Phụ nữ độc thân Trung Quốc thoát mác gái ế

Mỗi dịp Tết, Huang Jue, phụ nữ độc thân ở Thượng Hải (Trung Quốc), lại trở thành người cô/dì yêu thích' của các cháu trong dòng họ bởi nói chuyện thời thượng, 'hợp gu' giới trẻ.

 "Bà dì sành điệu" đang thay đổi định kiến xã hội.

"Bà dì sành điệu" đang thay đổi định kiến xã hội.

Trong các buổi đoàn tụ gia đình, những người phụ nữ ngoài 30 tuổi với phong cách khác biệt thường thu hút sự chú ý. Họ trẻ trung hơn so với tuổi thật, trang điểm chỉn chu, diện trang phục sành điệu và đặc biệt là vẫn độc thân, không con cái, theo Shanghai Daily.

Huang Jue (42 tuổi) là một trong số đó. Là giáo viên dạy tiếng Nhật kiêm dịch giả, cô sống một mình tại vùng ngoại ô Thượng Hải (Trung Quốc). Dù có họ hàng cũng sinh sống trong thành phố, cô chỉ gặp gỡ vào những dịp đặc biệt như Tết Nguyên đán. Điều thú vị là lũ trẻ trong gia đình lại đặc biệt yêu thích cô.

"Có lẽ vì tôi thường tặng chúng đồ ăn vặt, đồ chơi và lì xì. Nhưng cũng có thể vì tôi bắt kịp xu hướng giải trí, thời trang và showbiz, nên dễ nói chuyện với tụi nhỏ hơn cả bố mẹ chúng", cô chia sẻ.

Một trường hợp khác là Liang Yiran, hiện làm quản lý nhân sự tại Thượng Hải. Sinh ra ở An Huy (Trung Quốc), cô là người duy nhất trong họ hàng có sự nghiệp thành công tại thành phố lớn, và chính điều này khiến mỗi lần về quê, cô trở thành tâm điểm chú ý.

"Tụi nhỏ luôn háo hức hỏi tôi về mọi thứ, còn bố mẹ chúng thì bảo, 'Hỏi dì Yiran đi'. Và thật tuyệt khi nghe những cô bé trong nhà nói, 'Lớn lên con cũng muốn như dì'", cô kể.

Những người cô/dì hiện đại

Những "bà dì sành điệu" như Huang Jue hay Liang Yiran đang trở thành hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc. Xu hướng này bắt đầu từ Tết Nguyên đán hai năm trước, khi một đoạn video có tiêu đề Dì độc thân của tôi đã về để phát lì xì thu hút hàng triệu lượt thích.

Trong video, một người phụ nữ sành điệu ngồi trên ghế sofa, trên tay là xấp tiền 100 NDT phát cho lũ trẻ. Dù có thể chỉ là một sản phẩm dàn dựng, nhưng hình ảnh này đã khắc họa rõ nét chân dung của những bà dì hiện đại: độc thân, đẹp và giàu có.

"Bà dì" trong video Dì độc thân của tôi đã về để phát lì xì đã trở thành hình tượng mẫu của nhiều người phụ nữ trung niên Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

"Bà dì" trong video Dì độc thân của tôi đã về để phát lì xì đã trở thành hình tượng mẫu của nhiều người phụ nữ trung niên Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Ngay sau đó, xu hướng này lan rộng trên mạng xã hội với hàng loạt bài viết và video hướng dẫn như Cẩm nang ăn diện cho bà dì sành điệu hay Những điều nên và không nên khi trở thành bà dì sành điệu. Trào lưu này không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn lan rộng toàn cầu.

Nhiều người nổi tiếng cũng không ngại nhận danh xưng này. Người mẫu Kendall Jenner từng chia sẻ rằng cô là một "cool aunt", thuật ngữ tương đương với bà dì sành điệu trong tiếng Anh, đối với các cháu mình. Trên TikTok, hashtag #thecoolaunt hiện thu hút hàng triệu lượt xem.

