Phụ nữ Hàn Quốc cầu cứu

Với công nghệ deepfake và AI, phụ nữ Hàn Quốc đang đối diện với nạn bóc lột tình dục số hóa đầy tinh vi. Họ phải tìm đến các nền tảng mạng xã hội toàn cầu, tuyệt vọng tìm kiếm sự giúp đỡ.

Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Hàn Quốc. Hàng loạt phụ nữ ở quốc gia này kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế qua X (trước đây là Twitter) và các nền tảng mạng xã hội khác.

Những câu chuyện họ chia sẻ đã vẽ nên một bức tranh lạnh lẽo về Hàn Quốc: một xã hội vật hóa phụ nữ, bạo hành tình dục nữ giới bằng công nghệ. Lạm dụng deepfake, kẻ xấu tạo ra hình ảnh khiêu dâm của phụ nữ, thậm chí là các bé gái, người thân trong gia đình, một cách trái phép.

Không dừng lại ở đó, theo sau là mạng lưới các phòng chat online được sử dụng để phát tán những hình ảnh này và thông tin cá nhân về nạn nhân. Dù vấn nạn rất nghiêm trọng, phần lớn truyền thông Hàn Quốc vẫn giữ im lặng, buộc phụ nữ phải tìm đến cộng đồng quốc tế để kêu gọi sự hỗ trợ.

Làn sóng MeToo thứ 2 với nhân tố mới - deepfake

Hàn Quốc từ lâu đã phải đối mặt với vấn đề bất bình đẳng giới, từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đến những vụ án lạm dụng tình dục rúng động. Khởi phát từ năm 2018, làn sóng #MeToo đầu tiên ở Hàn Quốc đã bóc trần tình trạng quấy rối và tấn công tình dục mà phụ nữ nước này phải chịu đựng.

Tuy nhiên, làn sóng hiện tại - còn được gọi là #2ndMeToo_SK (tạm dịch: MeToo thứ 2) - đã đi xa hơn. Phụ nữ Hàn Quốc đang phải đối mặt không chỉ với bạo lực thể xác mà còn với những hình thức lạm dụng số hóa đầy tinh vi.

Hashtag #2ndMeToo_SK trên X đã trở thành lời kêu gọi tập hợp các nạn nhân và nhà hoạt động, tìm cách phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn nạn này.

 Thiếu sự can thiệp của chính phủ, phụ nữ Hàn Quốc tự vệ trước nạn deepfake của Telegram. Ảnh: TUDUM.

Thiếu sự can thiệp của chính phủ, phụ nữ Hàn Quốc tự vệ trước nạn deepfake của Telegram. Ảnh: TUDUM.

Khác với làn sóng Me Too đầu tiên, chủ yếu tập trung vào nạn quấy rối nơi làm việc và người nổi tiếng, làn sóng mới đây tập trung vào những người bình thường và những mối quan hệ riêng tư hơn. #2ndMeToo_SK đang đưa ra ánh sáng những vụ lạm dụng bị che giấu sau cánh cửa đóng kín, do các thành viên trong gia đình, bạn bè và người quen gây ra.

Một trong những điều đáng lo ngại nhất trong làn sóng này là những kẻ xấu sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra hình ảnh khiêu dâm của nữ giới mà không có sự đồng ý của họ.

Deepfake là hình ảnh hoặc video do AI tạo ra, giả mạo khuôn mặt và cơ thể của một người, thường để mô phỏng hành vi đồi trụy.

Tại Hàn Quốc, những hình ảnh này đang được chia sẻ rộng rãi qua các phòng chat trên Telegram, với nạn nhân bao gồm phụ nữ ở mọi lứa tuổi - từ nữ sinh đến các bà mẹ và bà. Một số kênh thậm chí còn sở hữu lượng thành viên vượt quá 220.000 người và tính phí dịch vụ bằng tiền điện tử để duy trì tính ẩn danh.

Thị trường nội dung khiêu dâm deepfake núp bóng phòng chat Telegram

Quá trình diễn ra như sau. Một nhóm người sẽ đi chiêu mộ các thành viên tiềm năng thông qua cuộc trò chuyện Telegram có tên là “bạn của bạn”. Từ đó, các nhóm được chia nhỏ theo khu vực cư trú và trường đại học.

Sau đó, các thành viên trò chuyện với nhau về những cô gái cụ thể để xem liệu có nhiều người cùng nhận ra họ hay không. Sau đó, họ lấy những bức ảnh đời thường của nạn nhân từ mạng xã hội để sản xuất các sản phẩm deepfake khiêu dâm một cách bất hợp pháp.

“Có ai biết ******-***, sinh năm 2007, học ở trường trung học *** không? Hãy gửi tin nhắn trực tiếp (DM) cho tôi nếu bạn biết”, trích một tin nhắn trong phòng chat.

 các phòng chat và nội dung chia sẻ, phát tán hình ảnh giữa các kẻ phạm tội. Ảnh: Hankyoreh.

các phòng chat và nội dung chia sẻ, phát tán hình ảnh giữa các kẻ phạm tội. Ảnh: Hankyoreh.

