Phu nhân Đặng Bích Hà qua hồi ức của các con

Tôi đang ở quê Thái Bình thì nhận được tin nhắn của anh Võ Hồng Nam báo tin cụ bà Đặng Bích Hà đã từ trần. Tôi vội lên ngay Hà Nội. Theo lời hẹn với anh Nam, cuối giờ chiều 18-9, tôi đến nhà 30 phố Hoàng Diệu, Thành phố Hà Nội. Cơ may là tôi được gặp cả vợ chồng anh Nam chị Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc và một số người thân đang họp mặt.

Vừa qua cơn bão số 3, quanh ngôi biệt thự cổ mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà cùng con cháu mấy chục năm gắn bó sum vầy, cây cối vừa dựng lại và thu gom khá gọn gàng nhưng vẫn trống trải do sức mạnh của gió bão. Tuy ai cũng buồn vì mẹ Đặng Bích Hà đã về với thế giới người hiền cùng Đại tướng nhưng tôi cũng lại thấy những nét kiên định chỉ có ở những người con của các bậc hiền tài, không hề bối rối khi trong một gia đình lớn có những việc trọng đại.

Đối với phu nhân Bích Hà, tôi đã được biết qua sách báo và lời kể của thế hệ đi trước cũng như từng trực tiếp gặp bà Bích Hà trong những lần được đến thăm Đại tướng. Nhưng tôi càng thấm thía hơn khi được nghe anh Võ Hồng Nam và các con của Đại tướng nói về người mẹ.

Bà Đặng Bích Hà sinh ngày 4-4-1927, con gái cả của Giáo sư Đặng Thai Mai và mẹ là Hồ Thị Toan. Năm 1946, bà đã tốt nghiệp trường Albert Sarraut ở Hà Nội. Cô nữ sinh mới 19 tuổi đã kết hôn với Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ngày 26-11-1946. Đám cưới do bác sĩ Trần Duy Hưng là chủ hôn. Ngay từ đầu kháng chiến chống Pháp, bà đã cùng chồng lên chiến khu Việt Bắc. Năm 1951, ông bà sinh con gái Võ Hòa Bình, năm 1952 là Võ Hạnh Phúc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, con trai Võ Điện Biên chào đời. Người con trai út Võ Hồng Nam, được sinh ở Viện Quân y - Bộ Tổng tư lệnh năm 1956, khi cả nhà đã chuyển về Hà Nội.

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1963. Ảnh tư liệu gia đình

Gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1963. Ảnh tư liệu gia đình

Trong kháng chiến, Đại tướng bận đi các chiến dịch. Trong khó khăn gian khổ, bà thay chồng hết lòng chăm lo, dạy dỗ các con. Tôi từng được cụ Hà Thị Sâm, dân tộc Tày, ở xóm Bảo Biên, xã Bảo Ninh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên kể lại, có lần sau sinh, bà Hà mắc chứng hậu sản. Đại tướng không có nhà nhưng được bà con ở gần thương lắm, hết lòng giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe mới mau hồi phục.

Bà Đặng Bích Hà học rất giỏi, thành thạo tiếng Pháp và văn học Pháp. Khi đã về Hà Nội, bà vừa chăm con, vừa học Đại học Sư phạm Hà Nội (1956-1958). Khi ấy chị Võ Hạnh Phúc mới 4 tuổi, Võ Hồng Nam mới sinh. Bà trở thành giảng viên Sử học, hằng ngày vẫn cần mẫn đi xe đạp với quãng đường 10km đến trường lên lớp giảng bài. Bà buộc bài vở kiểm tra của sinh viên sau xe về nhà chấm và hôm sau mang trả cho các em. Có thời kỳ giảng dạy và bồi dưỡng thêm kiến thức cho sinh viên, bà buộc phải ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 7. Ngoài thời gian giảng dạy, nghiên cứu, bà là người tham gia trực tiếp dịch các tác phẩm quan trọng của Đại tướng sang tiếng Pháp và cùng Đại tướng chỉnh sửa các bản dịch của các tác giả khác. Ngoài ra, bà Đặng Bích Hà còn công tác ở Viện Giáo dục, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Bà nghiên cứu rất sâu về lịch sử cách mạng Lào, cách mạng Thái Lan…

