Phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới: Tiếp bước truyền thống, phát triển và hội nhập

Phụ nữ Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gia đình mà còn là nhân tố chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách nhằm giúp phụ nữ tiếp tục kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng trong bối cảnh hiện đại.

SỰ NGHIỆP GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ LÀ TRÁCH NHIỆM CHUNG CỦA TOÀN ĐẢNG, CỦA NHÀ NƯỚC, XÃ HỘI

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định phát triển phụ nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng. Sau khi miền Bắc được giải phóng, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 153-NQ/TW, ngày 10/1/1967 về “Công tác cán bộ nữ” khẳng định: “Sự nghiệp giải phóng phụ nữ là trách nhiệm chung của toàn Đảng, của Nhà nước, của xã hội, song lực lượng phụ nữ trong đó đội ngũ xung kích là lực lượng cán bộ nữ ở tất cả các lĩnh vực phải phát huy vai trò chủ động của mình; phong trào phụ nữ càng phát triển thì đội ngũ cán bộ phụ nữ càng có điều kiện để phát triển mạnh mẽ, và ngược lại, sự phát triển của đội ngũ cán bộ nữ sẽ có tác động lớn đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ… Các cấp, các ngành cần nhận rõ vị trí và vai trò vô cùng trọng yếu của lực lượng phụ nữ, nhận rõ trách nhiệm lớn lao của phụ nữ trên các lĩnh vực công tác cũng như nhận rõ vị trí và vai trò của đội ngũ cán bộ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng nói chung, trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ nói riêng”(1). Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước CEDAW của Liên hợp quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ từ năm 1980. Nhà nước đã phê chuẩn và thực hiện các điều khoản của Công ước, đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động chính trị, dân sự, tổ chức quốc tế và đời sống công cộng (Điều 1, 7, 8). Đặc biệt, Công ước CEDAW khuyến nghị các biện pháp tạm thời nhằm nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ, loại bỏ sự phân biệt đối xử trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (Điều 4). Sự tham gia này thể hiện cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người và thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị.

Đảng ta xác định rõ, phát triển phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngày 16/5/1994, Đảng ta ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, xác định tiếp tục quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ bằng giải pháp xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Phụ nữ Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gia đình mà còn là nhân tố chủ lực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách nhằm giúp phụ nữ tiếp tục kế thừa truyền thống lịch sử vẻ vang, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng trong bối cảnh hiện đại.

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý, với mục tiêu cụ thể là có tối thiểu 30% phụ nữ trong các cơ quan dân cử. Nghị quyết này đặt nền móng quan trọng cho việc phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, đặc biệt trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những yêu cầu phát triển mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh chủ trương: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”(2). Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đưa ra yêu cầu rõ ràng về việc xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Theo đó, “Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ”(3). Đây là một trong những định hướng quan trọng để phụ nữ Việt Nam có thể không chỉ đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước mà còn tham gia tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội từ nền kinh tế toàn cầu.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đặt mục tiêu cụ thể về việc nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo và quản lý, với tỷ lệ 75% cơ quan quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2030(4), thể hiện rõ cam kết về bình đẳng giới, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và hội nhập đất nước.

Luật Bình đẳng giới (2006) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007) được ban hành cũng đã góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ quyền lợi và phát triển của phụ nữ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, phụ nữ Việt Nam đã tiếp tục khẳng định vai trò của mình. Phụ nữ không chỉ tham gia vào việc bảo vệ, xây dựng đất nước mà còn góp phần vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính đường lối và chính sách của Đảng đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động chính trị, kinh tế, và xã hội, giúp phụ nữ trở thành một lực lượng quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế.

KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Trong giai đoạn hiện nay, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã có những bước tiến đáng kể, chiếm khoảng 26,7%, một con số thể hiện sự cải thiện so với các giai đoạn trước, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng thực sự của phụ nữ. Theo số liệu thống kê của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2024, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp là: 15,96% với cấp tỉnh, 19,63% với cấp huyện, và 24,77% với cấp xã.

Trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phụ nữ đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế hiện đại. Họ không chỉ tham gia vào các ngành nghề truyền thống mà còn dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, khởi nghiệp và kinh tế số. Phụ nữ hiện diện không chỉ với tư cách là lực lượng lao động chủ chốt mà còn là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và những người tiên phong trong đổi mới sáng tạo. Đáng chú ý, trong bối cảnh chuyển đổi số, phụ nữ đã bắt đầu đảm nhận những vai trò quan trọng trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, thương mại điện tử và dịch vụ kỹ thuật số. Những bước tiến này không chỉ giúp gia tăng sự hiện diện của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế mới mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và thúc đẩy đổi mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Nhờ vào các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, phụ nữ Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế số và công nghệ hiện đại, khẳng định rõ vị thế và vai trò của mình trong thời đại mới.

Phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong các phong trào xã hội, công tác từ thiện và các hoạt động bảo vệ môi trường. Đặc biệt, trong các chương trình phát triển nông thôn mới, phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống cho cộng đồng. Trong các ngành nghề sản xuất, dịch vụ và công nghệ, phụ nữ không chỉ là người lao động mà còn là những người quản lý, dẫn dắt và đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (5). Nhờ vào sự nỗ lực không ngừng và những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình, trở thành một lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng một Việt Nam bền vững và phát triển.

Những thành tựu mà phụ nữ Việt Nam đạt được trong thời đại mới là sự kế thừa truyền thống hào hùng của các thế hệ phụ nữ đi trước, đồng thời cũng là kết quả của việc Đảng không ngừng nỗ lực thúc đẩy phát triển phụ nữ trong mọi lĩnh vực. Sự phát triển của phụ nữ không chỉ phản ánh vai trò của họ trong quá khứ mà còn thể hiện sức mạnh và tiềm năng của phụ nữ trong tương lai. Từ những đóng góp quan trọng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đến việc đảm nhận vai trò lãnh đạo trong bối cảnh hiện đại, phụ nữ Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, bản lĩnh, và khát vọng vươn lên.

Những chính sách về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ của Đảng không chỉ là kim chỉ nam cho các hành động cụ thể, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của phụ nữ, góp phần tạo ra một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ. Phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người tiếp nối truyền thống, mà còn là những người tiên phong trong việc đưa đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, xây dựng một tương lai thịnh vượng và bền vững.

NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA

Mặc dù phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng họ vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong thời đại mới, đặc biệt là những rào cản về quan niệm giới tính và định kiến xã hội. Ở nhiều nơi, các quan niệm truyền thống vẫn coi phụ nữ là những người chủ yếu thực hiện vai trò chăm sóc gia đình và con cái, thay vì tham gia vào các hoạt động kinh tế hoặc đảm nhận các vị trí lãnh đạo. Định kiến rằng phụ nữ "yếu đuối" hay "không phù hợp với các vị trí quan trọng" đã khiến nhiều phụ nữ khó có cơ hội tiến xa trong công việc.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng đối mặt với thách thức lớn về sự phân bổ thời gian giữa công việc và gia đình. Trong khi phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động kinh tế và xã hội, họ vẫn phải gánh vác vai trò chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái và đảm bảo hạnh phúc gia đình. Sự căng thẳng trong việc cân bằng giữa sự nghiệp và trách nhiệm gia đình đã khiến nhiều phụ nữ cảm thấy áp lực, thiếu thời gian cho bản thân và sự phát triển sự nghiệp. Điều này cũng dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ phải lựa chọn giữa việc phát triển sự nghiệp hoặc hoàn thành vai trò người vợ, người mẹ trong gia đình.

Ngoài ra, các yếu tố về chính sách hưu trí, tuổi nghề và đào tạo cũng là những cản trở lớn đối với phụ nữ trong việc phát triển sự nghiệp lâu dài. Theo quy định hiện tại, tuổi hưu của phụ nữ vẫn thấp hơn nam giới, khiến họ có ít thời gian hơn để thăng tiến và phát triển nghề nghiệp ở các vị trí lãnh đạo. Hơn nữa, việc giới hạn tuổi tham gia đào tạo và luân chuyển cán bộ cũng là một rào cản đối với phụ nữ khi họ muốn tiếp tục học tập và nâng cao trình độ. Việc thiếu các chương trình đào tạo chuyên biệt và dài hạn cho phụ nữ cũng hạn chế khả năng phát triển kỹ năng lãnh đạo của họ.

Những thách thức này đòi hỏi cần có những giải pháp hiệu quả từ cả phía xã hội và chính sách để giúp phụ nữ vượt qua các rào cản, từ đó khẳng định vai trò và vị trí của mình trong thời đại mới.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẦN TẬP TRUNG TRIỂN KHAI

Tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, giúp họ có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các lĩnh vực lãnh đạo và ra quyết sách. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và doanh nghiệp. Đặc biệt, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc tăng cường tỷ lệ nữ tham gia vào các cấp lãnh đạo. Những chính sách này không chỉ thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động chính trị, mà còn tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào các quyết sách quan trọng, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.

Để đảm bảo phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong các vị trí lãnh đạo, việc nâng cao trình độ học vấn và phát triển kỹ năng mềm là rất cần thiết. Các chương trình đào tạo và tập huấn được tổ chức nhằm cung cấp cho phụ nữ những kiến thức cần thiết về quản lý, lãnh đạo và các kỹ năng mềm như giao tiếp, thuyết trình, xây dựng chiến lược, và quản lý thời gian. Các khóa đào tạo này giúp phụ nữ tự tin hơn khi đảm nhận các vị trí lãnh đạo và ra quyết sách, đồng thời mở ra cơ hội để họ phát triển nghề nghiệp bền vững. Việc tăng cường đào tạo cũng giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của phụ nữ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế và quản lý.

