Phụ huynh, học sinh 'chia phe' khi Bộ GD&ĐT bắt buộc học 2 buổi/ngày

Nhiều phụ huynh, học sinh đồng tình với việc học 2 buổi/ngày, song không ít ý kiến băn khoăn, cho rằng học sinh ít thời gian tự học, thêm áp lực bài vở hoặc không tiện đưa đón...

“Em không muốn học cả ngày lắm. Nếu cả ngày ở lớp chỉ học những môn trong thời khóa biểu, em sẽ không có đủ thời gian học thêm để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học”.

“Em không muốn học cả ngày lắm. Nếu cả ngày ở lớp chỉ học những môn trong thời khóa biểu, em sẽ không có đủ thời gian học thêm để chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học”.

Đó là chia sẻ của Thu Ngọc, học sinh lớp 11 tại Hà Tĩnh, khi thảo luận về kế hoạch cho học sinh THCS và THPT học 2 buổi/ngày do Bộ GD&ĐT đưa ra mới đây.

Nữ sinh cho rằng kế hoạch này có thể ảnh hưởng đến học sinh cuối cấp - những người phải dành nhiều thời gian trong ngày để ôn tập cho các môn học, bài thi khác nhau.

Người muốn, người không

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Ngọc cho biết kể từ khi Bộ GD&ĐT quy định không được dạy thêm có thu phí tại trường, em được nghỉ học thêm buổi chiều. Ngoại trừ học sinh lớp 12 được ôn thi miễn phí cùng thầy cô, học sinh lớp 10, 11 đều phải dừng hoạt động này.

Không được học thêm ở trường, Ngọc chuyển qua đăng ký các lớp học thêm online trên mạng để không bị mất nhịp ôn tập. Nữ sinh dự tính khi lên lớp 12, em sẽ bắt đầu học IELTS và ôn thi đánh giá năng lực để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học.

Thế nhưng, mới đây, Bộ GD&ĐT lại yêu cầu các trường THCS và THPT tổ chức học 2 buổi/ngày. Học sinh sẽ học các môn trong chương trình vào cả buổi sáng và chiều, đồng thời tham gia thêm các chuyên đề, hoạt động giáo dục ngoài lề.

“Em tưởng bộ cho học cả ngày thì buổi sáng học chương trình chính, buổi chiều học thêm, như vậy bọn em sẽ có thêm thời gian ôn tập. Nhưng nếu cả ngày chỉ học chương trình chính, em chỉ thấy mất thời gian, không giúp ích nhiều cho học sinh, nhất là học sinh cuối cấp”, Ngọc nói.

Tương tự, chị Nguyễn Tâm, phụ huynh có con học THCS ở TP.HCM, cũng nói rằng chị không ủng hộ việc học 2 buổi/ngày, bởi trường con chị theo học không có hoạt động bán trú.

Trước khi Bộ GD&ĐT cấm dạy thêm thu phí tại trường, con chị Tâm vẫn đi học thêm, nhưng chỉ học 3 buổi/tuần nên chị không mất nhiều thời gian đưa đón. Nếu sắp tới, bộ áp dụng quy định học cả ngày, chị sợ không thể sắp xếp thời gian để sáng đưa con đi học, trưa đón về rồi lại chiều đưa con đi học.

“Nếu tính chuyện cho trẻ học 2 buổi/ngày, chí ít, bộ cũng nên tính đến chuyện tổ chức bán trú thế nào, không nên để các con di chuyển quá nhiều, vừa nguy hiểm vừa mất thời gian”, chị Tâm nêu quan điểm.

 Dự kiến trong tháng 5, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Dự kiến trong tháng 5, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành hướng dẫn về việc dạy học 2 buổi/ngày. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, không ít bài viết, bình luận chia sẻ quan điểm về việc học 2 buổi/ngày. Nhiều phụ huynh, học sinh đồng tình với quan điểm của chị Tâm và Thu Ngọc, bổ sung rằng việc này khiến trẻ học nhiều hơn, gây căng thẳng, mệt mỏi; hoặc phải dồn lớp học thêm sang buổi tối hoặc cuối tuần.

Thế nhưng, trái ngược với những quan điểm trên, chị Thanh Ngân (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) lại “nhiệt liệt ủng hộ” việc học sinh học 2 buổi/ngày, lý tưởng hơn là các trường tổ chức bán trú.

Tám năm nay, 5 ngày mỗi tuần, con gái chị (hiện học lớp 8) đều học ở trường cả ngày nhưng không có chuyện con căng thẳng, áp lực hơn.

Buổi sáng, con được vào học muộn và chiều tan học sớm. Điều này giúp con có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Trong khi đó, chị yên tâm làm việc, không phải thấp thỏm đón con buổi trưa hay sắp xếp hoạt động buổi chiều cho trẻ.

Về chương trình học, chị Ngân cho hay các môn học theo chương trình được rải đều vào cả hai buổi sáng chiều, xen kẽ là các chuyên đề học tập, hoạt động như STEM, kỹ năng, ngoại khóa, câu lạc bộ…

Đặc biệt, học 2 buổi/ngày, con gái chị được nghỉ thứ bảy, gia đình muốn đi chơi hay về quê luôn trọn vẹn hơn. Ngoài ra, trường con cũng thường tổ chức hoạt động ngoại khóa vào thứ bảy thay vì trong tuần, chị sẽ được đồng hành, tham gia cùng con.

