Phú Thọ: Tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại những tháng cuối năm
Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tăng cường nhất là trong những tháng cuối năm 2024.
Thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, nhà sản xuất.
Vì thế, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ đã chủ động quản lý, bám nắm địa bàn thường xuyên, liên tục nhằm theo dõi diễn biến thị trường, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn vi phạm, thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được phân công.
Trên thực tế, các lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vận chuyển, kinh doanh hàng hóa là hàng giả, hàng lậu và các hành vi gian lận thương mại... Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ - thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra 649 vụ việc, xử lý 425 vụ việc vi phạm; tổng số thu nộp ngân sách nhà nước trên 2,1 tỷ đồng (tăng 12 % so với cùng kỳ năm 2023); trị giá hàng hóa bị tịch thu trên 230 triệu đồng; trị giá hàng hóa vi phạm buộc tiêu hủy trên 500 triệu đồng.
Theo ông Lê Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, dự báo những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ gia tăng; hoạt động thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng phát triển, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm... Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, của tỉnh về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Theo đó, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng khác như vàng, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, đồ trang sức mỹ nghệ, đồ điện tử, điện lạnh, phân bón... để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành khi cần thiết để kiểm tra, xử lý các vụ việc phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực hoặc các mặt hàng, địa bàn nổi cộm, có tính thời sự, được dư luận quan tâm, đặc biệt là hành vi lợi dụng tình hình mưa lũ, ngập lụt do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão như hiện nay để găm hàng, tăng giá đột biến, trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là đối với hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân... vào thị trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông và thông qua hoạt động kiểm tra làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trái phép mặt hàng vàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện niêm yết giá và bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá niêm yết, dán cam kết tại địa điểm kinh doanh. Khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia tố giác các hành vi gian lận thương mại, nhất là các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm pháp luật; ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, không kinh doanh hàng nhập lậu, không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ và địa phương chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ thông tin phù hợp với tình hình mới; công khai số điện thoại, đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 các cấp, bảo đảm tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo quy chế của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ đó tạo sự minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng sản phẩm hàng hóa, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính.