Phụ nữ Việt tại Pháp và chiến dịch 'Tháng 10 Hồng':Mỗi người là một chiếc nơ truyền cảm hứng

'Tháng 10 Hồng', một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú tại Pháp, đã trở thành hoạt động thường niên, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của cả xã hội, trong đó cộng đồng người Việt tại Pháp, đặc biệt là chị em phụ nữ.

 Chị Cambier Thủy Tiên (thứ 2 từ trái qua) cùng các tình nguyện viên trong ngày hội gây quỹ

Chị Cambier Thủy Tiên (thứ 2 từ trái qua) cùng các tình nguyện viên trong ngày hội gây quỹ

Lan tỏa niềm hy vọng

Là giáo viên tiếng Anh tại một trường trung học cơ sở, dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, nhưng từ những ngày đầu tháng 10, chị Cambier Thủy Tiên (56 tuổi), người sáng lập Hội EPKTN (Espoir pour Kiem, Trang, Nous - Hy vọng cho Kiêm, Trang, và Chúng ta), luôn tất bật chuẩn bị những công việc cuối cùng cho sự kiện đi bộ, chạy, nhằm gây quỹ ủng hộ cho Trung tâm nghiên cứu và điều trị các bệnh ung thư Gustave Roussy (Pháp).

Chị Tiên chuyển sang Pháp cùng bố mẹ từ khi mới 5 tuổi, nhưng nếu ai không tinh ý sẽ rất khó để nhận ra chị đã sống xa Việt Nam hơn nửa cuộc đời. Bởi, hàng chục năm qua, chị vẫn luôn giữ thói quen đọc, viết và nói tiếng Việt để "không mất đi cái gốc Việt của mình". Dù rất bận rộn với công việc giảng dạy, nhưng với người phụ nữ trung niên này, "tháng 10 luôn là thời điểm đặc biệt", nó nhắc nhớ chị về những người bạn, người thân không may mắn bị mắc bệnh ung thư.

Mẹ chị Tiên, bà Kiêm, được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng vào năm 2005. Người bạn thân nhất của chị, Đài Trang cũng bị ung thư vú năm 2013 và qua đời 2 năm sau đó do khối u đã di căn. "Khi Trang mới được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2, tôi đã rất sợ. Nhưng để tiếp thêm nguồn hy vọng và động viên tinh thần cho cả mẹ, Trang và tất cả mọi người, tôi đã lập ra nhóm "Hy vọng cho Kiêm, Trang và Chúng ta". Rất tiếc là may mắn đã không mỉm cười với Trang", chị Tiên nhớ lại.

Sau khi người bạn thân ra đi vĩnh viễn, chị Tiên đã quyết định xây dựng hội của mình hướng đến các hoạt động nhằm mang lại quyền lợi cho người bị ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng. Vì vậy, như đã thành thông lệ, năm nào chị cũng tổ các sự kiện gây quỹ vào tháng 10. Chị cho biết, công việc luôn bắt đầu bằng việc "đi xin", từ người thân, đồng nghiệp, bạn bè cho đến những người chị chỉ mới quen biết, ai cho gì và cho bao nhiêu chị cũng nhận. Người khá giả, hiểu công việc chị làm, họ tặng chị vài chục hay vài trăm euro, người khó khăn hơn họ cũng tặng vài đồng, nhiều chị em trong cộng đồng người Việt cũng chung sức may quần áo, làm bánh, làm đồ ăn… giúp chị bán lấy tiền gây quỹ.

Sự kiện gây quỹ của chị Tiên không chỉ thu hút cộng đồng người Việt tại Pháp

Sự kiện gây quỹ của chị Tiên không chỉ thu hút cộng đồng người Việt tại Pháp

Đã gần 10 năm trôi qua, chị Tiên vẫn miệt mài với giấc mơ được góp một phần nhỏ công sức của mình để lan tỏa niềm hy vọng cho những bệnh nhân ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Với chị, một việc làm nhỏ, sức ảnh hưởng sẽ không lớn, nhưng nếu tất cả mọi người cùng chung tay, việc làm đó sẽ tạo được sự thay đổi vô cùng. "Tháng 10/2015, hoạt động đi bộ gây quỹ đầu tiên chỉ thu hút khoảng 15 người tham gia. Năm nay, con số này đã tăng lên 200 và chúng tôi đã thu được gần 13000 euro. Số tiền này không đáng là bao, nhưng nếu nhiều người, nhiều tổ chức cùng hướng về mục tiêu chung, thì hy vọng cho bệnh nhân ung thư sẽ được lan tỏa", chị Tiên chia sẻ.

