Phụ huynh và nỗi áp lực

Thời hiện đại, con người phải chịu rất nhiều áp lực. Chỉ nói riêng chuyện giáo dục thì ngày nhỏ chịu áp lực học trò, trưởng thành lấy vợ lấy chồng sinh con lại chịu áp lực phụ huynh. Hầu như ai cũng biết, cũng trải nghiệm áp lực, nhưng để làm một phụ huynh thông thái thoát khỏi áp lực ấy thì không phải ai cũng làm được.

Áp lực phụ huynh là cái gì, những gì? Ai đã từng và đang là phụ huynh đều biết. Nó chồng chất lên đôi vai người mẹ trẻ, người bố trẻ đang mưu sinh ở mọi ngành nghề, dù người đó là cô giáo, thầy giáo, hay là vị hiệu trưởng.

Học phí là khoản tiền đầu tiên. Ở thành phố thì phải đóng trên dưới 100.000 đồng/tháng, ở các huyện nghèo thì cũng trên dưới 50.000 đồng/tháng. Có con học đại học, trường công cũng vài triệu đồng, hoặc 5-6 triệu/tháng; học trường tư thì cao hơn rất nhiều, từ một trăm tới vài trăm triệu đồng/năm là chuyện thường tình. Rồi tiền giấy bút, vở, sách giáo khoa, sách tham khảo, tiền xây dựng, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền đồng phục...

Bao nhiêu khoản chi phí phải nộp cho con đi học là bấy nhiêu mồ hôi của phụ huynh. Thu nhập của gia đình trung lưu trở lên thì có thể cáng đáng các khoản nộp ấy, nhưng người lao động lương 6-7 triệu đồng/tháng, là khó khăn vô cùng. Thời trước, khi các phụ huynh còn tuổi đi học, anh chị học lớp trước giữ "vở sạch chữ đẹp", sách giáo khoa để lại cho em học lớp sau hoặc có thể xin học trò hàng xóm. Bây giờ, cứ vào đầu năm học phải mua sách giáo khoa mới. Lãng phí vô cùng và phụ huynh cứ còng lưng kiếm tiền cho con khoác ba lô sách vở đến lớp.

Cô giáo Trương Phương Hạnh từng xin tiền phụ huynh mua laptop.

Cô giáo Trương Phương Hạnh từng xin tiền phụ huynh mua laptop.

Áp lực vì dạy con ngày nay quá khó. Ngày trước phụ huynh có thể giúp con học thêm ở nhà. Vì cái thời, chương trình học của phụ huynh ông giống phụ huynh bố. Bây giờ, kiến thức của phụ huynh bố không còn phù hợp với chương trình của con, đành bó tay và tất cả trông chờ vào sức học của con, vào thầy cô. Dạy chữ không dạy được, mà dạy sống cũng muôn phần gian lao. Nói chuyện dạy dỗ con thời @, có mẹ trẻ lắc đầu quầy quậy bảo: "Không ngán đẻ, chỉ ngán dạy". Câu chuyện dạy con thường là thời sự nóng bỏng ở quán nước vỉa hè, quán cafe và lúc chuyện phiếm ở cơ quan. Nó ám ảnh các phụ huynh trẻ đến đau đầu. Cái này, có yếu tố thời đại tác động đến con cái và cả phụ huynh nữa.

Áp lực vì sĩ diện. Con hàng xóm, con hàng phố, con đồng nghiệp học giỏi thì không có lý gì mà con mình bị kém. Thành ra, cứ đua nhau bắt con mình phấn đấu học giỏi. Cuối kỳ, cuối năm con được xếp loại giỏi thì mặt mũi rạng rỡ tươi tắn, hãnh diện vô cùng; đem thành tích, giấy khen của con khoe ở cơ quan, khoe trên Facebook. Con chỉ khá hoặc trung bình thì giấu biệt, rồi trút hết nỗi tức giận lên đầu con, rồi suy bì, so sánh con mình với con hàng xóm, với các bạn học giỏi trong lớp, chẳng qua cũng là do áp lực thể diện.

Áp lực từ thầy cô giáo. Phụ huynh và giáo viên là mối quan hệ đặc biệt, mối quan hệ này có tác động ảnh hưởng đến kết quả giáo dục của con cái. Giáo viên thì chịu áp lực của nhà trường cần tỷ lệ khá giỏi, với điểm thi đua giữa các trường, với yêu cầu mục tiêu đạt trường chuẩn quốc gia. Cho nên, thầy cô nào cũng muốn học trò của mình khá giỏi. Khá giỏi thì phải nâng cao chất lượng dạy và học. Dạy ở lớp không đủ thì dạy thêm ở nhà. Có thầy cô mở lớp dạy thêm để nâng cao kiến thức học trò gắn với trách nhiệm và trường lớp, nhưng cũng có thầy cô nhằm mục đích tăng kiến thức cho học trò thì ít mà tăng thêm thu nhập thì nhiều. Con học thêm là phải mất tiền. Áp lực lo tiền xảy ra ngay từ khi cô giáo gợi ý mở lớp học thêm. Không học thêm sẽ không được điểm giỏi, thậm chí bị điểm kém.

Áp lực của phụ huynh có khi bắt đầu từ năng lực, trình độ của thầy cô. Một bài toán có thể có nhiều cách giải, học trò thông minh phát hiện ra cách giải khác, đôi khi cũng không được điểm cao vì không giống sách hướng dẫn giáo viên. Khi tôi viết bài này, đang xảy ra câu chuyện "thời sự" nóng bỏng là bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" của nhà thơ Tô Hà viết cho học sinh khiếm thính, được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 (2018), bị trọn vẹn đưa lên một group và nhấn mạnh 2 câu: "Cánh sẻ vụt qua song/ Hót nắng vàng ánh ỏi", rồi kêu lên: "Ối giời ơi, cứu tôi! Thơ thế này cũng đưa vào sách giáo khoa cho học sinh là sao?".

Có hàng ngàn người vào đọc, khen hay, nhưng cũng có hàng ngàn người chê thơ dở, trong đó có nhiều giáo viên, rồi "đấu tố" tác giả, chê bai người biên soạn. Chê vì họ quen với lối đọc lối cảm cũ mòn, dùng từ quen thuộc. Làm một phụ huynh mà không may con mình phải học cô dạy toán chỉ chăm chăm đúng sai vào cách hiểu của mình, hay phải học thầy đọc hiểu rồi sỉ vả bài thơ "Tiếng hạt nảy mầm" thì không hoang mang mới là lạ. Gặp những chuyện tương tự như thế, trong lớp có học trò thông minh, sáng tạo sẽ tranh luận với thầy cô. Tranh luận hăng "quá mù ra mưa" thành ra "hỗn". Trò "hỗn" thì phụ huynh bị mời đến gặp giáo viên. Vậy là, bức xúc, căng thẳng.

Phụ huynh chịu áp lực từ giáo viên có thể bắt đầu từ thầy cô gợi ý tặng quà. Ngày Tết, ngày Nhà giáo, ngày 8/3,... cô xa xôi, bóng gió gợi ý đang thiếu cái nọ, đang không có cái kia. Điển hình của sự gợi ý này là hiện nay dư luận xã hội đang sục sôi bàn luận chuyện cô Trương Phương Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP Hồ Chí Minh) xin tiền của phụ huynh mua laptop. Một số phụ huynh không đồng ý, cô "dỗi" không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Có người bảo: Cô xin không cho thì thôi, đừng làm chuyện bé xé thành to. Có người lôi chuyện cô bán mì tôm, xúc xích ăn sáng cho học trò rồi nặng lời bảo cô "xin đểu", không nên ở lại ngành giáo dục. Tôi thì nghĩ: ngành giáo dục còn rất nhiều thầy cô tử tế, trong sáng, vì học sinh thân yêu, số giáo viên như cô giáo xin laptop hay vật chất khác chỉ là rất ít, không đại diện cho các nhà giáo Việt Nam.

Áp lực phụ huynh từ điểm học và thi của con. Con được điểm giỏi không chỉ là niềm tự hào của bố mẹ, mà còn là cơ hội để bước vào đại học. Phụ huynh nào cũng muốn con phải học giỏi, muốn đứng top 5, top 10. Học giỏi còn chả ăn ai, huống hồ là học khá và trung bình. Học khá và trung bình thì nguy cơ chỉ học nghề, hay đi phụ hồ, lao động phổ thông rất cao. Vả lại, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng quy chế xét tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh đại học từ học bạ kết hợp với thi. Thành ra, điểm học bạ lớp 11 và lớp 12 rất quan trọng để học sinh vào đời. Mà điểm học bạ lại do sức học của con, nhưng đôi khi cũng phụ thuộc vào cảm tính của thầy cô. Thêm 1 điểm, 0,5 điểm, thậm chí 0,25 điểm là có thể là điểm giỏi. Ai mà không muốn con mình có học bạ đẹp? "Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" không đơn thuần là quan hệ tình cảm vô tư như người xưa nói nữa, mà là thái độ ứng xử của phụ huynh với thầy cô.