Xóa bỏ các rào cản văn hóa và định kiến giới

Xóa bỏ các rào cản văn hóa và định kiến giới là một trong những bước đi quan trọng để đạt được bình đẳng giới thực chất trong xã hội. Một trong những yếu tố then chốt là nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong cả gia đình lẫn ngoài xã hội. Phụ nữ không chỉ đảm nhận vai trò truyền thống như chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái mà còn là những người tham gia trực tiếp vào phát triển kinh tế, quản lý, lãnh đạo và đổi mới sáng tạo.

Cần triển khai những chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, các chương trình giáo dục về bình đẳng giới nhằm làm nổi bật vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau. Khi xã hội hiểu đúng và đủ về tiềm năng và sự đóng góp của phụ nữ, những định kiến và quan niệm cũ sẽ dần bị xóa bỏ.

Bên cạnh việc thay đổi nhận thức xã hội, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường sự tham gia của nam giới trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình. Việc khuyến khích nam giới tham gia vào công việc gia đình, từ chăm sóc con cái đến làm việc nhà, không chỉ giúp giải tỏa áp lực cho phụ nữ mà còn đóng góp vào việc xây dựng một gia đình hạnh phúc và bình đẳng hơn. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia và cống hiến nhiều hơn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, và xã hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu_Ảnh: Tư liệu

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga thăm hỏi, động viên các nữ cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Liên hợp quốc ở Bentiu_Ảnh: Tư liệu

Xóa bỏ các rào cản văn hóa và định kiến giới không chỉ là vấn đề của riêng phụ nữ mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Cả nam giới và nữ giới đều cần được trao quyền bình đẳng để cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và phát triển bền vững.

Phát triển cơ chế hỗ trợ và chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ

Các chính sách này cần đặc biệt chú trọng đến những giai đoạn quan trọng như thai sản, hưu trí, và giáo dục nghề nghiệp. Chính sách thai sản cần được thiết kế linh hoạt, đảm bảo rằng phụ nữ có thể vừa hoàn thành trách nhiệm làm mẹ mà vẫn duy trì sự nghiệp. Bên cạnh đó, chính sách hưu trí cần điều chỉnh để phù hợp với thực tế hiện tại, đảm bảo phụ nữ có thời gian cống hiến dài hơn, thay vì phải nghỉ hưu sớm hơn nam giới như quy định hiện hành. Điều này giúp phụ nữ có thêm cơ hội phát triển sự nghiệp ở những vị trí quan trọng vào giai đoạn chín muồi của cuộc đời.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghề nghiệp và đào tạo lại cho phụ nữ, giúp họ tiếp tục nâng cao kỹ năng và thích nghi với những thay đổi của thị trường lao động trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cùng với đó, cải cách Bộ luật Lao động là một trong những bước cần thiết để đảm bảo phụ nữ có cơ hội ngang bằng với nam giới trong tuyển dụng và thăng tiến. Bộ luật Lao động cần được điều chỉnh để loại bỏ những rào cản về giới tính, như việc phân biệt về độ tuổi nghỉ hưu, hạn chế cơ hội thăng tiến và tiếp cận các chương trình đào tạo. Đồng thời, luật cần đặt ra các tiêu chí cụ thể để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong quá trình làm việc, chẳng hạn như quyền nghỉ thai sản, bảo vệ trước các hành vi phân biệt đối xử và quấy rối nơi công sở. Việc tạo điều kiện để phụ nữ có thể phát huy tối đa tiềm năng trong công việc, tiếp cận các cơ hội thăng tiến công bằng với nam giới không chỉ giúp nâng cao vị thế của phụ nữ, mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của nền kinh tế và xã hội.

Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trao truyền các giá trị văn hóa cho thế hệ mai sau_Nguồn: baoquangninh.com.vn

Trong quá trình hội nhập quốc tế, phụ nữ Việt Nam không ngừng vươn lên, khẳng định bản thân qua những đóng góp quan trọng trên trường quốc tế, đưa Việt Nam tiến xa hơn trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để phụ nữ có thể tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, cần có sự chung tay của toàn xã hội. Khi phụ nữ được hỗ trợ và phát huy tối đa tiềm năng, đất nước mới có thể phát triển bền vững, thịnh vượng và đạt được những thành tựu to lớn hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.

TS. Nguyễn Nam Thắng
Học viện Chính trị khu vực I

----------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2003, t. 28, tr. 24 – 25.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I, tr. 169.

(3)Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 43-NQ/TWvề “Phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, ngày 24/11/2023.

(4) Xem: Hà Thị Nga, Kiến nghị chính sách ưu đãi nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, Tạp chí Cộng sản, số ra ngày 11/7/2024. https://s.net.vn/tUMQ

(5) Đỗ Thị Hiện: Phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Tạp chí Cộng sản, số ra ngày 23/1/2022. https://s.net.vn/hNUS

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/phu-nu-viet-nam-trong-thoi-dai-moi-tiep-buoc-truyen-thong-phat-trien-va-hoi-nhap-156842
Zalo