Theo điều tra của trang tin Hankyoreh, trong một kênh Telegram có hơn 1.300 thành viên, phân loại theo 70 trường đại học, các thành viên đăng ảnh của những cô gái trẻ mà họ biết cùng với những thông tin cơ bản như chuyên ngành, thời điểm nhập học và tên. Các thành viên khác trong cùng phòng chat sẽ phản hồi nếu biết cô gái đó.

Nhóm người cùng quen biết cô gái sẽ mở một phòng chat riêng để sản xuất và chia sẻ nội dung bất hợp pháp. Sau khi có đủ số lượng deepfake cho một người cụ thể, các thành viên sẽ tạo phòng chat dành riêng cho cá nhân đó. Các phòng trò chuyện được dán nhãn với những cái tên như “Kim hèn hạ ***-***”.

Có những phòng chat tập trung vào các thành phố cụ thể Daegu, Seoul, có những phòng chat là quân nhân chia sẻ hình ảnh của những phụ nữ cùng phục vụ trong quân đội. Nhiều phòng trò chuyện được dán nhãn riêng với những cái tên như “Phòng giáo viên nữ”, “Phòng y tá”, hay dành riêng cho các vận động viên nữ.

Một bài đăng trên X cho thấy những kẻ phạm tội còn tạo ra các phòng chat để phân loại nạn nhân theo mối quan hệ, chẳng hạn như “anh chị em họ”, “mẹ”, “chị gái”. Điều này chứng tỏ phụ nữ thuộc mọi tầng lớp xã hội đang là mục tiêu của chiêu trò deepfake này.

Những kẻ phạm tội trong các phòng chat này còn thường đe dọa các nạn nhân bằng các video deepfake. Cách làm này tương tự như các phương pháp được sử dụng bởi các tội phạm trong vụ án Phòng chat thứ N. Khi đó, thủ phạm cũng khai thác thông tin cá nhân và dùng nó để cưỡng ép và kiểm soát nạn nhân.

Tại sao phải cầu cứu trên mạng xã hội?

Song, khi vụ việc nổ ra, truyền thông không lên tiếng và thiếu sự bảo vệ về mặt pháp lý. Phụ nữ Hàn Quốc đành tự mình giải quyết vấn đề. Họ đang tìm đến cộng đồng quốc tế để giúp đỡ. Các chiến dịch truyền thông xã hội, đặc biệt trên Twitter, đã thu hút sự chú ý, với các hashtag như #2ndMeToo_SK giúp khuếch đại tiếng nói của họ.

Các bài hướng dẫn nhằm ứng phó với nạn tội phạm tình dục trên Telegram được chia sẻ nhanh chóng. Lời khuyên bao gồm gỡ bỏ ảnh đại diện trên Instagram và KakaoTalk, đồng thời hạn chế đăng những bức ảnh có thể nhìn thấy khuôn mặt hoặc cơ thể.

Song, cách giải pháp này chỉ mang tính tạm thời. Chúng không chỉ không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của việc lạm dụng tình dục bằng công cụ kỹ thuật, mà còn củng cố thái độ tiêu cực đối với phụ nữ, đặt gánh nặng tự bảo vệ mình lên nạn nhân.

 Trước #2ndMeToo_SK, Hàn Quốc còn là nơi diễn ra những vụ án rúng động khác như Phòng chat thứ N, Burning Sun... Ảnh: NextShark.

Trước #2ndMeToo_SK, Hàn Quốc còn là nơi diễn ra những vụ án rúng động khác như Phòng chat thứ N, Burning Sun... Ảnh: NextShark.

Ngoài ra, một bản kiến nghị đã được đệ trình trên trang kiến nghị của Quốc hội Hàn Quốc hôm 26/8, kêu gọi trừng phạt nghiêm khắc những kẻ liên quan đến tội phạm tình dục trên Telegram. Bản kiến nghị còn kêu gọi cấm Telegram và công khai danh tính của những nghi phạm tội phạm tình dục khi họ bị bắt.

“Khi mọi người tải ảnh selfie của mình lên, chúng sẽ bị người khác sử dụng cho các hành vi deepfake bất hợp pháp, dẫn đến rất nhiều nạn nhân. Nếu những sự việc như vậy bị phớt lờ hoặc bỏ qua, thủ phạm sẽ sử dụng những phương pháp thậm chí còn tàn ác hơn để gây hại cho những người vô tội”, đơn thỉnh cầu nêu rõ.

Song, trên thực tế Telegram là một công ty nước ngoài, đặt máy chủ bên ngoài Hàn Quốc. Do đó, Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc và các cơ quan khác không có thẩm quyền pháp lý để yêu cầu xóa nội dung được phân phối qua các phòng chat.

Ngay cả khi chính quyền địa phương điều tra, lệnh tịch thu hoặc khám xét và thu giữ mà họ đưa ra vẫn không có hiệu lực, khiến việc xác định từng nghi phạm là rất khó khăn, luật sư Min Go-eun nói với Hankyoreh.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/tai-sao-phu-nu-han-quoc-dang-phai-cau-cuu-tren-x-post1494620.html
Zalo