Phù Yên phát triển các sản phẩm OCOP
Triển khai chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' OCOP, đến nay, huyện Phù Yên đã xây dựng 24 sản phẩm được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên. Những sản phẩm đặc trưng của địa phương sau khi được công nhận đã nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho người dân.
Trao đổi về phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện,bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phù Yên, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo phòng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của từng địa bàn. Trên cơ sở đó, đánh giá các sản phẩm có khả năng phát triển thành sản phẩm OCOP để triển khai hỗ trợ các hộ sản xuất và các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến đối với sản phẩm OCOP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.

Điểm du lịch di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù trên nền tảng số được công nhận sản phẩm OCOP năm 2024.
UBND huyện đã phân bổ khoảng 500 - 700 triệu đồng/năm để hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Năm 2024, huyện phân bổ trên 560 triệu đồng để phát triển 8 sản phẩm OCOP, gồm: Bưởi da xanh của HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh; trà túi lọc Minh Ngọc của HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Sơn La; cao nước an xoa của HTX Uyên Thuận; điểm du lịch di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù trên nền tảng số…Các HTX, các chủ thể đăng ký nhãn hiệu bao bì cho sản phẩm, cấp mã số, mã vạch tem truy xuất nguồn; hỗ trợ chi phí tư vấn cho các chủ thể sản phẩm việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng; hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP... Đến nay, huyện có 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của 14 HTX, 1 tổ hợp tác và 3 hộ kinh doanh trên địa bàn, gồm 22 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Thịnh chăm sóc cây bưởi da xanh.
Cây quýt ngọt của Hợp tác xã trồng cây ăn Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, được áp dụng trình sản xuất VietGAP từ năm 2019, đến nay quả quýt của HTX nhận được sự đánh giá cao về chất lượng của các đối tác và khách hàng. HTX đã xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc HTX cho biết: Năm 2020, quả quýt ngọt của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX có 10 ha cây quýt ngọt, sản lượng đạt 80 tấn quả/vụ, chưa đủ để cung cấp cho các bạn hàng truyền thống. Chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng quýt ngọt theo hướng sản xuất hữu cơ, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, thương hiệu và giá trị của quả quýt ngọt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh.

Khách hàng tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Phù Yên.
Quảng bá các sản phẩm OCOP, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường; Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện kết nối, hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh tổ chức. Đẩy mạnh việc cung cấp và bán các sản phẩm OCOP tại điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm trên địa bàn huyện; đưa vào điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các điểm trung tâm giới thiệu quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.Bên cạnh đó, huyện còn hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị chủ thể đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, như Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn, tiki.vn; Voso.vn, Posmart... Hiện nay, toàn bộ các sản phẩm OCOP của huyện đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử và cổng thông tin điện tử do Sở Công Thương quản lý, các trang website của chương trình OCOP của tỉnh và trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể bán hàng tương tác trực tiếp các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương qua các hình thức, như Livestream bán hàng trên nền tảng TikTok, Shoppee live…

HTX nông sản sạch Hoa Ban, xã Mường Cơi kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi đóng gói.
Anh Đặng Ngọc Trung, Giám đốc HTX đồ gỗ Gia đình On, thị trấn Quang Huy, chia sẻ: Từ năm 2022, HTX đã đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như Portmart, Shopee… để quảng bá sản phẩm của HTX với khả năng cách nhiệt tốt, quá trình hấp sấy khóa kín mạch gỗ ngăn nấm mốc, không sử dụng sơn phủ, tẩy màu, tạo độ an toàn hơn cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá thuận lợi. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở huyện Phù Yên đã và đang khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, thúc đẩy xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.