Chị Võ Hồng Phúc nhớ lại, ông bà rất đồng nhất cách thức dạy các con. Đó là phải tự học, tự lập, tự làm việc, tự chủ động trong mọi môi trường công tác và cuộc sống. Chính từ đó mà các anh chị em đều ham học, trưởng thành đều là Tiến sĩ, Giáo sư, là các nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài trong nhiều lĩnh vực hữu ích. Chị Võ Hồng Anh-con đầu của Đại tướng và người mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, bà Hà cũng yêu thương rất sâu sắc. Các con gái và con dâu Mạc Thúy Hường (vợ Võ Hồng Nam) đều ngưỡng mộ tình yêu của ông bà. Mẹ Hà rất hiền, ông bà yêu nhau với tình cảm gần gũi, thủy chung. Từ khi còn trẻ tới khi tuổi đã cao ông luôn thân mật gọi bà là “Hà”, “chị Hà” và bà luôn gọi ông là “Anh Văn” trìu mến. Trong sinh hoạt gia đình, ông bà rất gần gũi các con, chỉ bảo các việc nội trợ gia đình từ nhặt rau, nấu cơm cùng chị phục vụ... Bà Hà có cuốn sổ ghi chi tiết các món ăn và công thức chế biến để các con thực hành, có lần ông nói vui “Hà làm món trứng tráng ngon nhất thế giới”.

Bà Hà hiền nhưng rất nghiêm khắc trong tuân thủ kỷ luật của tổ chức và dạy con cháu phải phấn đấu làm công dân tốt theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói với các con: “Ba rất biết ơn mẹ, nhờ có mẹ lo hết việc nhà, chăm lo dạy dỗ các con mà ba yên tâm công tác, làm tròn việc dân, việc nước”.

 Đoàn cán bộ của Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần (tác giả đứng chính giữa) trong một lần đến thăm Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà. Ảnh do tác giả cung cấp

Đoàn cán bộ của Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần (tác giả đứng chính giữa) trong một lần đến thăm Đại tướng và phu nhân Đặng Bích Hà. Ảnh do tác giả cung cấp

Là nhà trí thức, phu nhân của một Đại tướng lừng danh nhưng bà Hà sống rất giản dị và trong sáng. Thúy Hườngnhớ lại những lần mẹ Hà cùng Đại tướng đi dự sự kiện hay tiếp khách trong nước và quốc tế, các con quan tâm chuẩn bị trang phục, sửa sang đầu tóc, trang điểm nhẹ nhàng nhưng không cầu kỳ, bà mới chịu nghe theo. Thúy Hường nghẹn ngào kể, đã làm dâu cụ 43 năm. Sau ngày cưới (1-1-1983), bà Hà gọi con dâu út vào phòng riêng. Bà mở hộp lấy chiếc nhẫn đeo vào tay Hường và nói nhỏ: “Mẹ chỉ có 1 chiếc này để tặng con chứ không có để tặng Nam đâu”. Sau Hường mới biết đây là chiếc nhẫn vàng trang sức chị Hạnh Phúc mua ở Liên Xô về tặng cho bà. Hường trân trọng và yêu quý món quà tặng của mẹ Hà lắm!

Từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, phu nhân Đặng Bích Hà cùng các con cháu hương khói ban thờ Đại tướng. Bà vẫn đọc những tác phẩm của người chồng yêu thương để lại cho đất nước, cho quân đội, cho nhân dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình. Bà ra đi cũng vào một ngày tháng 8 âm lịch. Tâm nguyện của các con cháu đón bà về bên ông và sẽ đón liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái cùng về đoàn tụ ở quê hương Quảng Bình!

Thiếu tướng, TS PHẠM TIẾN LUẬT, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/phu-nhan-dang-bich-ha-qua-hoi-uc-cua-cac-con-795554
Zalo