Áp lực vì hội phụ huynh hăng hái vẽ chuyện và đóng góp. Hội phụ huynh tồn tại đã nhiều năm, là cầu nối gia đình và nhà trường, làm được nhiều việc tốt, nhưng cũng nhiều điều tiếng không hay tùy vào ông chủ tịch hội. Hội phụ huynh vô tư, trong sáng, thẳng thắn vì tập thể, vì tất cả con em chúng ta, sẽ biết cần phải đóng góp khoản gì, đóng bao nhiêu là phù hợp. Ông chủ tịch và các thành viên hội phụ huynh mà tư lợi, muốn nhà trường và thầy cô chú ý đến con mình nhiều hơn, ưu tiên nhiều hơn, sẽ hoạt động tư lợi nhiều hơn. Vẽ ra nhiều chuyện và hăng hái đóng góp, quyên góp cả những việc không cần thiết, không phải làm, hay đóng góp nhiều để lấy lòng nhà trường và thầy cô. Phụ huynh nào lên tiếng phản biện thì kéo bè dập tắt tiếng nói chân thành ấy. Cho nên, áp lực từ hội phụ huynh tư lợi cũng nhọc lắm.

Ấy là chưa kể phụ huynh thời này bị áp lực từ thời đại và xã hội. Thời đại ngày nay là thời đại của cách mạng khoa học và công nghệ, của internet, của số hóa. Không gian của phụ huynh ngày xưa là cái làng, hay khu phố, bây giờ không gian của con còn thêm cả thế giới mạng và công nghệ giải trí. Con đường đi học của phụ huynh là từ làng, phố đến trường với bước chân trần. Con đường đi học của con bây giờ có khi là ở nhà vẫn nghe thầy cô giảng qua laptop, điện thoại.

Ngày xưa phụ huynh lúc học tiểu học tự đi bộ hoặc đi xe đạp đến trường. Bây giờ, hầu hết phụ huynh phải chở con học tiểu học đến lớp và chầu chực ở cổng trường đón con về với bao nhiêu nỗi lo. Nỗi lo con không đến trường hoặc học xong không về nhà. Nỗi lo con vào quán chơi game, rủ nhau tụ họp hút xách. Nỗi lo mất con như chơi..., vì bao nhiêu cám dỗ trên đường đi học.

Làm phụ huynh thời nay, bao nhiêu nỗi lo là bấy nhiêu áp lực. Có cách nào thoát khỏi áp lực đó không? Rất khó, bởi các áp lực ấy tầng tầng lớp lớp, giăng mắc, rối mù; tuy nhiên không tránh được hoàn toàn nhưng vẫn có thể né và hạn chế được phần nào. Hãy tập làm người phụ huynh thông thái, cũng giống như tập làm người tiêu dùng thông thái. Trước hết, bố mẹ nên làm bạn với con, đồng cảm, chia sẻ với con. Con sẽ trò chuyện, tâm sự với bố mẹ về những chuyện vui buồn nó gặp phải khi ở nhà, lúc ở trường, phụ huynh sẽ biết mối quan hệ của học trò - thầy cô vui vẻ hay bức xúc, với bạn cùng lớp ra sao, bị điểm thấp thế nào?

Biết sẽ cùng con giải quyết. Phụ huynh cũng cần phải biết Luật Giáo dục, biết nội quy nhà trường. Biết cái gì cần và cái gì không cần phải đóng góp để tham gia hoặc kiên quyết chối từ bằng tấm lòng ngay thẳng. Nhưng, làm gì thì làm cũng phải biết trân trọng nhà trường và thầy cô đã dạy dỗ con mình, biết quan tâm tôn trọng những tháng năm làm học trò của con; vì mình cũng đã từng là trò trò và sau này con mình cũng sẽ là phụ huynh.

Sương Nguyệt Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/phu-huynh-va-noi-ap-luc-i747071/
Zalo