Phụ nữ Hương Sơn giúp nhau giảm nghèo bền vững

Những năm gần đây, Hội LHPN Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm 'kéo' tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện xuống mức thấp nhất.

Năm 2021, toàn huyện Hương Sơn có 1.896 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,4%), hộ cận nghèo là 2.494 (chiếm tỷ lệ 7,1%), cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Hương Sơn đã giảm xuống chỉ còn 1.178 hộ (chiếm tỷ lệ 3,36%); hộ cận nghèo là 1.359 (chiếm 3,88%). Đặc biệt, năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 970 hộ, chiếm tỷ lệ 2,77% và 1.213 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,47%.

 Trao mô hình sinh kế bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Sơn Trà.

Trao mô hình sinh kế bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Sơn Trà.

Đây là những “quả ngọt” thu được từ nhiều giải pháp được triển khai trong những năm gần đây của cả hệ thống chính trị huyện Hương Sơn. Trong đó, không thể không nhắc đến sự tham gia tích cực của Hội LHPN Hương Sơn. Với quan điểm xuyên suốt “không có ai bị bỏ lại phía sau”, ngay từ đầu năm, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo hội LHPN các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, phân loại hộ nghèo, phụ nữ nghèo là chủ hộ để xây dựng kế hoạch giúp đỡ phù hợp với điều kiện cụ thể của từng hộ gia đình.

 Nhờ được hỗ trợ mô hình sinh kế, gia đình chị Lê Thị Thương (SN 1993, thôn Hùng Sơn, xã Sơn Hàm) từ hộ cận nghèo trở thành hộ có thu nhập khá.

Nhờ được hỗ trợ mô hình sinh kế, gia đình chị Lê Thị Thương (SN 1993, thôn Hùng Sơn, xã Sơn Hàm) từ hộ cận nghèo trở thành hộ có thu nhập khá.

Đồng thời giao chỉ tiêu cho hội LHPN các xã, thị trấn mỗi năm tham gia giúp đỡ từ 10 - 15 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo, trở thành hộ trung bình ở địa phương. Với những hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hỗ trợ mô hình sinh kế vừa và nhỏ được coi là khả thi nhất. Những mô hình chăn nuôi như nuôi gà, nuôi ong, dê, các mô hình trồng cây ăn quả (ổi Đài Loan, mít Thái, bưởi Diễn...) tuy giá trị không lớn nhưng phù hợp với những đối tượng hộ nghèo, cận nghèo.

Bởi vậy, sau khi rà soát lên kế hoạch, Hội LHPN huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Hương Sơn tổ chức cho các hộ tham gia học nghề chăn nuôi, trồng trọt ngắn hạn để các hộ nắm chắc được kiến thức phát triển các mô hình sinh kế khi được trao tặng. Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ từ huyện đến các xã, thị trấn kết nối kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 Vườn ươm cây giống của Công ty TNHH Bảo Lâm (xã Sơn Kim 2) tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động thuộc diện cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Vườn ươm cây giống của Công ty TNHH Bảo Lâm (xã Sơn Kim 2) tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động thuộc diện cận nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Chỉ tính riêng 3 năm lại nay, Hội LHPN huyện Hương Sơn đã huy động các nguồn lực hơn 2 tỷ đồng, trao tặng 424 mô hình gà (mỗi mô hình trị giá từ 700.000 – 1.000.000 đồng); 43 mô hình dê (mỗi mô hình 1,5 triệu đồng) cùng hàng ngàn cây ăn quả các loại. Nhờ vậy, đời sống nhiều hộ gia đình được cải thiện và nâng lên đáng kể.

Chị Hoàng Thị Lam (thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ) cho biết: "Thiếu vốn để đầu tư sản xuất nên quanh năm chúng tôi chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng chứ chẳng biết làm gì. Nhưng từ khi nhận hỗ trợ mô hình gà 50 con vào năm 2020, sau đó còn nhận được hơn 200 cây ăn quả nên gia đình tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Năm 2023, gia đình tôi không còn trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo của xã".

 Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Lam (ở giữa) hướng dẫn học viên lớp học nghề nuôi ong ngắn hạn tại thôn Giếng Thị, xã An Hòa Thịnh.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Công Lam (ở giữa) hướng dẫn học viên lớp học nghề nuôi ong ngắn hạn tại thôn Giếng Thị, xã An Hòa Thịnh.

Cùng với đào tạo nghề, hỗ trợ mô hình sinh kế theo phương châm "trao cần câu thay xâu cá", từ năm 2020 đến nay, bên cạnh tổ chức 83 lớp đào tạo nghề cho 1.500 lao động nữ, giúp chị em tiếp cận và áp dụng các kiến thức khoa học, kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, các cấp hội còn phối hợp thành lập được 27 tổ hợp tác, xây dựng 325 mô hình kinh tế theo nhóm tạo thêm việc làm cho hàng trăm lao động, chủ yếu là chị em nghèo, cận nghèo, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, trong những năm qua, theo Chủ tịch Hội LHPN Hương Sơn Uông Thị Kim Yến, Huyện hội đã tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Phát triển phụ nữ giúp 9.021 lượt hội viên phụ nữ vay với tổng nguồn vốn lên đến 534 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp hội còn thành lập được 75 tổ tiết kiệm với số tiền huy động được trên 1 tỷ đồng, giúp gần 1.321 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế.

 Cháu Phạm Khánh Băng (SN 2014, học sinh Trường Tiểu học Quang Diệm) là một trong số 59 trẻ mồ côi được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/tháng từ năm 2021 đến nay.

Cháu Phạm Khánh Băng (SN 2014, học sinh Trường Tiểu học Quang Diệm) là một trong số 59 trẻ mồ côi được nhận hỗ trợ 300.000 đồng/tháng từ năm 2021 đến nay.

Các cấp hội phụ nữ còn vận động quyên góp xây dựng Quỹ tình thương 352 triệu đồng. Đồng thời, triển khai thực hiện kế hoạch “Mẹ đỡ đầu”, trong những năm qua, Hội LHPN huyện đã kêu gọi, khâu nối các tổ chức, cá nhân, nhà trường, cán bộ hội viên phụ nữ hỗ trợ 59 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hương Sơn tổng số tiền trên 700 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội Hương Sơn, các tổ chức đoàn thể đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia hạ tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là sự tham gia tích cực của Hội LHPN Hương Sơn. Ở Hương Sơn, hộ nghèo, cận nghèo có khá nhiều chủ hộ là hội viên phụ nữ, thế nên hỗ trợ như thế nào, bắt đầu từ đâu... Hội LHPN các cấp hiểu rất rõ. Trong những năm qua, nhờ sự đồng hành của tổ chức phụ nữ, công tác giảm nghèo bền vững ở Hương Sơn đạt được những kết quả rõ rệt.

Hoài Nam

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/phu-nu-huong-son-giup-nhau-giam-ngheo-ben-vung-post279553.html
Zalo