Phụ nữ Làng Chưng tự tin vượt qua định kiến
Làng Chưng là thôn duy nhất trên địa bàn xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng được hưởng lợi từ Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'. Thôn có 52 hộ dân với trên 99% là đồng bào dân tộc Dao. Từng bước vượt qua định kiến về giới, phụ nữ thôn Làng Chưng đang nỗ lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc hơn.
Bà Đoàn Thị Hồng ở thôn Làng Chưng năm nay đã 72 tuổi nhưng vẫn rất nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực phát triển kinh tế gia đình. Khu vườn nhỏ trước nhà được bà cải tạo, một phần dành trồng rau phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, một phần bà rào kín để chăn nuôi gần 200 con gà. Lứa gà này đang sinh trưởng tốt, nếu được chăm sóc tốt có thể kịp xuất bán dịp cuối năm nay. Ngoài ra, bà Hồng còn tích cực cùng con, cháu chăm sóc gần 3 ha quế; chăn nuôi dê, lợn để tạo nguồn thu ổn định cho gia đình.
Gia đình chị Trương Thị Minh là hộ có kinh tế khá của thôn Làng Chưng. Như nhiều gia đình khác trong thôn, trước đây, gia đình chị Minh cũng “thiếu trước, hụt sau”. Mạnh dạn học tập kinh nghiệm trồng quế ở địa phương lân cận, chị Minh đã bàn với chồng vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng quế. Ngoài trồng quế, gia đình chị cũng mở thêm dịch vụ xay xát gạo; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với ý chí, quyết tâm không cam chịu đói nghèo, chăm chỉ lao động, hiện gia đình chị Minh có thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm. Thành quả sau nhiều năm phấn đấu là vừa qua, gia đình chị Minh đã xây được căn nhà khang trang, có điều kiện để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, trồng trọt.
Theo anh Trần Văn Máy, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Làng Chưng, trước đây, xuất phát từ tâm lý tự ti, phụ nữ trong thôn vẫn e dè, phụ thuộc vào quyết định của nam giới trong gia đình. Dù rất chăm chỉ nhưng nhiều chị em chưa mạnh dạn bàn bạc, nêu ý kiến để cùng chồng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Qua công tác tuyên truyền, phụ nữ trong thôn đã dần thay đổi nhận thức; tích cực, chủ động hơn trong mọi công việc, nhất là phát triển kinh tế, góp phần khẳng định vai trò, vị trí của phụ nữ trong gia đình. Hiện thôn Làng Chưng chỉ còn 4 hộ nghèo; thu nhập trung bình đạt 35 triệu đồng/người/năm. Những năm gần đây, trong thôn xuất hiện nhiều ngôi nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi; trẻ em được học tập đầy đủ. Thôn hiện có 5 học sinh đang học hệ cao đẳng, trong đó 3 nữ giới.
Mong muốn có con trai nên dù đã sinh 4 con gái, anh B. V. T, thôn Làng Chưng vẫn dự định sinh tiếp. Biết được suy nghĩ, mong muốn của anh T., thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn đã tới gia đình để trò chuyện, động viên. Ngoài việc tuyên truyền các quy định, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác dân số, các thành viên còn dùng chính câu chuyện thực tế ở thôn, ở xã có liên quan để phân tích cho anh T. và người thân hiểu, dừng việc sinh con tiếp để tập trung nuôi, dạy các con khôn lớn. Hiểu được vấn đề, anh T. đã đưa vợ tới Trạm Y tế xã để thực hiện biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Anh cũng chăm chỉ lao động, chia sẻ việc nhà để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, Tổ truyền thông cộng đồng thôn đã nắm bắt, vận động thành công 1 trường hợp dừng tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Những năm trước, ở thôn vẫn có một số trường hợp tảo hôn; việc tổ chức đám hiếu, đám hỷ hay các nghi lễ truyền thống còn kéo dài, tốn kém chi phí. Xây dựng nếp sống văn minh, người dân trong thôn đã tự giác giảm bớt lễ vật, thời gian tổ chức, tiết kiệm chi phí cho gia chủ. Đặc biệt, người dân trong thôn không còn kéo dài thời gian thực hiện tục “làm dâu, làm rể” mà cho các cặp vợ chồng trẻ tự lựa chọn nơi ở phù hợp với mong muốn, hoàn cảnh, điều kiện công việc, sản xuất.
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Làng Chưng có 10 thành viên. Các thành viên trong tổ được tham gia các lớp tập huấn, giao lưu tại tỉnh, huyện để nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động kiểm tra, giám sát…
Từ đầu năm đến nay, tổ truyền thông đã phối hợp với thôn và các đoàn thể tổ chức được 5 buổi tuyên truyền với các hình thức: tọa đàm, thảo luận nhóm, truyền thông tương tác… Trong đó, điểm nhấn là cán bộ Hội Phụ nữ xã đã hướng dẫn tổ tập luyện, biểu diễn các vở kịch liên quan đến bình đẳng giới với những tình tiết gần gũi, sinh động giúp thu hút và nâng cao hiệu quả truyền thông. Từ đó, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng, đẩy lùi hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa.
Tổ truyền thông cộng đồng cũng tích cực theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề phát sinh liên quan đến phụ nữ, trẻ em để có biện pháp giải quyết, giúp đỡ kịp thời. Kết quả, trong năm 2024, trong thôn không xảy ra tảo hôn, bạo lực gia đình. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Hải cũng phối hợp với tổ truyền thông để trực tiếp hướng dẫn gia đình hội viên, phụ nữ sắp xếp đồ đạc trong gia đình, xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… giúp cải tạo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Với những tác động tích cực từ Dự án 8, phụ nữ thôn Làng Chưng ngày càng mạnh dạn, tự tin, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, xã hội, xây dựng cuộc sống mới.