Phục dựng di ảnh liệt sĩ

Với niềm đam mê và sự tận tâm, Lê Văn Phúc (sinh năm 1989 ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cùng nhóm 'Màu hoa đỏ' không chỉ phục dựng hơn 7.000 ảnh chân dung liệt sĩ đã phai mờ theo thời gian, mà còn trao gửi yêu thương, tri ân tới các gia đình liệt sĩ.

Cơ duyên đưa Lê Văn Phúc đến với việc phục dựng ảnh liệt sĩ từ chính câu chuyện ở gia đình anh. “Gia đình tôi có bác là liệt sĩ nhưng không có bức ảnh nào để thờ, thậm chí đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt của bác. Tôi nghĩ chắc nhiều gia đình cũng trong hoàn cảnh tương tự. Từ đó tôi nhận phục dựng di ảnh liệt sĩ và muốn góp một chút công sức cho xã hội nói chung, gia đình, thân nhân liệt sĩ nói riêng”, anh Phúc chia sẻ.

Bước đầu tiên của quy trình phục chế ảnh là xóa vết mốc, ố, bụi trên ảnh rồi sử dụng máy quét cho ra ảnh kỹ thuật số, dùng các phần mềm đồ họa vẽ lại những chi tiết bị mất, bị mờ; cuối cùng là hoàn thiện mầu sắc, căn chỉnh từng chi tiết. Cái khó của công việc này là nhiều bức theo thời gian không nhận diện chân dung liệt sĩ; nhiều bức là ảnh vẽ truyền thần, không phải ảnh chụp bằng phim nên khó phục chế hơn. Có những bức Phúc và các cộng sự phải cảm nhận, liên tưởng để hình dung ra khuôn mặt các liệt sĩ, đôi khi còn phải dựa vào mô tả và khuôn mặt của người thân để dựng lại khuôn mặt người đã khuất.

Đối với những bức ảnh có chất lượng tốt thì chỉ cần vài giờ là người phục chế có thể hoàn thành việc phục dựng, song có bức phải làm đi làm lại nhiều lần mới xong. Điều anh Phúc chú trọng nhất là phải giống nguyên bản, quân phục phải chuẩn với từng thời kỳ từ mầu sắc, quân hàm… đến cầu vai. Đây cũng là khó khăn anh gặp phải trong quá trình phục dựng di ảnh. Vì thế, anh luôn chịu khó tham khảo tài liệu, đến các bảo tàng, gặp nhà nghiên cứu để tìm hiểu, tìm cách phục chế chính xác quân phục của liệt sĩ theo từng thời kỳ. Chính sự tỉ mỉ đó khiến chất lượng ảnh phục dựng của anh được người trong giới đánh giá cao. Năm 2024, khi Thành đoàn Hà Nội phát động dự án Phục dựng ảnh liệt sĩ trao tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn thành phố, anh Phúc đã tham gia với vai trò Trưởng nhóm tình nguyện viên và người đồng sáng lập nhóm “Màu hoa đỏ” (nhóm dự án đưa công nghệ AI để hỗ trợ phục dựng ảnh của Thành đoàn Hà Nội). Từ đó, công việc ý nghĩa này bắt đầu sang một giai đoạn mới...

Tới nay, anh Phúc và nhóm “Màu hoa đỏ” đã phục dựng và trao gần 200 di ảnh liệt sĩ cho các gia đình trên địa bàn thành phố. Anh cũng hướng dẫn hàng trăm đoàn viên, thanh niên về công nghệ chỉnh ảnh, sử dụng AI phục vụ cho dự án. Đối với anh và các bạn đoàn viên, đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện cảm động. Trong đó, kỷ niệm về dự án phục dựng ảnh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma và trao tận tay cho các gia đình đã để lại những cảm xúc đặc biệt. Lê Văn Phúc kể: “Nhóm dự án đã đến với gia đình liệt sĩ Trần Văn Phòng (quê Thái Bình). Khi nghe tin nhóm mang ảnh con đến, mẹ của liệt sĩ đã đợi từ lâu, bà xúc động nói: “Họ đã mang con trai về bên mẹ, trẻ trung, đẹp đẽ như ngày con tạm biệt mẹ lên đường làm nhiệm vụ”. Một kỷ niệm khác mà anh không thể quên là hình ảnh cô Mai Thị Đào, em gái liệt sĩ Mai Văn Tuyến (quê Thái Bình) ôm di ảnh anh trai và bật khóc, tất cả những người anh, em trong gia đình đều rưng rưng nước mắt... Những khoảnh khắc đó đã ghi sâu vào tâm trí khiến anh có thêm động lực, hứng thú với công việc “đi tìm lại chân dung đã bị thời gian xóa nhòa”. Với hành trình bền bỉ mang những bức ảnh chạm tới trái tim trao tặng các gia đình, tháng 3/2025, Lê Văn Phúc đã được vinh danh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024.

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phuc-dung-di-anh-liet-si-post876069.html
Zalo