Phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời đại mới

Hiện nay, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các hoạt động xã hội, tiếp cận với nguồn vốn phát triển kinh tế. Nhờ đó, xuất hiện các cách làm hay, mô hình đa dạng và hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có trên 262 nghìn hội viên phụ nữ. Trong đó, nhóm phụ nữ DTTS là nhóm đối tượng yếu thế, thường phải chịu thiệt thòi do các hủ tục. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, sáng tạo, nhiều phụ nữ DTTS trong tỉnh đã tỏ rõ bản lĩnh, sự tự tin, vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội. Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tích cực triển khai nhiều phong trào thi đua để hội viên, phụ nữ khẳng định bản thân như: Phong trào “Xây dựng người phụ nữ Hà Giang thời kỳ mới: Tích cực học tập, năng động, sáng tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; triển khai Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, trong đó phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao năng lực xây dựng các ý tưởng, tiếp cận và quản lý các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 206 hội viên phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp; tham gia, hưởng ứng các hoạt động khởi nghiệp do Trung ương tổ chức như Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”. Trong năm 2024, các cấp Hội phối hợp với ngành chức năng mở 40 lớp đào tạo nghề cho gần 1.300 phụ nữ, tư vấn giới thiệu việc làm cho 959 phụ nữ. Toàn tỉnh duy trì 12 hợp tác xã, tạo việc làm cho 350 hội viên tại địa phương; thành lập và duy trì 9 tổ hợp tác; nhân rộng và duy trì 550 Tổ “Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”.

Chị Vừ Thị Hà xã Vần Chải (Đồng Văn) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách tại gian hàng bán sản phẩm vải lanh truyền thống.

Chị Vừ Thị Hà xã Vần Chải (Đồng Văn) chụp ảnh lưu niệm cùng du khách tại gian hàng bán sản phẩm vải lanh truyền thống.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất gian khó xã Vần Chải (Đồng Văn), chị Vừ Thị Hà, hội viên phụ nữ dân tộc Mông đã không ngừng khẳng định bản thân. Đến nay, với cương vị là Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, chị đã giúp nhiều chị em trong xã có công việc, thu nhập ổn định; truyền cảm hứng cho chị em phụ nữ vùng cao tự tin khởi nghiệp. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hà cho biết: “Tháng 9.2020, Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B được thành lập dưới sự hỗ trợ của Hợp tác xã thổ cẩm Sà Phìn và Hội LHPN huyện Đồng Văn với 15 thành viên, đều là những hội viên được đào tạo nghề cơ bản. Đến nay, thu nhập bình quân của các thành viên trong tổ từ 2,5-3,5 triệu đồng/người/tháng tùy vào thời gian làm việc của mỗi thành viên”.

Được biết, từ khi thành lập đến nay, tổ tập trung phát triển sản phẩm vải lanh, vẽ sáp ong trên vải lanh và giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến du khách thông qua các hình thức trải nghiệm. Năm 2024, tham gia chương trình Ngày “Phụ nữ khởi nghiệp” do T.Ư Hội LHPN tổ chức, tổ hợp tác đã đoạt giải Nhất khu vực miền Bắc và giải Khuyến Khích toàn quốc. Tổ cũng tham gia trên 10 hội chợ xúc tiến trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, tổ hợp tác luôn quan tâm đến công tác bảo tồn nghề truyền thống gắn với phát triển thương hiệu Thổ cẩm vải lanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; đảm bảo việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống như: Hoa văn, phương thức, màu sắc... Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của thành viên trong tổ được nâng lên; bình quân mỗi năm có từ 2 thành viên thoát nghèo; đến tháng 11.2024, tổ chỉ còn 8 thành viên là hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo.

Em Vàng Thị Dế, sinh viên dân tộc Mông, huyện Đồng Văn tham gia trình diễn trang phục dân tộc tại Trường Đại Học Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc)

Em Vàng Thị Dế, sinh viên dân tộc Mông, huyện Đồng Văn tham gia trình diễn trang phục dân tộc tại Trường Đại Học Văn Sơn, Vân Nam (Trung Quốc)

Chị Vừ Thị Hà cho biết thêm: “Tôi từng là người phụ nữ như bao người phụ nữ DTTS khác, sống lặng lẽ trong chiếc “kén” của mình. Thật may mắn, tôi được tiếp cận với thế giới bên ngoài, đánh thức được ý chí, khát vọng và khả năng của mình và thấy rằng cuộc sống không chỉ dừng ở những mảnh nương. Đến nay, tôi đã học tiếng Anh, giao tiếp với du khách nước ngoài, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương một cách tự tin. Giờ đây mỗi buổi sáng, tôi sẽ nghĩ xem hôm nay mình gặp gỡ ai, hỗ trợ thêm thành viên nào, dạy thêm họa tiết nào cho hội viên, giới thiệu sản phẩm nào cho du khách... Và tôi mong chị em phụ nữ hãy mạnh dạn bước lên phía trước để tự tin hơn”.

Cũng giống như chị Vừ Thị Hà, nhiều phụ nữ DTTS bằng nỗ lực, cố gắng của mình đã khẳng định bản thân; tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chị em khác cùng chung tay phát triển kinh tế tại địa phương. Dù còn gặp nhiều khó khăn, họ vẫn đang nỗ lực từng ngày, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời đại mới. Sự thay đổi về nhận thức đã giúp họ ngày càng tự tin, chủ động hơn. Việc tiếp tục tạo điều kiện để họ phát triển sẽ là chìa khóa quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và bình đẳng.

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202503/phu-nu-dan-toc-thieu-so-trong-thoi-dai-moi-0243edb/
Zalo