Phòng và điều trị bệnh võng mạc tiểu đường

Tất cả bệnh nhân tiểu đường (đái tháo đường) đều có nguy cơ bị bệnh võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên, do chủ quan, nhiều bệnh nhân tiểu đường không đi khám mắt định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ, chỉ đến khi mắt bị biến chứng nặng, nhìn mờ mới đi khám. Khi đó, việc điều trị cần rất nhiều thời gian mà mắt khó có thể phục hồi hoàn toàn.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Sỹ Sang, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh:H.Yến

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Sỹ Sang, Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh:H.Yến

Để phòng bệnh võng mạc tiểu đường, bên cạnh việc tuân thủ điều trị để ổn định đường huyết, bệnh nhân cần tái khám mắt 3-6 tháng/lần.

Biến chứng nặng vì không khám, điều trị kịp thời

Ông K. (66 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) bị tiểu đường type 2 từ 10 năm nay nhưng ông không đi khám mắt định kỳ. Đầu năm nay, một bên mắt của ông K. bị mờ đi, nhìn không rõ. Ông K. đi khám mắt tại một phòng khám mắt ở thành phố Biên Hòa và được bác sĩ soi đáy mắt, phát hiện bị xuất huyết nội nhãn.

Bác sĩ nội trú chuyên khoa I Nguyễn Sỹ Sang (Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh) là người trực tiếp khám và điều trị cho ông K. Bác sĩ Sang cho biết, ông K. phải mất đến 6 tháng điều trị để cải thiện thị lực, nhưng không thể phục hồi hoàn toàn.

Quy trình khám bệnh võng mạc tiểu đường gồm: đo thị lực; khám tổng quát về mắt: đo nhãn áp, khám mi mắt, kết giác mạc, tiền phòng, mống mắt, thủy tinh thể để đánh giá chung chức năng của mắt; tra thuốc giãn đồng tử để khám dịch kính, võng mạc; chụp hình màu đáy mắt để nhận định các tổn thương giai đoạn sớm. Tùy theo giai đoạn, bệnh võng mạc tiểu đường sẽ có phương pháp điều trị khác nhau.

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Sang từng khám và điều trị cho một bệnh nhân tiểu đường 35 tuổi bị võng mạc tiểu đường. Bệnh nhân này bị mờ cả 2 mắt và được điều trị bằng cách tiêm thuốc trực tiếp vào mắt, thời gian điều trị 12 tháng, nhưng chỉ tạm phục hồi thị lực được khoảng 50%.

Theo bác sĩ Sang, trường hợp bệnh nhân tiểu đường bị biến chứng bệnh võng mạc tiểu đường khá phổ biến, nhiều nhất là bệnh nhân tiểu đường type 2 trong nhóm độ tuổi từ 50-70.

“Bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 trong khoảng thời gian từ 5-10 năm thường có nguy cơ cao dẫn đến bệnh võng mạc tiểu đường. Ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi bị mắc đái tháo đường type 1 thì nguy cơ biến chứng võng mạc tiểu đường thường nhanh hơn, thường trong vòng từ 1-3 năm. Theo một nghiên cứu của Mỹ, sau 15 năm thì hơn 50% bệnh nhân tiểu đường sẽ bị biến chứng võng mạc” - bác sĩ Sang cho hay.

Cần tái khám định kỳ và tuân thủ điều trị

Võng mạc là lớp màng mỏng nằm ở sâu trong đáy mắt, có nhiệm vụ chuyển đổi ánh sáng đi vào mắt thành tín hiệu, gửi đến não và biến chúng thành hình ảnh mà chúng ta thấy được. Những bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ biến chứng võng mạc tiểu đường, gây chảy máu trong mắt, phù hoàng điểm, bong võng mạc, có thể dẫn tới mù lòa suốt đời.

Theo bác sĩ Nguyễn Sỹ Sang, bệnh võng mạc tiểu đường thường diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm của bệnh thì người bệnh không thấy có triệu chứng gì nên rất khó nhận biết. Vì vậy, nếu không đi khám mắt định kỳ, bệnh nhân sẽ không biết bệnh để được điều trị kịp thời. Chỉ đến khi bệnh diễn tiến nặng, có triệu chứng thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, cần nhiều thời gian điều trị và khó phục hồi hoàn toàn.

Các triệu chứng ở giai đoạn nặng gồm: mắt nhìn mờ lóa và sợ ánh sáng; đột ngột không nhìn thấy một vùng hoặc toàn bộ sự vật; thấy các vật thể lạ như: bong bóng nước, vòng tròn, đốm xám, màng nhện, mảng đen… trôi nổi trong tầm nhìn; khó nhìn hơn vào ban đêm; thấy mọi vật nhạt nhòa và tối hơn; mắt đau nhức, mỏi cộm; đỏ mắt, căng mắt; chảy nước mắt sống.

“Thường các bệnh nhân đái tháo đường rất chủ quan và không đi khám mắt để tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường. Họ chỉ đi khám khi mắt bị mờ (do phù điểm vàng, chảy máu trong mắt…). Khi đó, bệnh thường đã biến chứng nặng, khó đáp ứng điều trị. Tệ hơn nữa là bệnh nhân bị bong võng mạc do tiểu đường hầu hết sẽ rất khó phẫu thuật. Giai đoạn này cũng là giai đoạn cuối của bệnh lý võng mạc tiểu đường” - bác sĩ Sang giải thích.

Để phòng và điều trị kịp thời bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh nhân đái tháo đường đi khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần tại phòng khám chuyên khoa mắt để kiểm tra và theo dõi các biến chứng của tiểu đường lên mắt. Khi đã bị biến chứng võng mạc tiểu đường, bệnh nhân cần tuân thủ lịch tái khám và điều trị của bác sĩ chuyên khoa mắt. Cùng với đó, bệnh nhân cần tiếp tục điều trị để kiểm soát đường huyết ổn định.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/phong-va-dieu-tri-benh-vong-mac-tieu-duong-d807d5d/
Zalo