Phụ huynh thiếu quan tâm, trẻ vị thành niên dễ phạm tội
Đó là thực trạng đang xảy ra trong không ít gia đình ngày nay, nhất là gia đình vợ chồng tan vỡ hạnh phúc, lao động nghèo… Khi công an yêu cầu đến làm việc thì cha mẹ mới hay biết con mình đã gây án.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Ở Bình Thuận, những năm qua, Tòa án nhân dân 2 cấp đã xét xử nhiều vụ liên quan đến tội phạm ở tuổi vị thành niên. Mỗi vụ 10 - 20 bị cáo trở lên, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã có ít nhất 2 vụ. Cụ thể vào tháng 7, Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong mở phiên tòa xét xử 20 bị cáo trong vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra đêm 24/6/2023 trên địa bàn huyện. Phần lớn các bị cáo là học sinh. Tiếp theo Tòa án nhân dân TP. Phan Thiết xét xử 31 bị cáo “Gây rối trật tự công cộng” trong vụ hỗn chiến đêm 2/7/2023 ở phường Lạc Đạo. Nhiều bị cáo từ 14 - 16 tuổi, trong đó có bị cáo đã bỏ học từ rất sớm.
Chỉ tính sơ bộ 2 vụ trên đã có hơn 50 trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, chưa kể các vụ khác của những năm trước. Điều này cho thấy, trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng ở Bình Thuận. Nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên phạm tội, có nhiều nguyên nhân, trong đó có phần nhiều là nuông chiều từ nhỏ, thiếu sự quan tâm quyết liệt... của ông bà, cha mẹ.
Minh chứng, trong những phiên tòa xét xử, nhiều cha mẹ chia sẻ do mãi lo làm ăn nên khi con đi gây án không hề hay biết, chỉ biết khi công an yêu cầu con mình đến làm việc. Bà PTTT, người bán hàng rong, mẹ của bị cáo NQG cho biết: “Ban ngày G theo cha đi phụ hồ, buổi tối về nhà ăn cơm, rồi đến nhà bà ngoại ngủ vì nhà chật chội, hơn nữa bà ngoại ở một mình. Hôm xảy ra vụ việc cháu không về nói, nếu công an không yêu cầu cháu đến làm việc thì tôi cũng không biết”.
Tương tự, ông Nguyễn H.H, một lao động biển, cha của bị cáo NQA chia sẻ: “Tưởng nó đi chơi với bạn bè bình thường, đâu có biết nó đi đánh nhau”. Với bà CTH, bà ngoại của PĐH thổ lộ: “H ở với bà từ khi cha mẹ chia tay nhau. Hôm ấy khuya rồi không thấy H về nhà, tôi gọi H về, rồi H về… nhưng nửa đêm H đi hồi nào cũng không biết”. Trong khi bà ĐTH - mẹ của PGB nói tại phiên xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra đêm 24/6/2023 ở Tuy Phong nói: “Khi xảy ra vụ việc không cha mẹ nào biết, chỉ có mấy đứa chúng nó biết, rồi ỉm đi không về nhà nói với ai. Mãi đến khi công an mời chúng nó lên, nhà trường thông báo, chúng tôi mới biết”.
Qua các chia sẻ đã nói lên phần nào sự thiếu quan tâm sâu sát của ông bà, cha mẹ đối với con cái đang tuổi lớn trong các gia đình hiện nay, nhất là gia đình tan vỡ, lao động nghèo... Cũng có gia đình khá giả, nhưng nuông chiều con cái từ nhỏ, muốn gì cho nấy, thành thói quen, lớn lên cha mẹ không đáp ứng sinh ra coi thường dẫn đến cha mẹ nói không nghe lời. Đó là điều bất hạnh nhất của các bậc làm cha mẹ khi gánh chịu hậu quả có phần do chính mình tạo ra. Bởi có quan tâm thì mới nắm được những thông tin, diễn biến tâm tư tình cảm của các con trong độ tuổi vị thành niên. Cha mẹ, người thân có gần gũi với các con thì các con mới mở lòng sẵn sàng thổ lộ, bày tỏ cảm xúc, tâm tư của mình với người lớn. Có như vậy mới hiểu, mới nắm được thông tin, ý định của các con đi đâu, làm gì. Từ đó định hướng, giúp các con vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, kịp thời ngăn chặn các con tiếp xúc với người xấu… sa vào vòng lao lý.
Ngoài ra về phía nhà trường, khu dân cư cần có các mô hình, câu lạc bộ để thu hút trẻ vị thành niên tham gia sinh hoạt lành mạnh như: Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thi đua học tập, làm từ thiện... hỗ trợ cha mẹ trong quản lý con cái. Những câu lạc bộ này sẽ tạo sân chơi lành mạnh giúp trẻ giảm căng thẳng trong học tập. Việc tham gia sinh hoạt, có việc làm, trẻ không còn thời gian để lang thang, không bị bạn xấu lôi kéo tụ tập đua xe, rơi vào các tệ nạn xã hội, dẫn tới có những hành vi vi phạm pháp luật.