Phụ nữ bị bạo hành ngại dư luận nên không đến 'nhà tạm lánh'

Trong thời gian qua, Hội LHPN xã Phúc Khánh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ đã triển khai hiệu quả các mô hình về bình đẳng giới, trong đó có mô hình 'Nhà tạm lánh'.

 Cán bộ Hội LHPN xã và công an xã thống nhất các nội dung tiếp đón khi có nạn nhân đến tạm lánh

Cán bộ Hội LHPN xã và công an xã thống nhất các nội dung tiếp đón khi có nạn nhân đến tạm lánh

Xã Phúc Khánh trước đây là một xã nghèo của huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Xã có tới 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 87%.

Do có xuất phát điểm thấp lại là địa bàn có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trình độ dân trí hạn chế với không ít tập quán lạc hậu nên trước đây, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra.

Chị Đinh Thị Hiếu (bên phải), Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Khánh và hội viên

Chị Đinh Thị Hiếu (bên phải), Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Khánh và hội viên

"Vừa qua, tại xã có cặp vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến xung đột, chồng đánh vợ phải nhập viện. Hầu hết các vụ bạo lực gia đình đều xảy ra khi cả đôi bên nóng giận mất kiểm soát. Một số vụ do đàn ông gia trưởng, không hài lòng trong cuộc sống đã ra tay "dạy" vợ. Hội LHPN xã đã nhiều lần đến tận nhà của nạn nhân để hòa giải, tuyên truyền pháp luật, khuyên bảo để đôi bên nhìn lại cách cư xử trong cuộc sống gia đình"- chị Đinh Thị Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Khánh cho biết.

"Nhiều người tìm đến "Nhà tạm lánh" để nhờ giải quyết đột xuất, nhưng chưa có trường hợp nào phải ở lại "Nhà tạm lánh" lâu dài"- chị Hiếu thông tin thêm.

Hội LHPN xã họp cùng Chi hội trưởng triển khai các nội dung truyền thông tại Chi hội

Hội LHPN xã họp cùng Chi hội trưởng triển khai các nội dung truyền thông tại Chi hội

Mô hình "Nhà tạm lánh" xã Phúc Khánh được UBND xã bố trí đặt địa điểm tại trụ sở Công an xã. Nhà có phòng ăn, phòng ngủ để cho phụ nữ bị bạo hành, bị đối xử bất bình đẳng lưu trú. Nhà được xây dựng từ nguồn ngân sách địa phương. Mô hình được trang bị các vật dụng thiết yếu như tủ, giường, chiếu, chăn màn, thuốc men từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 8 do Ban điều hành Dự án 8 huyện Yên Lập hỗ trợ… đảm bảo cho sinh hoạt của nạn nhân khi đến tạm lánh.

Mô hình được thành lập và ra mắt năm 2023 với Ban quản lý gồm 10 thành viên. Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, Phó trưởng Công an xã làm Phó ban, Chủ tịch Hội LHPN xã làm Phó trưởng ban Thường trực. Các thành viên mô hình là cán bộ công chức chuyên môn ngành tư pháp, y tế, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội LHPN xã đến thăm hội động viên hội viên tại địa bàn

Hội LHPN xã đến thăm hội động viên hội viên tại địa bàn

Theo chị Hiếu, từ khi thành lập mô hình đến nay số vụ việc bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới, xâm hại phụ nữ, trẻ em trên địa bàn xã giảm. Tính từ năm 2023 đến thời điểm tháng 8/2024 có 3 vụ việc bạo lực gia đình thì 2 vụ việc ở mức độ nhẹ. Hội LHPN xã đã phối hợp với công an xã và tổ hòa giải ở khu dân cư tuyên truyền hòa giải, có biên bản cam kết của người chồng.

Sau khi thành lập mô hình, Hội LHPN xã đã đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp khu dân cư, các buổi sinh hoạt hội, đoàn thể. Các nội dung truyền thông chủ yếu về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, luật hôn nhân và gia đình....

Khi bắt đầu đi vào hoạt động, việc khó khăn nhất là nhiều phụ nữ còn giấu khi bị bạo hành. Chị em sợ khi "cầu cứu" đến "Nhà tạm lánh" thì ảnh hưởng đến gia đình, con cái, xấu hổ sợ dư luận xã hội chê cười. Nhiều phụ nữ bị bạo lực nhiều lần âm thầm chịu đựng không báo lên khu, xã cho đến khi xảy ra sự việc nghiêm trọng mới nhờ can thiệp.

Một buổi truyền thông về bình đẳng giới tại xã Phúc Khánh

Một buổi truyền thông về bình đẳng giới tại xã Phúc Khánh

Hiện nay, qua các buổi truyền thông chị em đã hiểu rõ hơn về quyền của mình. Đồng thời nam giới cũng hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với gia đình, những việc làm vi phạm luật hôn nhân gia đình, vi phạm pháp luật. Hiện nay có nhiều nam giới đã tham gia các buổi tuyên truyền về bình đẳng giới.

Chị Hiếu cho biết, "Nhà tạm lánh" tuy đã mang lại những hiệu quả thiết thực, nhưng vấn đề gốc rễ vẫn là nhận thức của các cặp vợ chồng. Vì vậy Hội đã tăng cường các buổi truyền thông về bình đẳng giới.

Để mô hình "Nhà tạm lánh" thực hiện hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục. Muốn làm tốt công tác tuyên truyền thì cần sự nỗ lực vào cuộc của mỗi gia đình, nhà trường, các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể ở địa phương. Từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc chung tay xây dựng môi trường sống an toàn lành mạnh.

Chính quyền cần hỗ trợ mô hình trong việc bảo vệ nạn nhân kịp thời đồng thời chỉ đạo, phân công các bộ phận chuyên môn giải quyết các vụ việc kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật. Khu dân cư, các ngành đoàn thể cần phát hiện các vụ việc mâu thuẫn gia đình sớm để có biện pháp ngăn chặn, tư vấn, hòa giải kịp thời ngay từ cơ sở.

Hiện nay, nhiều phụ nữ cũng như nam giới ở Phúc Khánh đã thấy được tầm quan trọng của bình đẳng giới, quan tâm hơn đến vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều nam giới là cán bộ thôn, khu đã tham gia các hoạt động rất nghiêm túc, đóng góp nhiều ý kiến để thay đổi định kiến giới.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-bi-bao-hanh-ngai-du-luan-nen-khong-den-nha-tam-lanh-20240806173005256.htm
Zalo