Phụ nữ Ayun Pa khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

Với mong muốn làm giàu cho gia đình, nhiều phụ nữ ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã chọn cách khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Họ góp phần lan tỏa phong trào khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ tại địa phương.

Sau khi sinh con đầu lòng, chị Phạm Thị Nhuần (tổ 5, phường Sông Bờ) đăng ký học nghề nấu ăn nhằm mang lại cho em bé và gia đình bữa ăn ngon, giàu dinh dưỡng. Dần dần, chị yêu công việc bếp núc lúc nào không hay. Chị tìm hiểu rồi nấu những món ăn vặt bán qua các trang mạng xã hội.

Dịp Tết 2018, nhận thấy món gà ủ muối hoa tiêu đang thịnh hành và được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội, chị đặt mua về ăn và thấy khá ngon. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ câu chuyện với bạn bè, nhiều người tỏ ra nghi ngại vì không biết rõ nguồn gốc sản phẩm, sợ gà đông lạnh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Từ đó, chị nảy ra ý định làm món gà ủ muối hoa tiêu từ nguồn gà có sẵn tại địa phương để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Để tạo ra sản phẩm với hương vị tự nhiên, theo chị Nhuần nguyên liệu là yếu tố quan trọng nhất. Chị chọn loại gà nuôi khoảng 5-6 tháng để làm thịt, bởi nếu gà già thịt sẽ dai, gà non thì thịt bở.

Sau khi làm sạch, để ráo, gà được ướp với 11 loại gia vị khác nhau khoảng 1-2 giờ cho thấm. Hạt tiêu được rang thơm, ủ trong bụng gà trong 1 giờ trước khi cho vào máy ủ. Các công đoạn được làm kỹ lưỡng, tỉ mỉ, đảm bảo vệ sinh giúp gà không còn mùi tanh.

Thay vì dùng nghệ để tạo màu vàng đặc trưng cho gà ủ muối, chị Nhuần lấy quả rành rành đập dập, nấu lấy nước để ướp thịt gà tạo hương vị đặc trưng riêng cho sản phẩm và tránh thịt gà bị thâm khi để lâu.

 Chị Phạm Thị Nhuần giới thiệu với khách hàng về sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu của gia đình Ảnh: V.C

Chị Phạm Thị Nhuần giới thiệu với khách hàng về sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu của gia đình Ảnh: V.C

Chị Nhuần cho biết, phần muối chấm cũng là điểm nổi bật, ghi điểm với khách hàng. Tên gọi “muối chấm cả thế giới” là sản phẩm được chị làm tỉ mỉ từ nhiều nguyên liệu như sả, ớt và 100% nguyên chất nước tắc.

“Với giá bán lẻ 250 ngàn đồng/con gà ủ muối hoa tiêu, mỗi ngày, cơ sở cung cấp cho thị trường khoảng 700-800 con. Dịp lễ, Tết tăng lên hơn 1.000 con/ngày. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng, tôi lãi khoảng 25-30 triệu đồng. Cơ sở cũng tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/tháng”-chị Nhuần phấn khởi cho biết.

Theo chị Nhuần, khởi nghiệp phải xuất phát từ đam mê, nỗ lực và quyết tâm, đồng thời kết hợp áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm tới đông đảo người tiêu dùng. Ngoài 2 máy ủ gà, máy hút chân không, chị trang bị 6 chiếc tủ lạnh để bảo quản sản phẩm.

Chị tranh thủ livestream quá trình chế biến, thành phẩm để tạo niềm tin với khách hàng. Nhờ vậy, sản phẩm gà ủ muối hoa tiêu của chị đã mở rộng thị trường tiêu thụ tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Năm 2024, gà ủ muối hoa tiêu chị Nhuần là 1 trong 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của thị xã.

Cũng tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương cùng với sự kiên trì, học hỏi, chị Nay H’Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) đã thành công với sản phẩm rượu cần Jrai. Mặc dù nối nghiệp từ ông bà để lại song trước đây, sản phẩm rượu cần của gia đình chị chỉ trao đổi qua lại trong buôn làng khi cần. Năm 2014, chị mới bắt tay làm với số lượng lớn và bán trên thị trường với mong muốn giới thiệu sản phẩm truyền thống của dân tộc mình tới mọi người.

Theo chị H’Tó, quy trình ủ 1 ché rượu ngon không hề đơn giản. Mỗi mẻ rượu cần có men làm từ hơn 10 loại rễ cây rừng xay nhuyễn trộn với bột gạo, trấu theo tỷ lệ thích hợp rồi đem ủ cùng nguyên liệu trong ché khoảng 30 ngày.

Mang hương vị đặc trưng của núi rừng, sản phẩm của chị được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Mỗi tháng, chị cung cấp cho thị trường khoảng 200 ché rượu cần loại 2,5 lít và 12 lít.

 Sản phẩm rượu cần Jrai của chị Nay H’Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.C

Sản phẩm rượu cần Jrai của chị Nay H’Tó (buôn Phu Ma Miơng, xã Ia Rtô) được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ảnh: V.C

Ngoài ra, chị H’Tó còn làm thêm thịt heo gác bếp và muối kiến vàng để khách hàng thưởng thức cùng rượu cần. Thịt heo được chọn lọc kỹ từ phần nạc mông và cốt lết. Sau khi treo 3 ngày 3 đêm trên gác bếp luôn đỏ lửa, thịt heo được cho vào bì hút chân không để thịt giữ được vị ngọt tự nhiên. Nhờ vậy, sản phẩm thịt heo gác bếp của chị được nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Tây Nguyên có rất nhiều đặc sản nhưng chưa được khai thác triệt để. Là phụ nữ Jrai, mong mỏi lớn nhất của tôi là chế biến, giới thiệu được thật nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào mình tới khách hàng gần xa. Năm 2023, sản phẩm rượu cần Jrai của tôi đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Điều đó giúp tôi mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thời gian tới, tôi tiếp tục đăng ký OCOP cho sản phẩm thịt heo gác bếp, qua đó từng bước hiện thực hóa ước mơ của mình”-chị H’Tó bộc bạch.

Đánh giá về phong trào phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương, bà Phan Thị Kiều Lương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Ayun Pa-cho biết: Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ không chỉ chăm sóc gia đình mà còn tự tin khởi nghiệp.

Nhiều mô hình do chị em làm chủ mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong năm 2023 và 2024, thị xã có 4 sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ. Đây đều là các mô hình được khai thác từ tài nguyên bản địa nên mang tính bền vững và có sức lan tỏa rộng.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tự tin khởi nghiệp, làm chủ kinh tế, tiến tới bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống.

VŨ CHI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/phu-nu-ayun-pa-khoi-nghiep-tu-tai-nguyen-ban-dia-post304619.html
Zalo