Phụ nữ đóng vai trò chủ đạo trong tiêu dùng xanh

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản) -cho rằng: Nếu thúc đẩy phòng trào tiêu dùng xanh từ người dân, đặc biệt từ phụ nữ sẽ tạo ra động lực lớn để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, góp phần quan trọng vào định hướng phát triển bền vững.

 TS. Nguyễn Thị Hồng Minh tham luận về sản phẩm bền vững trong một diễn đàn.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh tham luận về sản phẩm bền vững trong một diễn đàn.

+ Trong xu hướng phát triển xanh, phát triển bền vững có một khái niệm cũng đang được nhắc đến nhiều là "tiêu dùng xanh". Bà có thể giải thích nội hàm của khái niệm này từ góc độ của những người tiêu dùng cụ thể?

- TS. Nguyễn Thị Hồng Minh: Tiêu dùng xanh (Green consumption) được hiểu là một phần của tiêu dùng bền vững. Ở góc độ từng người tiêu dùng cụ thể là hành vi mua, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.

Có thể nói sản phẩm thân thiện với môi trường gồm hai chủng loại: Thứ nhất là những sản phẩm được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, sản phẩm hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, không chứa hóa chất, ít gây hại tới sức khỏe và môi trường sống; Thứ hai là những sản phẩm được sản xuất bẳng những quy trình, công nghệ tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, ít xả thải ra môi trường.

Thực hiện tiêu dùng xanh, người tiêu dùng không chỉ tiết kiệm, đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người thân mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống của tất cả chúng ta, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững.

+ Tại Việt Nam, có một bộ phận người tiêu dùng hiểu khái niệm "tiêu dùng xanh" là chỉ mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc hoàn toàn tự nhiên không qua chế biến vì họ cho rằng đây là cách vừa bảo vệ sức khỏe bản thân vừa bảo vệ môi trường? Ý kiến của bà thế nào về quan niệm này?

- Đúng là có một số người thích tiêu dùng những sản phẩm tự nhiên, không qua chế biến, thường là trực tiếp, thực phẩm tươi, sống, sản phẩm dạng thô để tránh việc sử dụng hóa chất như chất điều vị, điều hương hoặc chất bảo quản mà hiện đang sử dụng rất phổ biến trong ngành công nghiệp chế biến. Họ cho rằng cho rằng cách tiêu dùng này giúp cơ thể giảm bớt nạp hóa chất, những thứ có thể làm cho hệ thống chuyển hóa tự nhiên bị lỗi, gây tích tụ mỡ, đường, chất đạm ở đâu đó trong cơ thể gây nên thừa cholesteron, tiểu đường, gout…

Theo tôi, đây là xu hướng cực đoan, chưa hiểu đúng về tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững và cũng chưa nhận thức đúng về thực phẩm và dinh dưỡng. Trên thực tế, sản phẩm tự nhiên không cung cấp đủ chất cho cơ thể con người, chưa kể là do nhiều yếu tố, nhiều trái cây ngày càng bị rỗng dinh dưỡng. Quá trình chế biến, xử lý cũng giúp thực phẩm dễ tiêu hóa, đủ dinh dưỡng hơn và bổ dưỡng hơn.

+ Phụ nữ đóng vai trò chính trong việc tiêu dùng gia đình và rộng ra là cả xã hội. Theo bà, nếu tạo ra một phong trào tiêu dùng xanh trong bộ phận người tiêu dùng nữ thì có thể thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp phải sản xuất xanh?

- Chắc chắn là như vậy! Phụ nữ đi chợ, phụ nữ nấu ăn, phụ nữ đổ rác, phụ nữ là người mua sắm chính trong gia đình. Tiêu thụ thúc dẩy sản xuất, nên phụ nữ đóng vai trò có thể nói là chủ đạo trong phát triển tiêu dùng xanh, qua đó thúc đẩy kinh doanh bền vững.

Hiện nay, ở nhiều nơi, có các phong trào phân loại rác, tái sử dụng chất thải nhựa hay phong trào làm sạch đường phố, trồng hoa, cây xanh đều có sự tham gia tích cực của các tổ phụ nữ, tổ hưu trí. Tôi cho rằng các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ để phát triển xu thế này, nhân rộng các mô hình xanh hóa đến toàn xã, huyện, tỉnh… Mở rộng ra hơn, cần có những biện pháp, chính sách khuyến khích tiêu dùng năng lượng xanh như khuyến khích tiêu dùng xe máy, ô tô điện, dùng xe đạp hoặc phương tiện công cộng.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh.

