kinh thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã từng bước nghiên cứu giải mã hệ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, mặt bằng nền móng và đã phục dựng 3D hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long.

Các nhà khảo cổ học đã tìm ra những tư liệu tin cậy và xác thực chứng minh rằng kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng. Bộ mái của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ là công trình “nghệ thuật mái nhà” đặc sắc. Đây là chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.

Các lớp kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử phong kiến Việt Nam được khai quật tại Hoàng Thành

Các lớp kiến trúc của nhiều thời kỳ lịch sử phong kiến Việt Nam được khai quật tại Hoàng Thành

Phục dựng để duy trì sức sống của di sản

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khẳng định, dự án bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long và phục hồi điện Kính Thiên được UNESCO đánh giá cao vì đi đúng xu thế bảo tồn di sản văn hóa của UNESCO, được nêu rõ trong những văn bản hướng dẫn thực hiện công ước năm 1972.

“Dự án phục hồi chính điện Kính Thiên phải trả lời được câu hỏi tại sao cần hạ giải tòa nhà Cục tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu của QĐNDVN trong kháng chiến chống Mỹ). Chúng ta không hạ giải bằng cách đập phá, tháo gỡ bình thường mà đã nghiên cứu, theo dữ liệu khoa học trước và trong quá trình hạ giải theo nguyên tắc, yêu cầu đã đặt ra”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Tuy nhiên, công tác phục dựng không thể nặng về phỏng đoán mà cần nghiên cứu cẩn thận và hệ thống hóa một cách khoa học các tư liệu lịch sử. Kết quả phục dựng điện Kính Thiên phải hướng tới làm rõ công năng, thổi hồn cho di sản. “Kết quả khảo cổ và các di vật lịch sử chỉ cho phép ta mường tượng về lớp vỏ kiến trúc. Nội thất, công năng của công trình và những bản chất sinh hoạt cung đình, hoàng gia, lễ hội truyền thống,… cần được tìm hiểu kỹ. Nghiên cứu những di sản phi vật thể đó mới giúp chúng ta có một công trình phục hồi ý nghĩa”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói.

Hướng tới phục dựng điện Kính Thiên

Hướng tới phục dựng điện Kính Thiên

Ông Đặng Văn Bài đề xuất diễn giải di sản văn hóa, kết hợp truyền thông bằng công nghệ hiện đại. Ý tưởng về bảo tàng hoàng cung cũng được đề cập, góp phần thể hiện cả danh sách tư liệu vật thể, phi vật thể.

Sau khi phục dựng điện Kính Thiên, du khách đến Hoàng thành Thăng Long có cơ hội hình dung về quần thể kiến trúc của trung tâm quyền lực trải qua nhiều triều đại, hiểu thêm về lịch sử. Bởi thế, các phế tích kiến trúc càng cần sự diễn giải, kết hợp trưng bày bổ sung để duy trì giá trị, thổi hồn sức sống của di sản./.

An An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phuc-dung-khong-gian-ien-kinh-thien-thoi-hon-suc-song-di-san-hoang-thanh-thang-long-20241003105440559.htm
Zalo