Trên thực tế, đây không phải là một khái niệm mới. Năm 2008, tác giả kiêm doanh nhân Canada - Mỹ Melanie Notkin đã đặt ra thuật ngữ PANK (Professional Aunt, No Kids), tạm dịch là "bà dì chuyên nghiệp, không con cái". Theo bà, nhóm phụ nữ này chiếm một tỷ lệ đáng kể, họ có thu nhập ổn định, sức ảnh hưởng lớn và hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội.

Định kiến xã hội về phụ nữ độc thân

Tuy nhiên, không phải lúc nào những người phụ nữ theo đuổi phong cách này cũng nhận được sự chào đón từ gia đình, đặc biệt là ở các vùng quê còn nhiều định kiến.

Tian Jiana (35 tuổi), hiện theo học ngành thiết kế cảnh quan tại Nhật Bản, chia sẻ rằng đã nhiều năm cô không trở về quê nội ở Giang Tây (Trung Quốc) mỗi dịp Tết.

 Kendall Jenner tự hào là "bà dì sành điệu" của các cháu trong gia đình Kardashian - Jenner.

Kendall Jenner tự hào là "bà dì sành điệu" của các cháu trong gia đình Kardashian - Jenner.

"Theo truyền thống, gia đình tôi sẽ tụ họp tại quê nội mỗi dịp năm mới, nhưng tôi chưa bao giờ được đối xử như một 'bà dì sành điệu' đúng nghĩa", cô nói.

Trước khi đi du học, Tian đã có bằng cử nhân ở Bắc Kinh (Trung Quốc), làm việc 10 năm trong ngành thiết kế cảnh quan. Nhưng những thành tựu này không khiến gia đình cô tự hào.

"Ông bà, cô chú của tôi không quan tâm đến sự nghiệp hay những gì tôi làm. Họ chỉ muốn tôi kết hôn và sinh con, vì tôi là con một và có 'trách nhiệm' duy trì dòng họ. Đó là lý do tôi không còn thiết tha quay về, cũng chẳng bận tâm đến suy nghĩ của họ về mình", cô chia sẻ.

Phụ nữ độc thân và không sinh con vẫn chịu nhiều áp lực hơn đàn ông, đặc biệt trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Theo Niên giám Thống kê Dân số và Việc làm Trung Quốc 2024 do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, 28% phụ nữ trên 30 tuổi chưa kết hôn, tăng gần 50% so với một thập kỷ trước.

So với đàn ông, phụ nữ thường chịu áp lực nặng nề hơn khi lựa chọn sống độc thân và không sinh con.

Dù nhiều gia đình đã cởi mở hơn, không ít người thân vẫn hay “nhắc khéo” chuyện lập gia đình.

"Bạn không thể tránh khỏi những câu hỏi kiểu như 'Bao giờ dẫn bạn trai về?' hay 'Bố mẹ cô không còn trẻ nữa, cô nên sinh con khi họ vẫn còn đủ sức giúp đỡ'. Nhưng giờ tôi không còn bận tâm đến chúng nữa", Liang Yiran chia sẻ.

Giáo sư Chu Tiểu Huy tại Đại học Phục Đán nhận định rằng tư tưởng Nho giáo từng chi phối xã hội, đánh giá phụ nữ qua đóng góp cho gia đình. Tuy nhiên, cùng với sự hiện đại hóa, phụ nữ ngày càng có vị thế kinh tế, chính trị và nhận thức rõ giá trị bản thân.

"Suy nghĩ tích cực giúp nâng cao sự tự tin. Khi tự tin, bạn sẽ chấp nhận bản thân, dám bước ra khỏi vùng an toàn để theo đuổi điều mình mong muốn", nhà trị liệu tâm lý Dương Lệ tại Bắc Kinh cũng nhấn mạnh.

Như Phương

Ảnh minh họa: Xiaohongshu

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phu-nu-doc-than-trung-quoc-thoat-mac-gai-e-thanh-ba-di-sanh-dieu-post1530711.html
Zalo