Phụ tùng thay thế giúp F-16 Ukraine 'bay cao'

Ngày 8/4, Thủ tướng Bỉ Bart De Wever đến Kiev và tuyên bố sẽ viện trợ 1 tỷ euro cho Ukraine trong năm 2025, cam kết duy trì khoản hỗ trợ này mỗi năm cho đến hết nhiệm kỳ.

Điểm nhấn trong gói viện trợ lần này là việc Bỉ sẽ chuyển giao 4 tiêm kích F-16 cho Ukraine. Trong số này, 2 chiếc sẽ được dùng làm nguồn cung phụ tùng từ năm 2025, còn 2 chiếc khác sẽ được bàn giao trong tình trạng hoạt động đầy đủ vào năm 2026.

Bỉ có kế hoạch cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine vào năm 2026. (Nguồn: X/Conflict Dispatch)

Bỉ có kế hoạch cung cấp máy bay F-16 cho Ukraine vào năm 2026. (Nguồn: X/Conflict Dispatch)

Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình Ukraine chuyển đổi lực lượng không quân từ các máy bay chiến đấu thời Liên Xô như MiG-29 và Su-27 sang F-16, dòng chiến đấu cơ chủ lực của NATO từ cuối thập niên 1970. Tuy nhiên, để F-16 hoạt động ổn định trong môi trường chiến sự khốc liệt, việc bảo trì và thay thế linh kiện là yếu tố then chốt.

Hai chiếc F-16 dùng làm "ngân hàng phụ tùng" sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Một chiếc F-16 có thể cung cấp hàng chục bộ phận thiết yếu như động cơ, radar, buồng lái và các hệ thống điện tử tinh vi, tất cả đều giúp duy trì hoạt động cho các máy bay khác trong đội hình.

Dù không hiện đại như F-35 của Mỹ hay Su-57 của Nga, F-16 vẫn là một cỗ máy chiến đấu đáng gờm. Khi được trang bị tên lửa chống radar HARM hoặc bom thông minh JDAM, F-16 có thể tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất và hỗ trợ hỏa lực hiệu quả cho lực lượng Ukraine.

Trong chiến dịch phản công năm 2023, việc thiếu máy bay yểm trợ là một trong những điểm yếu lớn của Ukraine. Sự xuất hiện của F-16, dù chỉ với số lượng ban đầu hạn chế, có thể tạo ra khác biệt đáng kể trong xung đột nếu được sử dụng hiệu quả.

Việc bàn giao hai chiếc F-16 có thể hoạt động bị trì hoãn đến năm 2026, chậm hơn so với cam kết ban đầu của Bỉ. Nguyên nhân là do quá trình thay thế đội F-16 hiện tại của Bỉ bằng F-35 gặp trục trặc kỹ thuật và chậm tiến độ từ phía nhà sản xuất Lockheed Martin.

Chính phủ Bỉ cũng khẳng định sẽ chỉ bàn giao máy bay sau khi đảm bảo hệ thống phòng không trong nước được củng cố đầy đủ. Dù không phải là một cường quốc quân sự, với dân số khoảng 11 triệu người và ngân sách quốc phòng năm 2024 vào khoảng 6,9 tỷ euro, khoản viện trợ 1 tỷ euro mỗi năm vẫn là một gánh nặng đáng kể đối với Bỉ.

Hà Lan đã cam kết viện trợ 24 chiếc F-16, Đan Mạch là 19 chiếc, Na Uy cũng tham gia đóng góp. Mục tiêu chung là xây dựng một phi đội khoảng 80–100 chiếc F-16 cho Ukraine, con số mà Tổng thống Zelensky cho là tối thiểu để đối đầu với sức mạnh không quân Nga.

Một phần trong gói viện trợ của Bỉ cũng có thể được sử dụng để mua vũ khí từ các công ty quốc phòng trong nước như FN Herstal (nổi tiếng với súng trường SCAR) hay CMI Defence (chuyên sản xuất pháo và tháp pháo), qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng nội địa.

Ngoài máy bay, Ukraine còn cần đầu tư mạnh vào đào tạo. Việc vận hành F-16 với buồng lái kỹ thuật số và hệ thống điện tử hiện đại, là một bước chuyển lớn so với các máy bay thời Liên Xô, đòi hỏi đội ngũ phi công và kỹ thuật viên phải trải qua nhiều tháng huấn luyện bài bản.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phu-tung-thay-the-giup-f-16-ukraine-bay-cao-169250409104339121.htm
Zalo