Phú Quý 'vào mùa'

Mùa gió bấc sắp kết thúc, đảo Phú Quý bước vào mùa du lịch đẹp nhất trong năm. Nhiều nhân sự 'khăn gói' ra đảo làm việc, một số đơn vị chi tiền dọn dẹp, sửa sang bắt đầu đón khách.

 Để giữ chân nhân sự trở lại làm việc sau mùa bấc, nhiều đơn vị không ngần ngại chi lương dù không hoạt động. Ảnh: Sea La Vie Phú Quý.

Để giữ chân nhân sự trở lại làm việc sau mùa bấc, nhiều đơn vị không ngần ngại chi lương dù không hoạt động. Ảnh: Sea La Vie Phú Quý.

Đầu tháng 1/2025, Dương Triệu Thành (TP.HCM) ra đảo Phú Quý để bắt đầu sắp xếp lại nhà hàng, chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán sau gần 3 tháng về đất liền tránh mùa gió.

"Trong thời gian Phú Quý bị ảnh hưởng bởi gió bấc (tháng 10, 11, 12), tôi tranh thủ về nhà thăm gia đình. Vì đi làm xa, cả năm chỉ có thời gian này tôi mới được ở bên gia đình, 9 tháng còn lại tôi tập trung vào công việc", Thành chia sẻ.

Ngoài ra, anh còn dành thời gian học hỏi, rèn luyện thêm các kỹ năng phục vụ công việc và phát triển bản thân trong thời gian tạm nghỉ việc.

"Tôi dành thời gian học ngoại ngữ, tìm hiểu thêm kiến thức về quầy bar, kỹ năng quản lý nhà hàng và khách sạn, quản trị nhân sự,... để chuẩn bị cho mùa du lịch năm sau", anh nói với Tri Thức - Znews. Hiện tại, Thành là trợ lý điều hành một nhà hàng ven biển ở Phú Quý và sắp tới anh sẽ quản lý thêm một nhà hàng hải sản cùng một khách sạn mới tại đảo.

Đón mùa du lịch mới

Quyết định từ bỏ công việc thỉnh giảng tại khoa Du lịch của một trường cao đẳng ở TP.HCM, Triệu Thành chuyển ra Phú Quý làm việc từ tháng 5/2024.

"Đảo Phú Quý còn hoang sơ, bình yên và biển rất đẹp. Nhận thấy hòn đảo này vẫn đang trong giai đoạn phát triển du lịch nên tôi quyết định ra đây sinh sống và làm việc", anh chia sẻ.

Những ngày đầu ở đảo, Thành cảm thấy rất khác so với khi đến du lịch. "Tôi phải thích nghi với nhiều thứ, từ công việc, con người, văn hóa đến khí hậu… Có những ngày tôi làm việc hơn tám tiếng, thậm chí từ 6h đến 23h mới xong", anh kể. Đến hiện tại, anh đã dần thích ứng với mọi thứ nơi đây.

Công việc ở đảo mang đến cho Thành nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: Dương Triệu Thành.

Công việc ở đảo mang đến cho Thành nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: Dương Triệu Thành.

Không chỉ chịu áp lực công việc, Thành còn rèn luyện thể thao để thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Để quản lý tốt cả ba dự án, anh liên tục nâng cao kỹ năng, lên kế hoạch và rèn luyện để quán xuyến nhiều công việc cùng lúc.

"Sống ở đảo rất yên bình, không khí trong lành, tốt cho sức khỏe. Nơi đây còn mang đến cho tôi nhiều cơ hội phát triển công việc và hoàn thiện bản thân", Thành nói.

Trong khi đó, Đặng Văn Long (cư dân Phú Quý) lại dành thời gian gián đoạn du lịch để học nghiệp vụ, chuẩn bị lấy bằng hướng dẫn viên du lịch vào cuối tháng 2, vừa kịp đón mùa khách mới.

"Khóa học có giá khoảng 1,5 triệu đồng và đào tạo online, giúp tôi có thể học ngay tại đảo mà không tốn nhiều chi phí", Long chia sẻ. Vào mùa gió bấc, thu nhập từ du lịch gần như bằng 0, vì vậy anh làm thêm công việc bán bảo hiểm, xây dựng nội dung và quản lý hội nhóm du lịch ở Phú Quý.

Đối với Lê Nguyễn (30 tuổi), tiếp thị liên kết là cách anh kiếm thêm thu nhập vào mùa gián đoạn du lịch.

Lần đầu đến đảo vào năm 2022, Lê Nguyễn bị thu hút bởi vẻ đẹp của Phú Quý và nhận lời mời ra đảo làm việc từ năm 2023. Kể từ đó, đến mùa du lịch anh lại ra đảo, còn mùa gió bấc thì trở về quê hoặc đến các điểm du lịch khác như miền Tây, miền Bắc, Đà Lạt.

Khung cảnh yên bình của Phú Quý thu hút nhiều du khách đến khám phá và các bạn trẻ "bỏ phố về đảo". Ảnh: Quỳnh Danh.