Cũng theo chị Ngân, nếu triển khai học 2 buổi/ngày, việc học thêm ngoài nhà trường có thể sẽ giảm bởi phụ huynh không phải tất tả tìm nơi “giữ con” buổi chiều.

Phụ huynh tranh cãi vì chưa hiểu rõ lợi ích của học 2 buổi/ngày

Hiện tại, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, số tiết học trung bình một tuần với học sinh tiểu học là 25-30, THCS 29-29,5 và THPT là 28,5 tiết.

Trước đây, việc học 2 buổi/ngày bắt buộc ở bậc tiểu học, trong khi đó, cấp THCS và THPT được khuyến khích thực hiện. Tuy nhiên, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, yêu cầu hai cấp học này phải dạy 2 buổi/ngày.

Bộ đã có hướng dẫn nếu học 2 buổi/ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT. Buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT là 48.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội), nhận định các phụ huynh phản ứng trước thông tin mới có thể do chưa hiểu hết lợi ích của việc học 2 buổi/ngày.

“Dạy học 2 buổi/ngày khác với việc học chính khóa buổi sáng và học thêm buổi chiều như trước đây”, thầy Lý nói.

 Giáo viên tin rằng việc học 2 buổi/ngày có những lợi ích nhất định. Ảnh: Khương Nguyễn.

Giáo viên tin rằng việc học 2 buổi/ngày có những lợi ích nhất định. Ảnh: Khương Nguyễn.

Theo đó, nếu áp dụng học 2 buổi/ngày, học sinh sẽ chỉ học từ thứ hai đến thứ sáu, nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Việc này có nhiều thuận lợi, giúp việc học giảm áp lực về thời gian cũng như lượng kiến thức trong một buổi học.

Thầy giáo lấy ví dụ hiện tại, học 1 buổi/ngày, 6 ngày/tuần, học sinh phải học 5 tiết trong một buổi sáng, vào học sớm và tan muộn, điều này có thể khiến các em căng thẳng, uể oải, nhất là vào cuối buổi. Trong khi đó, nếu áp dụng học 2 buổi/ngày, số tiết sẽ dàn xuống buổi chiều, có thể là buổi sáng học 4 tiết và buổi chiều học 3 tiết.

“Như vậy, các em sẽ giảm áp lực”, theo thầy Lý.

Bên cạnh đó, việc học 2 buổi/ngày cũng giúp nhà trường có thêm thời gian để tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn cho học sinh.

Đồng quan điểm với thầy Lý, cô Lê Dung, giáo viên THPT tại Hà Nội, nói rằng việc Bộ GD&ĐT lên kế hoạch cho học sinh học 2 buổi/ngày là có lý do. Theo đó, hiện nay, ở bậc THCS và THPT, với các trường học 1 buổi/ngày, các môn chính khóa đều dồn vào một buổi sáng. Buổi chiều, trẻ sẽ nghỉ ở nhà.

Cô giáo lấy ví dụ ở trường cô công tác, nhiều lớp phải học liên tục Toán - Toán - Văn - Văn trong cùng một buổi sáng. Điều này khiến học sinh mệt mỏi, căng thẳng.

“Nếu Bộ GD&ĐT yêu cầu các cấp đều học 2 buổi/ngày, tôi nghĩ bộ đã có những tính toán hợp lý để giảm áp lực cho trẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục”, cô Dung nói.

Dù thay đổi mới đem lại nhiều lợi ích, song thầy Nguyễn Khắc Lý vẫn còn một số băn khoăn.

Cụ thể, theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông (Bộ GD&ĐT), 5 phần bắt buộc nhà trường phải đưa vào nội dung giáo dục khi tổ chức dạy học 2 buổi trên ngày, gồm: Giáo dục kỹ năng số, STEM, hướng nghiệp, Luật An toàn giao thông và các chuyên đề, hoạt động giáo dục hình thành năng lực cho học sinh.

Thầy Lý cho rằng nếu bổ sung những nội dung này, các trường có thể phải bổ sung thêm giáo viên, hoặc giáo viên phải tăng số tiết dạy.

“Về chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường có thể đáp ứng, nhưng giáo viên có thể sẽ dạy quá giờ, liên quan đến kinh phí chi trả”, thầy Lý băn khoăn.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất các trường cũng là vấn đề cần lưu ý, bởi không phải trường nào cũng đủ phòng học để tổ chức học 2 buổi/ngày.

Vì vậy, thầy Lý đề xuất Bộ GD&ĐT có thể quy định bậc THCS và THPT không tổ chức học vào ngày thứ bảy. Như vậy, các trường bắt buộc phải điều chỉnh kế hoạch học trong tuần, có thể bố trí học chính khóa buổi sáng và thêm 1-3 buổi chiều/tuần, thay vì học cả 5 buổi chiều trong tuần.

“Như vậy, học sinh sẽ có nhiều thời gian tự học, tự trau dồi hơn”, theo thầy Lý.

Tương tự, dù rất ủng hộ việc học 2 buổi/ngày, song chị Thanh Ngân cũng cho rằng việc này chỉ nên áp dụng ở bậc tiểu học và THCS, trẻ còn nhỏ, chưa ý thức được việc tự học.

Ở bậc THPT, học sinh lớn hơn, đã có sự chủ động, trường có thể bố trí nghỉ thứ bảy như đề xuất của thầy Lý. Thời gian còn lại, học sinh có thể tự học hoặc tham gia học thêm nếu có nhu cầu.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phu-huynh-hoc-sinh-chia-phe-khi-bo-gd-dt-bat-buoc-hoc-2-buoingay-post1543401.html
Zalo