Phòng trừ sâu bệnh hại lúa cuối vụ
Vụ mùa năm nay, nông dân trong tỉnh gieo cấy được hơn 24 nghìn héc-ta lúa mùa. Đến cuối tháng 8, ở các địa phương như Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi… có nhiều diện tích lúa chín đỏ đuôi, tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 làm nhiều diện tích lúa bị đổ, mưa lớn gây ngập úng. Qua đánh giá thiệt hại do bão số 3, toàn tỉnh có 10.539 héc-ta lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 5.205 héc-ta thiệt hại trên 70% sản lượng, 5.334 héc-ta thiệt hại 30-70%. Lúa bị đổ cùng với thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Hiện nay, nhân viên phòng nông nghiệp và PTNT, trạm bảo vệ thực vật, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực thăm đồng, điều tra sự phát sinh, mức độ gây hại của sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ.
Nông dân huyện Phù Cừ gieo cấy được hơn 3,2 nghìn héc-ta lúa mùa, hiện nay, các trà lúa tiếp tục có nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc - vi khuẩn, bệnh khô vằn, sâu đục thân hai chấm. Trước tình hình sâu bệnh hại lúa cuối vụ có xu hướng phát sinh, phát triển mạnh, trạm bảo vệ thực vật (BVTV) huyện đã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, những diện tích nhiễm sâu bệnh được nhân viên kỹ thuật BVTV thông báo cụ thể tới từng địa phương để nông dân chủ động phòng trừ.
Tại huyện Khoái Châu, nông dân đang khẩn trương phòng trừ sâu bệnh hại lúa. Bà Hoàng Thị Thái, nông dân xã Phùng Hưng đang tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành phun trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho diện tích lúa của gia đình cho biết: Qua các bản tin thông báo trên hệ thống đài truyền thanh xã về tình hình sâu bệnh gây hại lúa và các biện pháp phòng trừ, tôi và các hộ đang tích cực thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời cho diện tích lúa nhiễm sâu bệnh. Nông dân trong xã tuân thủ việc phòng trừ theo nguyên tắc “4 đúng”, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo hướng dẫn.
Qua kiểm tra của Chi cục BVTV, hiện nay, rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh và gây hại cục bộ trên các trà lúa (chủ yếu trên chân ruộng cao, diện lúa bị đổ); mật độ phổ biến 200 - 500 con/m2 , nơi cao 800 - 1.500 con/m2 (có ổ trên 3.000 con/m2); mật độ ổ trứng nơi cao trên 300 ổ/m2. Diện tích nhiễm 485 héc-ta, nhiễm nặng 14 héc-ta, nông dân phòng trừ được 411 héc-ta. Sâu đục thân bướm 2 chấm: Sâu non nở và gây hại nhẹ, cục bộ ở một số ruộng bướm dồn; tỉ lệ hại nơi cao 2-3% số bông. Diện tích nhiễm 64,3 héc-ta, nhiễm nặng 0,7 héc-ta, nông dân đã phòng trừ ruộng có mật độ ổ trứng cao. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh và gây hại gia tăng cục bộ trên một số giống lúa nhiễm như Bắc thơm số 7, Hương thơm 1, TBR 225…, nhất là sau những trận mưa dông; tỉ lệ bệnh nơi cao 7-10% số lá (cấp bệnh 1-3), cá biệt trên 30% số lá (cấp bệnh 5-7). Diện tích nhiễm 609 héc-ta, trong đó nhiễm nặng 135 héc-ta, nông dân đã phòng trừ được 874 héc-ta. Ngoài ra, bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh và gây hại chủ yếu trên diện tích lúa gieo cấy muộn, cấy dày, ruộng bón phân không cân đối NPK; tỉ lệ bệnh phổ biến 3-5% số dảnh, nơi cao 10-15% số dảnh; bệnh đen lép hạt gây hại rải rác ở những ruộng lúa giai đoạn trỗ - phơi màu gặp mưa nhiều, tỉ lệ hại nơi cao 5-10%.
Giai đoạn hiện nay là thời điểm thuận lợi cho lúa mùa làm hạt, đồng thời cũng là giai đoạn cao điểm phòng trừ sâu bệnh và có yếu tố quyết định đến năng suất lúa. Trước dự báo sâu bệnh tiếp tục phát sinh gây hại đến cuối vụ, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc, vận động nông dân tăng cường tự kiểm tra ruộng của gia đình, đặc biệt quan tâm các đối tượng sâu bệnh để phát hiện và phòng trừ theo nguyên tắc "4 đúng". Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn cần chủ động phòng bệnh trước hoặc ngay sau các trận mưa to, gió lớn trên các giống nhiễm như Hương thơm số 1, TBR 225, Bắc thơm số 7… bằng các thuốc như: Totan 200WP, Ychatot 900SP, Lobo 8WP, Xanthomix 20WP... Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 cần phun trừ ở những ruộng có mật độ sâu cao khi sâu non đa số tuổi 1-3 bằng các thuốc đặc hiệu như: Incipio 200SC, Voliam targo 063SC, Virtako 40WG, Dylan 5WG. Sâu đục thân bướm hai chấm cần phòng trừ ở những ruộng xuất hiện mật độ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 bằng một trong các thuốc đặc hiệu như: DuPont Prevathon 5SC, 35WG, Virtako 40WG, Voliam targo 063SC. Cần phun lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày đối với những ruộng có mật độ trứng cao trên 1 ổ/m2. Rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện ở giai đoạn làm đòng – trỗ, đông sữa nếu xuất hiện rầy cám mật độ từ 750 – 1.500 con/m2 cần phòng trừ bằng các thuốc nội hấp như: Chess 50WG, Chatot 600WG, Afta 300 WP (khi phun không phải rẽ lúa); giai đoạn lúa đỏ đuôi hoặc rầy từ tuổi 3 trở lên xuất hiện mật độ trên 1.000 con/m2 cần phòng trừ bằng các thuốc tiếp xúc như: Bassa 50EC, Nibas 50EC, Jetan 50EC, Hopsan 75EC (trước khi phun thuốc phải rẽ lúa thành từng băng và phun trực tiếp vào nơi rầy cư trú để tăng hiệu quả phòng trừ). Yêu cầu khi phun trừ rầy trên ruộng phải có nước từ 2-3cm trở lên. Ngoài ra, bệnh khô vằn cần sử dụng các thuốc như Anvil 5SC, Tilt Super 300EC, Super One 300EC, Camilo 150SC. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra thuốc BVTV trên địa bàn, không để việc kinh doanh, buôn bán các loại thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng, nâng giá bán, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.