Phòng vệ thương mại từ Hoa Kỳ ngày càng tăng, 'đe dọa' triển vọng xuất khẩu

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để làm được điều này, cần sự tăng trưởng không nhỏ từ thị trường xuất khẩu chủ lực Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ đang ngày càng tăng, đòi hỏi doanh nghiệp và cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu rủi ro và duy trì vị thế cạnh tranh.

Trung bình 1 tháng/vụ việc

11 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận chiều hướng tăng nhanh, mức tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%). Đi kèm với đó, số vụ phòng về thương mại từ Hoa Kỳ với hàng xuất khẩu Việt Nam có chiều hướng tăng theo.

Tháng 9/2024, các công ty thép và một số liên đoàn lao động tại Hoa Kỳ đã nộp đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia.

Tháng 9/2024, các công ty thép và một số liên đoàn lao động tại Hoa Kỳ đã nộp đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn nhập khẩu từ Việt Nam và một số quốc gia.

Bà Nguyễn Yến Ngọc, Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam. Riêng 11 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 11 vụ việc với Việt Nam.

Sản phẩm bị điều tra bởi Hoa Kỳ cũng ngày càng đa dạng. Từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất lớn như pin năng lượng mặt trời (trị giá xuất khẩu 4,2 tỷ USD), tủ gỗ (2,7 tỷ USD) đến những mặt hàng giá trị rất thấp như khay đúc màng sợi (50 triệu USD) hay đĩa giấy (9 triệu USD) cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.

“Qua công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, chúng tôi nhận thấy số lượng vụ việc tăng dần qua các năm. Riêng năm 2024 hiện đã có 11 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm trước.

Đặc biệt, Hoa Kỳ điều tra rất nhiều vụ việc chống trợ cấp trong năm nay. Đây là tiền lệ mới vì trước đây họ rất ít điều tra vấn đề này với Việt Nam. Thời điểm từ năm 2023 trở về trước chỉ điều tra có 9 vụ thôi nhưng riêng năm 2024 đã có 5 vụ rồi”, bà Ngọc cho biết.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ có đặc điểm hay sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bên cạnh các công cụ thuế quan khác. Mức thuế áp dụng bởi các biện pháp phòng vệ thương mại có thể lên rất cao, linh hoạt. Điều này khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong kế hoạch kinh doanh. Với một số trường hợp doanh nghiệp không hợp tác, mức thuế có thể lên tới 600 - 700%. Đơn cử như vụ việc điều tra với sản phẩm đệm mút.

“Do họ không coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên họ sử dụng các phương pháp phi thị trường, áp dụng các giá trị thay thế của nước thứ 3 để tính toán mức thuế cho Việt Nam. Điều này khiến cho chúng ta bị đánh thuế cao và không phản ánh đúng thực trạng sản xuất kinh doanh của Việt Nam”, đại diện Phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài lý giải.

Hoa Kỳ cũng thường áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian dài. Đơn cử, với cá tra, cá basa và tôm nước ấm của Việt Nam, họ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong hơn 20 năm và vẫn còn đang tiến hành rà soát hàng năm, chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Để doanh nghiệp đương đầu hiệu quả

Theo các chuyên gia, khi thương mại tăng lên nhanh chóng, tần suất các vụ việc phòng vệ thương mại chắc chắn sẽ phải tăng theo. Đây là xu hướng không thể cưỡng lại được. Do đó cần chuẩn bị các giải pháp, định hướng để doanh nghiệp đương đầu hiệu quả với các vấn đề.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn cho rằng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, đặc biệt là minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Ông Hòa nhấn mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, nhất là đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Về phía Cục Phòng vệ Thương mại, bà Nguyễn Yến Ngọc cho biết, đơn vị đã xây dựng danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại; đăng tải công khai trên trang website của Cục, Bộ; gửi thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan; đồng thời tổ chức buổi tập huấn, hội thảo với quan điểm phòng tránh từ sớm, từ xa. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, nghiên cứu và nắm được những kiến thức nhất định về phòng vệ thương mại.

Trong trường hợp vụ việc xảy ra, Cục làm rất nhiều công việc như hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp; đại diện chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin, trả lời bảng câu hỏi từ phía Hoa Kỳ để làm rõ chính sách; phản biện lại những cáo buộc không phù hợp với quy định quốc tế và quy định của chính Hoa Kỳ.

Bà Ngọc cũng nhấn mạnh, khi có một vụ việc xảy ra, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức như tốn chi phí, nguồn lực để xử lý vụ việc; khó duy trì xuất khẩu; nguy cơ mất thị trường… Tuy nhiên không phải trong bất cứ vụ việc nào xảy ra cũng là tiêu cực.

“Chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm xử lý và cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, chỉ riêng năm 2024, chúng ta đã chứng minh được một số doanh nghiệp không bán phá giá đĩa giấy, nhờ vậy thuế chống trợ cấp áp dụng sơ bộ rất thấp chỉ hơn 5%. Chúng ta cũng đã đề nghị rà soát đối với cá tra, cá basa trong đợt điều tra gần nhất và tất cả doanh nghiệp tham gia rà soát đều được hưởng thuế 0%. Chúng ta cũng đã lập luận, phản biện cơ quan điều tra của Hoa Kỳ dẫn đến chấm dứt điều tra chống lẩn tránh đối với tủ gỗ, chấm dứt điều tra chống bán phá giá đối với nhôm, cũng như chấm dứt điều tra phạm vi sản phẩm với bánh xe kéo…. Những kết quả trên giúp rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể giữ vững thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ, cũng như có thể cạnh tranh với các đối tác cùng bị điều tra", bà Ngọc nói.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/phong-ve-thuong-mai-tu-hoa-ky-ngay-cang-tang-de-doa-trien-vong-xuat-khau-1104229.html
Zalo