Chiếc nơ không đơn độc

Từ 9 giờ sáng ngày 20/10 tại Serrìeres de Briord, một vùng nhỏ thuộc tỉnh Ain (Pháp), bất chấp cái lạnh cuối thu, chị Belcastro Thắm (45 tuổi) cùng hàng trăm người đã đứng đợi, chuẩn bị cho hoạt động đi bộ gây quỹ phòng chống và điều trị ung thư. Theo lời kể của chị Thắm, đây là lần thứ 2 chị tham gia chuỗi sự kiện Tháng 10 Hồng, bởi bản thân chị cũng là người chịu ảnh hưởng của ung thư vú trong suốt gần 10 năm qua. Vì vậy, hơn ai hết, chị hiểu tầm quan trọng của việc nhận thức về căn bệnh này cũng như đồng hành, chia sẻ với những người đang miệt mài từng ngày để tìm cho mình một hy vọng sống.

"Không phân biệt sắc tộc, màu gia, tuổi tác, giới tính, văn hóa; mỗi người đến đây đều vì mục đích chung và ai cũng mang trong mình một năng lượng tích cực để những người như mình cảm thấy được sẻ chia", chị Thắm chia sẻ.

Chị Thắm tham gia đi bộ gây quỹ trong "Tháng 10 Hồng"

Nói về cơ duyên sinh sống tại Pháp, chị Thắm cho biết, chị từng theo học ngành Sư phạm ngoại ngữ Pháp. Từ khi ra trường năm 2002, chị đã có cơ hội được cộng tác và làm việc cho các công ty Pháp tại Việt Nam. Đó cũng là cơ duyên để chị gặp, kết hôn với chồng và có "trái ngọt" là một bé gái kháu khỉnh vào năm 2012. Niềm hạnh phúc chưa trọn vẹn được bao lâu thì năm 2015, chị được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư vú giai đoạn 2 và khuyên vợ chồng chị nên qua Pháp để có điều kiện điều trị tốt hơn.

Ở tuổi gần 40, chị Thắm rời quê hương và mang trong mình niềm hy vọng sẽ khống chế được khối u quái ác. 2 năm đầu định cư tại Pháp, chị quyết định không đi làm mà dành toàn thời gian để điều trị bệnh. Sau đó chị xin đi làm công nhân may cho công ty nội thất cao cấp, mục đích là để hòa nhập và làm quen với môi trường công việc mới, và mới đây nhất, chị chuyển qua làm cho một công ty chuyên về khuôn kim cương công nghiệp. "Công việc không vất vả nhưng do phải hóa trị 3 tuần 1 lần và kiểm tra thường xuyên bằng IRM nên mình chấp nhận chỉ làm bán thời gian", chị Thắm cho hay.

Gần 10 nằm miệt chống chọi với bệnh, ai cũng khuyên chị Thắm phải sống tích cực thì sẽ bệnh thuyên giảm. Vì vậy, chị thường nghĩ mình giống như một chiếc cây, cành nào hư thì cắt bỏ để không làm tổn hại đến nhánh khác, lá vàng úa thì mong nó rụng để lên chồi non tươi xanh. Cũng có những lúc chị muốn buông xuôi, bởi bệnh không những không thuyên giảm mà còn tái phát nhiều lần và di căn khắp nơi. Nhưng rồi nghĩ đến con, đến gia đình, đến nhiều người trong các tổ chức xã hội đang nỗ lực từng ngày để mang đến hy vọng cho bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng, chị lại không cho phép mình được ủ rũ, tiêu cực. Chị Thắm bảo: "Biểu tượng của Tháng 10 Hồng là chiếc nơ hồng. Mỗi người tham gia đều giống như một chiếc nơ truyền cảm hứng, tương trợ, động viên lẫn nhau để cùng nhau bước qua những đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Để chúng tôi thấy rằng, trong cuộc chiến đó, chúng tôi không hề đơn độc".

"Ruyban hồng" hay còn gọi là nơ hồng là biểu tượng quốc tế của chiến dịch nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc tầm soát và phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Biểu tượng này do bà Evelyn H. Lauder, nhà sáng lập thương hiệu Esteé Lauder đã đồng sáng tạo ra năm 1992. Từ đó đến nay, tháng 10 hàng năm trở thành tháng hành động cho chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn thế giới.

Nguyễn Hằng (từ Pháp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-viet-tai-phap-va-chien-dich-thang-10-hongmoi-nguoi-la-mot-chiec-no-truyen-cam-hung-20241022212930561.htm
Zalo