'Phủ xanh' Nam Tây Nguyên bằng thông tin chính thống, tích cực (Bài 1)
Với 47 dân tộc anh em chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 26%, điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với Lâm Đồng trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước tình hình đó, tỉnh kết hợp chặt chẽ giữa 'xây' với 'chống', chú trọng chia sẻ thông tin chính thống, 'phủ xanh' mạng xã hội lẫn đời sống hàng ngày bằng thông tin tích cực để lan tỏa những câu chuyện đẹp. Thông qua đó, dựng xây và vun đắp vững vàng niềm tin của Nhân dân vào đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước.
Bài 1: Xây dựng thế trận lòng dân vững chắc
Trước nhiều thách thức khi các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, Lâm Đồng xác định việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín; cũng như chăm lo nâng cao đời sống vật chất - tinh thần cho bà con đồng bào DTTS là vấn đề mấu chốt trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đội ngũ người có uy tín là cầu nối vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Nhật Quỳnh
• NHỊP CẦU VỮNG CHẮC NỐI Ý ĐẢNG - LÒNG DÂN
Tại thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, ông Đăng Bi Brol được nhắc đến nhiều khi những năm qua, ông đã góp phần mạnh mẽ vào việc xóa bỏ các hủ tục, đặc biệt là tục tảo hôn và thách cưới tại địa phương. Thôn Duệ là một trong 2 thôn đồng bào DTTS của xã Đinh Lạc. Ông Bi Brol nói rằng, những phong tục, tập quán đã hình thành từ lâu đời, ăn sâu vào cuộc sống trong mỗi nếp nhà người K’Ho nơi đây. Cho nên, việc xóa bỏ các hủ tục không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được. Vậy mà qua bao mùa nương rẫy, với những vai trò như dân quân cơ động, xã đội phó, trưởng thôn..., ông Bi Brol đã kiên định, bền bỉ vận động, tuyên truyền, thuyết phục bà con trong dòng họ, trong thôn, xã để dần xóa bỏ hủ tục tảo hôn, thách cưới ra khỏi đời sống cộng đồng.
Để làm được điều đó, ông Bi Brol đi đầu làm gương ngay từ gia đình mình. 4 cậu con trai của ông - dù theo chế độ mẫu hệ - nhưng khi lập gia đình đều không thách cưới, hoặc thách cưới mang tính tượng trưng. Ông thể hiện thái độ phản đối đối với việc tảo hôn bằng cách không tham dự các tiệc cưới của con cháu trong dòng họ khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Sự kiên định của ông dần tác động vào những người xung quanh. Đến nay, tình trạng tảo hôn, thách cưới ở thôn Duệ đã giảm đi đáng kể.Còn tại buôn Con Ó, Thôn 8, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Huoai, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn K’Túc lại được biết đến là người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng, cũng như vận động bà con Nhân dân dân tộc Mạ nơi đây thay đổi thói quen canh tác. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2011, khi UBND huyện Đạ Tẻh (cũ) triển khai dự án cấp đất, hỗ trợ người dân buôn Con Ó trồng cây cao su tập trung. Chính quyền địa phương hỗ trợ hết sức, nhưng bà con thì “hờ hững” với loại cây trồng mới này, bởi bao năm chỉ quen với việc trồng cà phê và khai thác lâm sản phụ.
Trước tình trạng đó, bản thân Trưởng thôn K’Túc đã đi đầu làm gương, chăm sóc cây cao su đúng kỹ thuật được hướng dẫn. Đồng thời thành lập các tổ, kiên trì tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa của dự án và chăm lo thực hiện. Nhờ đó mà dự án được triển khai hiệu quả, bà con đã chịu khó làm cỏ, bón phân, xịt thuốc trừ sâu bệnh trên cây cao su theo hướng dẫn. Hiện, cây cao su mang lại cho bà con buôn Con Ó từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Có thu nhập ổn định, đời sống của người dân nơi đây từng bước được cải thiện từ vật chất đến tinh thần. Ông K’Túc chia sẻ: “Bản thân mình là đảng viên nên trong mọi việc phải luôn gương mẫu, cũng phải làm sao để bà con hiểu được chính sách của Đảng và Nhà nước là để chăm lo, mang lại lợi ích cho chính người dân”.
Câu chuyện của ông Bi Brol hay ông K’Túc chỉ là 2 trong vô vàn những câu chuyện đẹp về những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS mà bao năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, ghi nhận, trân trọng tuyên dương và tuyên truyền để lan tỏa trong cộng đồng. Đâu đâu trên vùng đất Nam Tây Nguyên, cũng có thể được giới thiệu, lắng nghe câu chuyện về những người con dân tộc K’Ho, Mạ, Churu, Tày, Nùng,... chăm lo phát triển kinh tế, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp sức xây dựng nông thôn mới... Những câu chuyện của họ cũng chính là cơ sở để bà con 47 dân tộc anh em đang chung sống trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xây đắp nên khối đại đoàn kết dân tộc, vững vàng xây dựng quê hương.
Đồng chí Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ: “Với 449 người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS toàn tỉnh, những năm qua, thông qua việc phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và vùng có đạo mà chính quyền các địa phương đã được hỗ trợ rất nhiều trong việc phối hợp tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với bà con. Nhờ đó mà bà con thêm vững niềm tin vào Đảng và Bác Hồ; hiểu rõ hơn quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước; không nghe theo, tin theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu để chống phá Đảng và Nhà nước”.

Ông Đăng Bi Brol (giữa) được xem là cầu nối vững chắc giữa ý Đảng - lòng dân trong vùng đồng bào DTTS tại xã Đinh Lạc, huyện Di Linh
• QUAN TÂM CHĂM LO VÙNG ĐỒNG BÀO DTTS
Đồng chí Trần Trung Hiếu - nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, hiện là Bí thư Huyện ủy Đức Trọng, khẳng định: “Có thể thấy rằng, giải pháp chung nhất và cũng khó thực hiện nhất trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vùng đồng bào DTTS là làm sao nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con Nhân dân, thể hiện rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào”.
Hiện, tỉnh Lâm Đồng có 78/137 đơn vị hành chính cấp xã là vùng DTTS. Địa phương xác định việc triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 gồm: Xây dựng Nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với Nhân dân trong tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng vốn bố trí cho các chương trình MTQG là trên 1.627 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Dơ Woang Ya Gương chia sẻ: “Với 10 dự án và các tiểu dự án liên quan đến những vấn đề cấp thiết của người dân, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và Nhà nước đến bà con Nhân dân. Từ đó cân bằng quá trình phát triển, không xảy ra sự xung đột giữa DTTS và dân tộc đa số”. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS vượt mốc 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%; hộ cận nghèo còn 3,56%. Dự kiến đến cuối năm 2025, 100% xã và 50% thôn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thoát ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong vùng đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ người DTTS không ngừng nâng lên cả về số lượng và chất lượng, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Việc thực hiện tốt công tác dân tộc đã góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của Nhà nước.
Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện tốt công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân thực hiện tốt đường lối, mục tiêu phát triển đất nước và chính sách đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới để người dân vùng DTTS nhận diện được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, truyền bá tư tưởng ly khai, tự trị dân tộc... Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự. Giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo mới và tà đạo vùng DTTS, không để kẻ địch và các thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.