Phụ nữ Kông Chro 'giữ lửa' cồng chiêng

Với mong muốn giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhiều câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng nữ đã được thành lập tại huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai. Từ những bàn tay mềm mại nhưng đầy nội lực, chị em phụ nữ nơi đây đang góp phần 'giữ lửa' cho không gian văn hóa cồng chiêng ở buôn làng.

Tiên phong trong hành trình phụ nữ “giữ lửa” văn hóa cồng chiêng ở Kông Chro là Chi hội Phụ nữ làng Đăk Hway (xã Đăk Tơ Pang). Năm 2016, CLB Cồng chiêng nữ làng Đăk Hway được thành lập với 36 thành viên. Từ mô hình đầu tiên này, phong trào cồng chiêng nữ đã lan tỏa mạnh mẽ và được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện.

 Chị Đinh Thị Nguyêi (bên phải) cùng thành viên trong Câu lạc diện trang phục truyền thống của người Bahnar. Ảnh: Đồng Lai

Chị Đinh Thị Nguyêi (bên phải) cùng thành viên trong Câu lạc diện trang phục truyền thống của người Bahnar. Ảnh: Đồng Lai

Năm 2022, CLB Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) ra đời, quy tụ hơn 100 chị em trong độ tuổi 18-60 tham gia. Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Plei Nghe, chị Đinh Thị Nguyêi (SN 1996) được mọi người tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm CLB.

Chị chia sẻ: “Ban đầu, ai cũng bỡ ngỡ bởi đánh cồng chiêng vốn được xem là việc của đàn ông. Nhưng vì yêu văn hóa, yêu tiếng chiêng của dân tộc mình mà chị em quyết tâm học và luyện tập chăm chỉ. Dù bận việc rẫy, việc nhà đến mấy nhưng cứ tối đến, mọi người lại có mặt đầy đủ tại nhà rông để tập luyện”.

Kỹ thuật đánh chiêng không đơn giản, đòi hỏi người đánh phải cảm âm và có sức bền. Với tinh thần học hỏi, dưới sự dìu dắt của các nghệ nhân trong làng, chị em đã dần thành thục. Các thành viên CLB thường xuyên tham gia trình diễn cồng chiêng tại đám cưới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mừng năm mới, các lễ hội truyền thống và những dịp liên hoan cồng chiêng do các cấp tổ chức.

Em Đinh Thị Hằng (SN 2006), thành viên nhỏ tuổi nhất CLB, hồ hởi kể: “Trước đây, em chỉ biết xoang nhưng từ khi tham gia CLB, em đã biết đánh cồng chiêng. Em rất vui vì được học hỏi từ các cô, các chị. Em gắn bó với đội cồng chiêng đã 2 năm nay. Mỗi lần được mặc trang phục thổ cẩm biểu diễn, em cảm thấy thật tự hào”.

Tại xã Ya Ma, CLB Cồng chiêng nữ làng Tnung-Măng được thành lập vào năm 2020 với 15 thành viên. Nhớ lại ngày đầu tập luyện, chị Đinh Thị Chư-Chủ nhiệm CLB-cho hay: “Chúng tôi được nghệ nhân Đinh Hlich chỉ dạy từng đường chiêng, nhịp trống. Sau đó, chúng tôi động viên nhau tự tập luyện, cùng nhau sửa những lỗi sai. Nhiều lúc đau tay, mệt lả nhưng khi cầm cồng chiêng lên là lại thấy vui lắm”.

 Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) trong một buổi luyện tập. Ảnh: Đ.L

Câu lạc bộ Cồng chiêng nữ tổ dân phố Plei Nghe (thị trấn Kông Chro) trong một buổi luyện tập. Ảnh: Đ.L

Phấn khởi trước sự tích cực tham gia tập luyện cồng chiêng của phụ nữ trong làng, nghệ nhân Đinh Hlich không quản ngại ngày đêm tận tâm chỉ dạy. Ông nhìn nhận: “Phụ nữ học đánh chiêng rất khó vì thể lực yếu hơn nam giới. Nhưng chính sự kiên trì, ham học hỏi đã giúp họ vượt qua thử thách. Mỗi buổi tập, tôi đều sắp xếp đội hình phù hợp, hướng dẫn tỉ mỉ từng thao tác, từ cơ bản đến nâng cao. Điều tôi ấn tượng nhất chính là khả năng cảm âm và tiếp thu rất nhanh của chị em”.

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, các CLB cồng chiêng nữ ở huyện Kông Chro còn trở thành nơi gắn kết phụ nữ trong làng từ việc học đánh chiêng đến chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc con cái, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế…

Chị Đinh Thị Dưi-thành viên CLB Cồng chiêng nữ làng Tnung-Măng-bày tỏ: “Tôi tham gia CLB từ khi mới thành lập. Nơi đây không chỉ giúp tôi giữ được nét văn hóa của ông bà để lại mà còn là chỗ dựa tinh thần lớn. Chúng tôi coi nhau như chị em, ai có chuyện buồn cũng san sẻ, ai gặp khó khăn thì cả nhóm cùng tìm cách giúp đỡ”.

Chị Đinh Thị Plúi-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ya Ma-cho hay: “Từ khi thành lập CLB đến nay, chị em thường xuyên tập trung tại nhà rông để tập luyện cồng chiêng, xoang. Tôi hy vọng, CLB tiếp tục duy trì hoạt động và ngày càng thu hút thêm nhiều bạn trẻ tham gia; qua đó tạo sân chơi lành mạnh và nâng cao vai trò của phụ nữ trong công tác bảo tồn di sản văn hóa tại địa phương”.

Trao đổi với P.V, bà Đinh Thị Ơch-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kông Chro-cho biết: Toàn huyện có 29 đội cồng chiêng nữ với hơn 1.100 hội viên tại 14 xã, thị trấn tham gia. Việc thành lập các CLB cồng chiêng nữ ban đầu chỉ là một sáng kiến vận động phong trào nhưng theo thời gian đã trở thành mô hình bảo tồn văn hóa có chiều sâu, được duy trì tự giác, thường xuyên và có sức lan tỏa mạnh.

ĐỒNG LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phu-nu-kong-chro-giu-lua-cong-chieng-post324231.html
Zalo