Khung cảnh yên bình của Phú Quý thu hút nhiều du khách đến khám phá và các bạn trẻ "bỏ phố về đảo". Ảnh: Quỳnh Danh.

"Biển miền Trung chỉ hoạt động du lịch được khoảng 5-7 tháng, điều này ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập. Vì vậy, tôi chủ động tìm kiếm công việc khác, đặc biệt là tiếp thị liên kết trên các nền tảng số để tạo nguồn thu nhập thụ động", Lê cho biết.

Theo anh, Phú Quý có nhiều yếu tố thuận lợi như biển đẹp, con người thân thiện, môi trường ít bị khai thác du lịch quá mức do khách phải di chuyển bằng tàu, giúp kiểm soát lượng khách. Năm nay anh ra đảo từ trước Tết để khởi động cho một mùa mới.

Đầu tư mạnh để thu hút nhân sự

Chính thức mở cửa đón khách từ mùng 3 Tết Ất Tỵ, Nguyễn Xuân Định - đại diện nhà hàng Sea La Vie Phú Quý... cho biết anh đã cử nhân sự từ đất tiền ra đảo trước đó 2 tháng.

"Để những nhân sự ở cấp quản lý và nhân sự chủ chốt quay trở lại làm việc sau mùa gió bấc, chúng tôi bắt buộc phải giữ người bằng lương. Trong khoảng 3-4 tháng không làm việc, công ty vẫn chi trả 50% lương cho khoảng 8 nhân viên. Lương sẽ được chi trước 25%, phần còn lại sẽ cộng vào tiền lương của những tháng quay trở lại làm việc", anh Định chia sẻ.

 Nhân sự du lịch là cư dân ở đảo thường nghỉ ngơi, đi du lịch trong mùa gió bấc. Ảnh: Nguyễn Xuân Định.

Nhân sự du lịch là cư dân ở đảo thường nghỉ ngơi, đi du lịch trong mùa gió bấc. Ảnh: Nguyễn Xuân Định.

Định cho biết để thu hút nhân sự cấp quản lý cao ra đảo, mức lương phải cao hơn rất nhiều thì họ mới ra. Bên cạnh lương, đơn vị còn giữ chân nhân sự bằng các phúc lợi như chỗ ở, vé tàu, xe máy đi lại trên đảo. Do đó, số lượng nhân sự chủ chốt ít nhưng lại chiếm phần lớn tỷ lệ lương.

"Đối với nhân viên phục vụ tại địa phương vốn đã quen với mùa bấc, tới thời gian đó họ sẽ nghỉ và chúng tôi sẽ bắt đầu tuyển lại vào đầu năm mới", anh Định chia sẻ. Hiện tại đơn vị có khoảng 20 nhân sự, vào cao điểm du lịch hè, con số này lên khoảng 50 người.

Trong khi đó, Quyên Võ, đại diện khu nghỉ dưỡng Nalani Phú Quý, cho biết cô vẫn giữ nhân sự ở lại làm việc dù vào mùa bấc thường xuyên đình tàu, phần lớn thời gian không có khách.

"Tôi giảm giờ làm để nhân sự người địa phương có thể duy trì gắn bó và tiếp tục làm việc khi tới mùa du lịch", Quyên nói.

Những nhân sự từ đất liền ra đảo được Quyên điều chuyển vào làm việc tạm thời tại chuỗi cà phê của cô ở đất liền trong 3 tháng cuối năm nếu đồng ý. Việc giữ lại nhân sự duy trì mở cửa và dọn dẹp liên tục giúp Quyên không mất nhiều thời gian chuẩn bị đón mùa du lịch mới.

Mùa gió bấc khiến cơ sở vật chất của các đơn vị hư hại khá nhiều, đặc biệt là các cơ sở view biển. Ảnh: Nalani Phú Quý.

Mùa gió bấc khiến cơ sở vật chất của các đơn vị hư hại khá nhiều, đặc biệt là các cơ sở view biển. Ảnh: Nalani Phú Quý.

Trong khi đó, bộ phận bảo trì của Định phải ra đảo và bắt đầu thi công, sửa sang cơ sở vật chất trước mùa biển êm gần 2 tháng. Sau khi bảo trì xong, nhân sự mất khoảng 2 tuần để dọn dẹp, setup lại trước khi đón khách.

"Mỗi mùa gió bấc đi qua, muối và gió khiến đồ vật rỉ sét, hư hỏng, tỷ lệ khấu hao tài sản vào khoảng 10%-20% tổng chi phí đầu tư dự án của chúng tôi", Định nói với Tri Thức - Znews. Vì vậy đơn vị thường trích sẵn chi phí để dành cho công tác bảo trì vào cuối năm.

Mùa Tết năm nay biển Phú Quý khá êm, thời tiết tốt, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi của du khách. Các chuyến tàu di chuyển từ Phan Thiết ra Phú Quý đã bắt đầu tình hình sôi động trở lại sau gần 5 tháng vắng bóng du khách.

Linh Huỳnh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phu-quy-vao-mua-post1532359.html
Zalo