Phú Quốc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững

Phú Quốc (Kiên Giang) đang tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, kết hợp sản xuất sạch với bảo tồn bản sắc địa phương, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển du lịch.

Những năm gần đây, TP. Phú Quốc đang từng bước khẳng định hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp. Trên đảo ngọc, câu chuyện của anh Dương Công Tâm ở ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương, là minh chứng sống động cho sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp.

Với 1,8ha đất và 900 trụ tiêu, anh Tâm không chọn theo số đông nông dân đã từ bỏ cây tiêu do giá giảm mạnh. Thay vào đó, anh quyết tâm đầu tư theo hướng canh tác hữu cơ, sử dụng phân bón tự nhiên để bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch. “Tôi muốn giữ gìn nguồn gen tiêu Phú Quốc và tạo giá trị mới cho vườn tiêu của mình”, anh Tâm chia sẻ.

Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh (bìa phải) tham quan mô hình trồng tiêu của anh Dương Công Tâm, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc).

Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh (bìa phải) tham quan mô hình trồng tiêu của anh Dương Công Tâm, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc).

Cây tiêu từng là biểu tượng nông nghiệp của Phú Quốc, nhưng sự sụt giảm giá cả và chi phí canh tác cao đã khiến diện tích trồng tiêu trên đảo giảm mạnh. Nếu như năm 2021, toàn đảo có gần 130ha đất trồng tiêu với sản lượng đạt khoảng 244 tấn/năm, thì hiện chỉ còn khoảng 98ha, trong đó xã Cửa Dương duy trì được 32ha. Dù vậy, những nông dân như anh Tâm vẫn kiên định giữ nghề như một cách bảo tồn văn hóa địa phương và tìm hướng phát triển bền vững hơn.

Trước thực trạng này, UBND TP. Phú Quốc đã triển khai hàng loạt giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và xanh hóa sản xuất. Một trong những bước đi quan trọng là xây dựng chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho hạt tiêu, nhằm bảo vệ danh tiếng sản phẩm, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Những vườn tiêu này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, giúp người dân có thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch sinh thái.

Không chỉ dừng lại ở cây tiêu, Phú Quốc đã phát triển thành công các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như rượu sim và ngọc trai. Điển hình là ngành nuôi cấy ngọc trai đạt sản lượng 123.000 viên/năm (ngọc trai quy chuẩn Ø5mm), đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế địa phương. Những sản phẩm này không chỉ mang lại nguồn thu ổn định mà còn giúp xây dựng thương hiệu cho Phú Quốc trên bản đồ du lịch và nông nghiệp Việt Nam.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam Foods (TP. Phú Quốc) đóng gói sản phẩm từ sim.

Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam Foods (TP. Phú Quốc) đóng gói sản phẩm từ sim.

Các chương trình đào tạo về kỹ thuật sản xuất, kiểm soát chất lượng và phát triển thị trường của TP. Phú Quốc đã giúp nâng cao năng lực của nông dân, chuẩn bị hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản hiện đại. Điều này không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mà còn khẳng định giá trị thương hiệu nông sản Phú Quốc trên thị trường.

Thành ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh cho biết: “Phú Quốc đang hướng tới xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, vừa bảo vệ danh tiếng sản phẩm vừa đảm bảo thu nhập ổn định cho nông dân. Đây là cách chúng tôi cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tài nguyên”.

Nhân công Hợp tác xã An Lành (TP. Phú Quốc) chăm sóc rau sạch.

Nhân công Hợp tác xã An Lành (TP. Phú Quốc) chăm sóc rau sạch.

Sự thay đổi trong tư duy và cách làm nông nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới tại TP. Phú Quốc. Đến nay, thành phố có 6/7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; xã Thổ Châu đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định, dự kiến đạt năm 2024. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 60 triệu đồng/năm. Những con số này là minh chứng rõ nét cho sự chuyển mình tích cực trong đời sống người dân nông thôn.

Nhìn vào sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Phú Quốc, có thể thấy định hướng phát triển xanh và bền vững đang mang lại những thay đổi tích cực. Từ những vườn tiêu hữu cơ, rượu sim thơm lừng cho đến ngọc trai lấp lánh, Phú Quốc không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn biến nông nghiệp thành một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây không chỉ là câu chuyện về những con số, mà còn là sự kết tinh của ý chí, nỗ lực và tầm nhìn từ chính quyền đến người dân trên đảo ngọc.

Bài và ảnh: CÔNG NINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chuyen-de/phu-quoc-tai-co-cau-nong-nghiep-theo-huong-xanh-va-ben-vung-23547.html
Zalo