+ Bà có thể cho biết hiện trạng xu hướng tiêu dùng xanh trên thế giới và Việt Nam và xu hướng này thể hiện thế nào trong bộ phận người tiêu dùng nữ?

- Tại các nước phát triển thì người tiêu dùng có ý thức rất cao với những sản phẩm "xanh". Tôi có may mắn thường xuyên đến các nước châu Âu và nhận thấy, trong các siêu thị của họ đều có tủ riêng bán rất nhiều sản phẩm hữu cơ, thực phẩm chế biến không thịt. Người tiêu dùng thường mang theo một túi vải lớn bằng chất liệu không thấm nước, có thể gấp gọn trong lòng bàn tay để đựng hàng, hầu như không sử dụng bao nylon. Trên thực đơn tại các nhà hàng bên cạnh các món truyền thống luôn có món chay với chú thích bằng chữ "veg". Người dân di chuyển chủ yếu bằng phương tiện công cộng hoặc bằng xe đạp…

Ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng xanh chậm hơn nhưng cũng đã bắt đầu tăng dần. Nhiều nơi đang phát triển phong trào tái sử dụng đồ nhựa, phân loại rác. Tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, ăn chay ngày càng trở nên phổ biến. Điều này cũng thúc đẩy các doanh nghiệp số doanh nghiệp khởi nghiệp bằng sản xuất hàng tiêu dùng từ chất liệu thiên nhiên như xơ lá cây dứa dại hoặc từ chất thải của công nghiệp như quần áo từ bã cà phê, từ rác thải nhựa…

Tuy nhiên, để tiêu dùng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong đời sống tiêu dùng thì còn cần làm rất nhiều việc, trong đó việc tăng cường giáo dục, truyền thông để người tiêu dùng nâng cao nhận thức có vai trò quyết định. Bên cạnh đó, cũng cần có các quy định, chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, kinh doanh bền vững. Khi cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng đều hướng đến "xanh" thì những kết quả đạt được mới vững chắc.

+ Có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp đang tiếp cận kinh doanh bền vững, sản xuất xanh như một thứ để đánh bóng thương hiệu hoặc là một quy định cần tuân thủ chưa chưa xem đó như chiến lược, mô hình kinh doanh tối ưu. Bà có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

- Chuyển đổi sang kinh doanh bền vững là một quá trình, việc lợi dụng đánh bóng thương hiệu là hiện tượng nhất thời. Cái gì là mới, là xu hướng thì hay bị lợi dụng. Nhưng cái gì không chân thật thì với thời gian sẽ bị lộ diện. Những doanh nghiệp núp bóng bền vững cũng sẽ đối mặt tương lai không bền vững.

Hiện Việt Nam và nhiều nước trên thế giới chưa hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy kinh doanh bền vững. Ví dụ như cơ chế định giá, mua bán chứng chỉ carbon, tiêu chuẩn nhãn xanh…Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều qui định về xử lý chất thải, về ô nhiễm nước không khí… nhưng đó mới chỉ là giai đoạn sơ khởi. Nhìn ra thế giới, quan điểm về các qui định bảo vệ môi trường trong thương mại còn rất khác nhau giữa các nước phát triển và các khu vực khác.

Để thúc đẩy kinh doanh bền vững, một mặt cần có hệ thông cơ chế chính sách đầy đủ, đồng bộ với những chế tài nghiêm khắc, một mặt cần có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền giáo dục người dân, rất quan trọng là giáo dục về môi trường ngay trong trường học từ cấp tiểu học. Cần làm cho mọi người nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc gìn giữ môi trường, không vì lợi ích mà gây tổn hại đến môi trường.

+ Xin cảm ơn bà!

Người Việt thích tiêu dùng xanh nhưng e ngại giá cao

Khảo sát năm 2023 của Nielsen IQ Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Có đến, 49% người tiêu dùng mang túi riêng, sử dụng túi tái chế; 47% chỉ mua đồ cần thiết, tránh lãng phí; 45% người tiêu dùng có ý thức phân loại rác tái chế và tiết kiệm điện.

Còn theo khảo sát của Hiệp hội hàng Việt Nam chất lượng cao vừa công bố tháng 11/2024 thì rào cản lớn nhất đối với người tiêu dùng hiện nay trong việc tiêu dùng xanh là sản phẩm xanh có giá cao (chiếm đến 78% số người được khảo sát), kế đến là sự sẵn có (độ phủ) do sản phẩm xanh còn hạn chế, thiếu thông tin định hướng, cũng như chưa có chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, có đến 18% người tiêu cho rằng sản phẩm xanh chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Đinh Quyên (Thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-dong-vai-tro-chu-dao-trong-tieu-dung-xanh-20250125151120126.htm
Zalo