Phụ nữ Thủ đô tích cực trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy, nổ tại gia đình
Ngày 8/8, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị 'Kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy, nổ tại gia đình' năm 2024.
Để trang bị những kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ, cứu nạn cứu hộ và điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các hộ gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy, nổ tại gia đình” năm 2024.
Chia sẻ tại hội nghị, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Linh, Giảng viên trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho biết: “Năm 2023, thành phố Hà Nội xảy ra 618 vụ cháy, trong đó 68 người chết, 54 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 18 tỷ đồng... So sánh với năm 2022, số vụ cháy tăng 43 vụ, tăng 45 người chết và 37 người bị thương. Điều đáng nói, số vụ cháy xảy ra tại các nhà dân đơn lẻ là 294 vụ (chiếm 47,5%); cháy nhà kho, xưởng sản xuất là 42 vụ (chiếm 6,79%), cháy chung cư, nhà cao tầng 26 vụ... Kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Khi hỏa hoạn xảy ra, nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và tài sản…”
Cũng theo đó, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Linh đã chia sẻ nhiều kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy; các biện pháp, kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy tại gia đình. Đặc biệt là hướng dẫn thực hành cách sử dụng bình chữa cháy để dập tắt lửa và kỹ năng thoát nạn khỏi không gian bao chùm bởi khói.
“Đa số các vụ cháy gây thiệt hại về người đều xảy ra vào rạng sáng, nửa đêm, khó phát hiện kịp thời, vì vậy phải có thiết bị phát hiện cháy sớm. Giải pháp thứ hai là ngăn khói xâm nhập cơ thể, khi ngủ, cánh cửa thông cầu thang phải được đóng kín, có thể mở cửa sổ, cửa ban công để thoáng… Đồng thời cần mở các cửa thoát hiểm khẩn cấp trong nhà kích thước, đặc biệt nhà bao quanh bởi “chuồng cọp”; chủ động trang bị các thiết bị phòng cháy, chữa cháy (mặt nạ, bình chữa cháy, thang dây,...); thường xuyên kiểm tra, bảo trì các thiết bị điện trong nhà...”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Linh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Kiến thức về PCCC rất có ích đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng. Tôi đang sống ở nhà ống, thông qua chia sẻ của các cán bộ phòng cháy chữa cháy, tôi đã trang bị được nhiều kiến thức, kỹ năng để áp dụng khi không may có sự cố cháy nổ xảy ra với nhà tôi”.
Tích cực tham gia thực hành phun bình chữa cháy và trải nghiệm mô hình thoát hiểm nhà khói, bà Nguyễn Thị Oanh (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm ) chia sẻ: “Tôi đang sống ở chung cư, tôi luôn băn khoăn, khi xảy ra cháy nổ tôi nên di chuyển lên phía trên hay phía dưới,... sau khi được tập huấn tôi được trang bị nhiều kiến thức bổ ích. Khi xảy ra cháy chung cư, nếu không phải nhà mình cháy thì nên ở trong nhà, đóng kín cửa, bịt các khe hở để khói không xâm nhập vào trong nhà, tôi đã tiếp thu được kiến thức, kỹ năng này. Khi trải nghiệm nhà khói, tôi thấy khói dày đặc, không quan sát được. Tôi được cán bộ PCCC, hướng dẫn ngồi thấp khoảng 45-60 độ, bám sát tường để di chuyển an toàn ra khỏi khu vực khói”.
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn: